Trần Quí Thanh
Ngoài phương án không tốn nhiều tiền được ông Bùi Quang Vinh chia sẻ, nhiều phương án khác với số vốn đầu tư hàng tỷ USD đã được Sở GTVT TP.HCM phác thảo và trình lên UBND TP.HCM xem xét. Mục đích chung của các phương án là nhằm giúp sân bay Tân Sơn Nhất có thể đón tiếp thêm nhiều triệu lượt hành khách mỗi năm (Theo Trí thức trẻ)
Thưa bác.
Vẫn sợ phiền bác nhưng thấy bác nhiệt tình trả lời nên cháu mạo muội hỏi bác thêm câu nữa: Về việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất đã có nhiều người bàn, trong đó giải pháp của cựu bộ trưởng Bùi Quang Vinh nâng công suất bay được chú ý hơn cả. Cháu cũng thấy điều đó. Nhưng muốn nâng công suất thì phải gia cố hạ tầng cơ sở. Muốn gia cố hạ tầng cơ sở lại phải mở rộng sân bay. Nó hơi bị “ đèn cù” bác ạ. Xin bác cho biết vấn đề này.
Kính bác,
Lê Tiến Toàn ( Nam Định): letientoan_yeuem@gmail.com
Cháu Lê Tiến Toàn thân mến
Cháu không phải ngại ngần trong chuyện hỏi han. Bác mở ra mục Chat với mọi người để những ai quan tâm đến những vấn đề về kinh tế văn hoá xã hội, lập ngiệp và kinh doanh đều có thể đặt câu hỏi cho bác. Biết được bao nhiêu bác trả lời bây nhiêu.
Liên quan đến chuyện mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, đã có nhiều thông tin đủ cho người dân hiểu rõ tình trạng bất cập hiện nay. Trong thời gian vừa qua, có nhiều ý kiến của các cá nhân và tổ chức khác nhau, kể cả tổ chức quốc tế, nhưng chủ yếu là đưa phương án mở rộng sân bay, xây thêm các công trình hạ tầng giao thông.
Vừa qua, Cựu Bộ trưởng Bộ Kê hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh nêu một phương án hoàn toàn mới, đó là làm cuộc cách mạng khoa học công nghệ trong quản lý điều hành các sân bay. Theo bác, đây là một sáng kiến rất đáng được lưu tâm.
Hiện nay, hệ thống giao thông trong sân bay bị tắc nghẽn vào giờ cao điểm, các loại phương tiện vận tải phải tránh hoặc chờ nhau, dẫn đến xe bus đưa khách vào và ra máy bay bị chậm. Một trong những cách giải quyết là phải tổ chức lại hệ thống giao thông này, tối ưu hóa khai thác bằng cách sắp xếp, phân luồng một cách khoa học. Có tốn tiền, nhưng ít hơn rất nhiều. Bác thấy ý này đúng.
Trong nhà ga, không phải chỉ một đơn vị mà nhiều bộ phận hoạt động, bao gồm an ninh soi chiếu, cơ quan xuất nhập cảnh, hải quan, công ty dịch vụ mặt đất, cung cấp suất ăn.
Cháu biết không, riêng các cảng sân bay Việt Nam là độc quyền nhà nước, thuộc Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) quản lý, các đơn vị vào hoạt động trong các nhà ga đều phải qua cửa của ACV. Ví dụ, quầy check in của Vietjet không phải nhân viên của Vietjet, mà thuê qua đơn vị thuộc ACV điều hành.
Cơ quan không lưu là một đơn vị đặc biệt của nhà nước. Điều hành bay là một hoạt động chuyên môn cao, càng khoa học thì khai thác đường băng càng hiệu quả. Cho nên, bài toán tối ưu hóa điều hành bay cần phải được giải càng sớm càng tốt.
Theo các chuyên gia hàng không, hiện nay 2 đường cất hạ cánh của sân bay Tân Sơn Nhất là đủ để khai thác đến 50 triệu lượt khách/năm, không cần phải xây thêm đường băng thứ ba. Nhưng do công tác điều hành bay chưa được tối ưu hóa, cho nên số lần cất hạ cánh thấp hơn so với sân bay các nước, cụ thể là sân bay Changi của Singapore. Điều này bác thấy rất rõ, mỗi khi ngồi trong máy bay ra đường lăn, thấy phi công phải chờ lâu. Tại sao không tối ưu hóa điều hành bay để hai đường đều chủ động cất hạ cánh thì sẽ tăng số lượt cất hạ cánh/phút. Số lượt cất hạ cánh tăng thì lượng khách thông qua sân bay được giải phóng nhanh, bớt áp lực ùn ứ khách trong nhà ga. Việc này đâu cần tốn nhiều tiền, khoa học công nghệ ngày nay có thể giải quyết được, vấn đề là chúng ta chưa tính tới.
Trong nhà ga càng thấy rõ những bất hợp lý, tại sao phải xếp hàng rồng rắn để check in mà không điện tử hóa, tự động hóa như nước ngoài. Khi xây dựng được một phần mềm tương thích toàn hệ thống, cháu có thể ngồi nhà dùng điện thoại check in hoặc lên sân bay vào máy tự động check in, như vậy sẽ không còn tình trạng gây gỗ, cãi cọ, chen lấn như cách làm thủ công hiện nay.
Thủ tục xuất nhập khẩu cũng vậy, cháu đi nhiều nước, sẽ thấy hành khách tự vào máy nhập thông tin cá nhân, máy sẽ xuất một tờ khai, dùng tờ khai đó nhập cảnh, nhanh chóng và thuận lợi.
So sánh sẽ thấy, check in, xuất nhập cảnh, soi chiếu an ninh, hải quan, mỗi khâu bị chậm nột chút thì sẽ ảnh hưởng đén giờ lên máy bay, vậy thì hoãn chuyến là đương nhiên. Nếu như tối ưu hóa toàn bộ các khâu trong quy trình hàng không sân bay thì sẽ tăng công suất khai thác và hạn chế tối đa nhân viên phục vụ. Đó là phương án tuyệt vời nhất.
Cho nên, việc mở rộng hệ thống hạ tầng là đương nhiên, nhưng nếu khai thác được công nghệ để điều hành quản lý hàng không thì sẽ ít tốn kém hơn nhiều so với 4 phương án mà các chuyên gia đưa ra.
Cháu dành thời gian tìm hiểu thêm nhé.
Trần Quí Thanh
( Hãy gửi câu hỏi cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)