Tôn tạo tượng Đức Thánh Trần và công viên Mê Linh: Cần một tâm thế mới

PGS-TS. Nguyễn Minh Hòa –  Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị TP.HCM/  Báo NĐT

Khu vực công viên Mê Linh với tượng đài Trần Hưng Đạo xây dựng năm 1967, đến nay đã được 54 năm. Từng ấy năm qua, “nước chảy đá mòn”, “gió táp mưa sa” làm cho tượng đài xuống cấp, do vậy việc chỉnh trang, nâng cấp là điều phải tính đến. Mới đây UBND TP. HCM đã ra lời kêu gọi sự góp ý của nhân dân, nhất là các chuyên gia cho phương án trùng tu công viên này. Với tất cả sự khiêm tốn và hiểu biết, tác giả bài viết này góp thêm một tiếng nói để cho quận 1, nơi chịu trách nhiệm trùng tu tôn tạo có thêm ý kiến đa chiều.

Hiện nay, có ít nhất hai luồng ý kiến khác nhau. Thứ nhất là coi nơi đây thuần túy chỉ là một công viên nhỏ để người dân vãng cảnh, thư giãn như bao công viên khác, cho nên chỉ cần tăng thêm cây xanh, ghế đá, quét sơn lại, và có thể lặng lẽ trả lư hương vào chỗ cũ. Thế là đủ.

Thứ hai là nhân đà này trùng tu, cải tạo, làm mới công viên Mê Linh trong tổng thể dải công viên bờ sông Bạch Đằng với nhiều thiết kế mới tạo bạo hơn, mới mẻ hơn. Tôi nghiêng về phương án thứ hai. Tuy nhiên vấn đề quan trọng nhất là các quan điểm cần phải làm rõ, bởi nó là căn cứ cho các hoạt động mang tính kỹ thuật. 

Thông điệp từ một bức tượng

PGS-TS. Nguyễn Minh Hòa – Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị TP.HCM.

Tượng đài Trần Hưng Đạo từ khi được xây dựng cho đến khoảng năm 1998, tượng đài và công viên hài hòa với cảnh quan khu vực, với chiều cao tương đương một ngôi nhà 3 tầng, trong khi đó các tòa nhà xung quanh và các công trình trên mặt tiền đường Tôn Đức Thắng đều thấp tầng, các công trình mang tính chất điểm nhấn được người Pháp xây dựng đều được giới hạn chiều cao 3 tầng như khách sạn Riverside, trụ sở Hải quan, Bộ tư lệnh Hải quân. Nhưng nay xung quanh công viên Mê Linh có quá nhiều cao ốc, khách sạn, nhà hàng, văn phòng công ty vây quanh như những bức tường bê tông, sắt thép, nhôm kính, chẳng hạn Mê Linh Point cao 22 tầng, khách sạn Hilton 33 tầng… nên tượng đài và công viên trở nên rất nhỏ bé, có phần lạc lõng.

Tới đây dải công viên đối diện bên kia bờ sông của khu đô thị mới Thủ Thiêm được mở ra, các cao ốc 30 – 40 tầng mọc lên lừng lững thì rõ ràng việc trùng tu, cải tạo công viên, tượng đài cần phải tính đến sao cho đạt tỷ lệ tương ứng ở mức tối thiểu trong khu vực, thậm chí phải làm mới một số hạng mục. 

Tượng đài ngoài trời được chia làm hai nhóm là tượng trang trí và tượng “thiêng”. Tượng “thiêng” bao gồm tượng tôn giáo, tượng các danh nhân văn hóa – lịch sử và các sự kiện lịch sử. Như vậy tượng đài Trần Hưng Đạo là tượng “thiêng”. Với loại tượng đài hoành tráng về các vị anh hùng dân tộc, các danh nhân, các thánh nhân huyền thoại thì sự đánh giá không chỉ thuần túy về mỹ thuật hay tạo điểm nhấn không gian mà điều quan trọng, nếu không nói là quan trọng nhất, là chúng phải truyền được thông điệp gì và mang lại cảm hứng sống như thế nào cho các thế hệ con cháu. 

Công viên Mê Linh hiện nay. Ảnh: Hải Long

Ở Việt Nam có rất nhiều tượng, nhưng những bức tượng khiến người ta phải tự vấn bản thân, tự suy gẫm về thời cuộc, được tiếp thêm sức mạnh từ cha ông, bởi lòng tự hào về một dân tộc có sức sống mãnh liệt thật sự không nhiều. Trong số hiếm hoi đó thì tượng Trần Hưng Đạo ở bến Bạch Đằng mang được ý nghĩa này.

Nhà điêu khắc Phạm Thông xây dựng hình tượng một vị tướng lẫm liệt trong bộ võ phục, tay trái đặt lên chuôi kiếm, tay phải chỉ xuống bến sông mang tên Bạch Đằng, nơi ghi dấu ấn trận quyết chiến lịch sử giữa quan quân nhà Trần với quân Nguyên – Mông. Bức tượng cho thấy một thần thái uy nghi, lẫm liệt và kiêu hãnh của nhà quân sự kiệt xuất đã từng đập tan những đội quân xâm lược hung hãn tràn vào nước ta như thác đổ.

Ý nghĩa thông điệp từ bức tượng mang lại cho chúng ta hơn triệu lời rao giảng. Đứng trước tượng, lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc trong mỗi chúng ta trỗi dậy và mỗi người phải đau đáu về vận mệnh dân tộc. Một nước luôn phải đối mặt với những thế lực lớn hơn gấp bội lần và chưa bao giờ từ bỏ ý định bắt dân tộc ta khuất phục để trở thành nô lệ thì những tượng đài vật chất như thế chính là thông điệp bất hủ truyền dạy cho các thế hệ muôn đời những bài học lịch sử mạnh mẽ nhất, sống động nhất, trực quan nhất. Do vậy việc tôn tạo, trùng tu, đầu tư cho xứng tầm là điều phải làm.

Lễ giỗ Đức Thánh Trần trước tượng đài Trần Hưng Đạo ở công trường Mê Linh vào những năm đầu 1990. Ảnh: Phong Quang

Tôi tin chắc rằng các vị lãnh đạo thành phố cũng có chung ý nghĩ này với nhân dân. Thực sự, không ai, không quyết định hành chính nào xóa bỏ được ký ức về Sài Gòn, bởi lẽ việc thờ ai, vinh danh ai là lựa chọn của người dân.

Ý tưởng trùng tu, cải tạo về mặt kỹ thuật

Ở Sài Gòn trước 1975 có 11 bức tượng được đặt ở không gian công cộng, chủ yếu là các bùng binh như Trần Hưng Đạo, Trần Nguyên Hãn, Phan Đình Phùng, Phù Đổng Thiên Vương… Những bức tượng được đắp bằng bê tông, bên trong có cốt sắt, rỗng lòng. Trải qua năm tháng, chịu tác động của mưa gió, bụi bẩn, nước đọng, rêu bám cho nên tất cả đã bị hư hỏng, chẳng hạn chân ngựa của tượng đài Trần Nguyên Hãn bị gãy, nhiều chỗ bị vỡ lòi sắt thép han rỉ. Ngay tượng đài Trần Hưng Đạo cũng bị mưa gió làm hư hại, khuôn mặt bị sứt mẻ, bàn tay chỉ, chóp mũi bị bào mòn, các nếp gấp của chiến bào bị mòn, đọng nước và bụi bám dày, các vết nứt xuất hiện khá nhiều.

Tượng đài Trần Hưng Đạo là tượng “thiêng”. Với loại tượng đài hoành tráng về các vị anh hùng dân tộc, các danh nhân, các thánh nhân huyền thoại thì sự đánh giá không chỉ thuần túy về mỹ thuật hay tạo điểm nhấn không gian mà điều quan trọng, nếu không nói là quan trọng nhất, là chúng phải truyền được thông điệp gì và mang lại cảm hứng sống như thế nào cho các thế hệ con cháu.

Để khắc phục tạm thời, quận 1 đã cho sơn lên một lớp nhũ vàng sáng chói, che mất lớp màu nguyên thủy của nó là xám đen. Nếu cứ giữ nguyên như hiện nay thì chắc chắn một ngày nào đó tượng sẽ hư hỏng nghiêm trọng, có thể sụp đổ. Do vậy các giải pháp vá víu là không nên mà thay bằng bức tượng khác giữ nguyên bản hình dáng như hiện nay, chỉ thay thế bằng chất liệu vĩnh cửu là đồng. Tôi tin chắc người dân và các nhà hảo tâm sẵn lòng chung tay đóng góp để đúc bức tượng đồng này, ngày nấu đồng đổ khuôn chắc chắn có không ít người tháo nhẫn vàng, nữ trang hòa vào dòng đồng lỏng, như đã từng diễn ra khi đổ tượng đồng các danh nhân, trống đồng vì bà con tin như thế thêm phần linh khí. 

Với bệ tượng: Tượng đặt trên bệ cao 10m, khối bệ hình tam giác vát cong bề mặt. Có hình dáng mũi một con tàu rẽ sóng. Như vậy bệ tượng cần giữ nguyên hình dáng, nhưng vì tượng bằng đồng sẽ nặng hơn nên bệ cần được làm to hơn và nâng cao hơn cho tương xứng với cảnh quan, không bị các cao ốc xung quanh “nuốt” mất.

Không gian dưới chân bệ tượng: Có một chi tiết chúng ta không để ý, đó là đế tượng được đặt ở phần ngoài cùng của nền đất hình bán nguyệt. Thông thường thì tượng được đặt ở giữa một hình tròn hay một hình bầu dục biểu đạt sự viên mãn, nhưng trong trường hợp này có thể hiểu khi ấy đất nước chưa thống nhất cho nên còn thiếu nửa còn lại.

Vì vậy, lần cải tạo này, tượng và đế tượng cần được đẩy sâu vào trong, trước là để cho công viên có hình tròn biểu thị sự tròn đầy, sau là tạo ra không gian rộng rãi ở phía trước để đặt lư hương, hoa tươi và các đoàn đông người hành lễ cho trang trọng (hiện nay thì rất hẹp và sát đường giao thông nên chỉ dăm người là hết chỗ). Với các đoàn của Thành ủy, UBND, HĐND và các đoàn thể, nhất là vào dịp lễ trọng, thì cần có mặt bằng rộng lớn hơn.

Phía trước tượng đài Trần Hưng Đạo còn dấu vết bệ đặt lư hương, đã di dời ngày 17.2.2019 (chụp 10g sáng 14.9.2021). Ảnh: Phúc Tiến

Cải tạo công viên: Công viên Mê Linh hiện chỉ rộng khoảng 200m2, không chỉ quá nhỏ mà còn nguy hiểm cho người thăm viếng, bởi đó là điểm tụ của 7 đường giao thông nhánh. Cách nay hơn 10 năm đã có một phương án trình cho thành phố là hạ ngầm đường Tôn Đức Thắng đoạn từ chân cầu Khánh Hội đến chân cầu Thủ Thiêm hiện nay, phần nổi bên trên trở thành công viên Bạch Đằng liền mạch, khi đó bờ sông Sài Gòn trở thành mặt tiền của TP.HCM.

Nếu phương án này được thực thi thì công viên Mê Linh trở thành một phần của công viên bờ sông. Nhưng không biết lý do gì mà chưa triển khai được. Trong trường hợp không tính đến phương án hạ ngầm thì vẫn có thể nới công viên ra được bằng cách bỏ dải phân cách chạy từ đường Hồ Huấn Nghiệp ra Tôn Đức Thắng và tổ chức lại giao thông khu vực này cho hợp lý hơn. Thêm vào đó là đặt thêm các bồn hoa, ghế đá, cây xanh, đèn chiếu sáng nghệ thuật cho công viên hấp dẫn hơn.

Tượng đài Trần Hưng Đạo những năm đầu 1990. Ảnh: Phong Quang

Trả lại sự thống nhất liền mạch cho tượng đài và không gian mặt trước: Nhà điêu khắc Phạm Thông khi tạo tác bức tượng Trần Hưng Đạo, chắc chắn ông không chỉ chăm chăm vào bức tượng mà còn chú ý không gian xung quanh, ý đồ của ông là để cho Trần Hưng Đạo chỉ tay xuống bến sông mang tên Bạch Đằng với lời thề: “Phen này không thắng được giặc Nguyên, ta thề sẽ không về bến sông này nữa”. Hiện khu vực trước tượng cách chừng 200m là ga tàu thủy. Nhà ga này không chỉ phá hỏng hướng nhìn của Trần Hưng Đạo và hướng tay chỉ ra bên ngoài mà còn cản tầm nhìn của người đứng ở bờ sông, đi tàu trên sông, đứng bên Thủ Thiêm nhìn sang. Do vậy việc trả lại không gian phía trước cho tượng đài là việc cần phải làm, để cho không gian và tượng đài thành một thể thống nhất.

Việc trùng tu, tôn tạo công viên bờ sông nói chung và khu vực tượng đài Trần Hưng Đạo nói riêng là nguyện vọng của nhân dân TP.HCM và cả bà con quê quán Sài Gòn sống ở nước ngoài. Đó là một trong số biểu tượng đã nằm sâu thẳm trong miền ký ức của nhiều thế hệ. Hơn nữa, việc làm đó còn là nhiệm vụ chính trị, bởi ngoài xa khơi kia lúc nào cũng có những kẻ tâm địa đen tối rình rập hòng cướp đảo, cướp biển của chúng ta. Ngài đứng đó, ngay mặt tiền thành phố như một ngọn hải đăng soi sáng đường cho con cháu. 

PGS-TS. Nguyễn Minh Hòa –  Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị TP.HCM

Điêu khắc gia Phạm Thông (1943-2016) là người thực hiện tượng Đức Thánh Trần tại công viên Mê Linh. Tượng được khánh thành năm 1967. Ông Phạm Thông sinh tại Thái Bình, tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn năm 1965. Sinh thời, trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí hải ngoại, ông Thông cho biết: “Năm 1967 quân chủng hải quân Việt Nam Cộng Hòa và Hội Đức Thánh Trần ở Sài Gòn tổ chức cuộc thi tạc tượng Đức Trần Hưng Đạo, Thánh tổ Hải quân để đặt tại công trường Mê Linh, cuối đường Hai Bà Trưng, sát bờ sông Sài Gòn. Có 13 đồ án của các điêu khắc gia dự thi, tôi may mắn trúng giải và đó cũng là tác phẩm đầu tay của tôi về điêu khắc”.

Ông Thông kể, ban đầu ông đưa ra đồ án tạc bức tượng Đức Trần Hưng Đạo đang ngồi nghiên cứu binh thư để chống quân xâm lược. Nhưng khi bắt tay vào làm, ông bỗng nhớ câu chuyện trước khi đem quân đánh giặc Nguyên, Đức Trần Hưng Đạo rút gươm chỉ xuống sông Bạch Đằng thề rằng “Phen này không thắng được giặc Nguyên, ta thề sẽ không về bến sông này nữa”. Tượng lại đặt ở vị trí sát sông Sài Gòn nên đã gợi hứng cho ông thay đổi đồ án và được Đại tá hải quân Trần Văn Chơn (quân đội Việt Nam Cộng Hòa) chấp thuận ngay.

Bức tượng bằng xi măng cốt thép cao 6m đứng trên một bục lăng trụ tam giác cao 10m nên rất bề thế, uy nghi. Với mẫu tượng của điêu khắc gia Phạm Thông, thời gian sau, hải quân Việt Nam Cộng Hòa đã cho xây hai tượng Đức Thánh Trần tại Quy Nhơn và Vũng Tàu (hiện vẫn còn).  

Năm 1975, ông Phạm Thông sang định cư tại Mỹ, mở phòng tranh và tiếp tục thực hiện các tượng đài. Giữa năm 2016, ông hoàn thành một tượng Đức Thánh Trần bằng đồng, tay chỉ về phương Bắc, đặt tại đại lộ Bolsa (Nam California-Hoa Kỳ). Ông qua đời ngày 3.11.2016 tại Mỹ. 

NGUỒN:  Theo Báo Người Đô Thị

Link bài: Tôn tạo…

https://nguoidothi.net.vn/ton-tao-tuong-duc-thanh-tran-va-cong-vien-me-linh-can-mot-tam-the-moi-32016.html

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *