V. Dũng/ Báo TBKTSG
—–
TPHCM cơ bản kiểm soát được dịch bệnh nhưng vẫn còn một thách thức khác là nền kinh tế vận hành chưa đến 50%. Doanh nghiệp đối diện với các tổn thất thiếu hụt dòng tiền, tiềm tàng nguy cơ mất thanh khoản và thành phố đứng trước nguy cơ gia tăng kinh tế nợ xấu. Để giải bài toán này, TPHCM cần những giải pháp nào để đưa kinh tế vào quỹ đạo phục hồi?
Tại hội thảo khoa học “Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội TPHCM giai đoạn 2022-2025” được tổ chức sáng 16-10, các chuyên gia kinh tế đã đưa ra gợi ý về giải pháp và lộ trình phục hồi cho đầu tàu kinh tế cả nước. Các nhóm giải pháp này nhằm mục đích hỗ trợ lãnh đạo thành phố có định hướng, chiến lược phát triển sau làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4.
Nhìn thẳng vào thực tế để nhận diện khó khăn
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận định, thành phố chưa bao giờ gặp khó khăn, chịu sự tác động nặng nề về kinh tế – xã hội do đại dịch Covid-19 như thời gian qua. Đến nay, tình hình dịch bệnh đã được cải thiện, TPHCM cơ bản kiểm soát được dịch. Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn còn tiềm ẩn diễn biến phức tạp, đòi hỏi TP cần nỗ lực nhiều hơn để kiểm soát được hoàn toàn. Trong bối cảnh hiện nay, thành phố vừa tập trung phòng chống dịch, vừa phải tính toán lộ trình để phục hồi kinh tế – xã hội. Hai việc này tiến hành song song.
Để làm được điều này cần nhìn thẳng vào thực tế nhằm nhận diện được các khó khăn mà thành phố phải vượt qua. Hầu hết chuyên gia nhận định, các tổn thất mà doanh nghiệp đang gặp phải đang đẩy họ vào tình trạng thiếu hụt dòng tiền, suy giảm khả năng trả lãi vay và nợ vay đúng hạn, tiềm tàng nguy cơ mất thanh khoản. Từ đó đưa nền kinh tế đối mặt với nguy cơ nợ xấu gia tăng.
Theo ông Trần Hoàng Ngân – Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển, TP cần xác định rõ hai mục tiêu phải làm trước mắt để đưa nền kinh tế thành phố bước vào quỹ đạo phục hồi. Đầu tiên là nhanh chóng khôi phục sản xuất, kinh doanh, khắc phục những gãy đổ chuỗi sản xuất, cung ứng, giúp những doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động tái gia nhập thị trường. Tiếp đó là thúc đẩy quá trình phục hồi tăng trưởng gắn với chương trình “số hóa” và tái cơ cấu nền kinh tế.
Muốn vậy, cần nhanh chóng tập trung vào các nhóm giải pháp trên cơ sở đánh giá tổng quan hiện trạng đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa ở TPHCM và các tỉnh thành vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Mặc dù đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 đã gây tổn hại nặng nề nhưng mặt khác lại thúc đẩy mạnh mẽ quá trình thay đổi cách thức vận hành nền kinh tế. Trong đó có thói quen người tiêu dùng, cách thức giao tiếp, kinh doanh và làm việc cũng có những chuyển biến tích cực. Các doanh nghiệp lẫn cơ quan chức năng cần nhìn vào thực tế này để điều chỉnh những chính sách hay đưa ra những thay đổi thích hợp.
PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh, trường Đại học Kinh tế – Luật TPHCM nhìn nhận, trong giai đoạn giãn cách, thương mại dịch vụ giảm chỉ còn 30% so với điều kiện bình thường, xuất nhập khẩu thiệt hại rất nặng nề. Điều này đã nhanh chóng gây nên sự sụt giảm nghiêm trọng ở hầu hết các lĩnh vực kinh tế, sốc tiêu cực xảy ra ở cả tổng cung lẫn tổng cầu.
Bước sang tháng chín tốc độ phục hồi vẫn chưa đạt được 50% so với trước đây, giá cả tăng cao, lạm phát đảo chiều chúng ta đối mặt với suy thoái. Tổn thất thấy rõ ở cá nhân, hộ gia đình. Lao động, việc làm suy giảm mạnh, doanh nghiệp kiệt quệ tài chính. Tăng trưởng kinh tế suy giảm, cân đối ngân sách căng thẳng. Thiệt hại của doanh nghiệp vẫn chưa có chính sách hỗ trợ đặc thù, trong khi thời gian vàng để phục hồi của doanh nghiệp đang dần qua đi. Do đó, mức hỗ trợ của TPHCM cần phải gia tăng lẫn đẩy nhanh mới đủ khả năng hồi phục
“Chúng tôi giữ nguyên kỳ vọng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) trong năm 2021 (theo giá hiện hành) giảm khoảng 1,74% so với năm 2020 (tương đương với mức giảm 4,79% theo giá so sánh so với năm 2020) nếu kích hoạt kịp thời các gói hỗ trợ như khuyến nghị mà nghiên cứu đã đưa ra”, PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh nhận định.
Tuy nhiên, do diễn biến Covid-19 lần thứ 4 đã không được tính đến khi lập dự toán chi ngân sách 2021 của thành phố. Trong khi đó suốt thời gian dài TPHCM phải tập trung nguồn lực rất lớn cho công tác phòng, chống dịch, đảm bảo an sinh xã hội và sắp tới sẽ phải tăng chi hỗ trợ doanh nghiệp tái thiết sau giãn cách nên chúng tôi cho rằng ngay cả khi thu ngân sách ở kịch bản kỳ vọng, cân đối ngân sách 2021 của TPHCM sẽ vô cùng khó khăn.
Làm gì để bước nhanh vào quỹ đạo phục hồi?
Theo các chuyên gia, để bước vào giai đoạn phục hồi điều đầu tiên phải chủ động với giải pháp “sống chung an toàn với dịch”. Hiện nay, gần 100% người dân trong độ tuổi tiêm ngừa Covid-19 đã được tiêm 1 mũi, trong đó 72% đã tiêm đủ mũi 2 vaccine. Các số liệu này cho thấy TPHCM đã đạt được miễn dịch cộng đồng một phần bởi người dân đã được bảo vệ với tỷ lệ tiêm vaccine hiện tại. Nhưng với biến chủng Delta thì tỷ lệ tiêm đủ vaccine phải tăng lên, điều này thành phố chưa đáp ứng được. Do đó, bên cạnh việc người dân được tiêm đủ vaccine thì áp dụng các biện pháp 5K vẫn là quan trọng nhất.
Ở góc độ về dịch tễ, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, trường Đại học Y dược TPHCM viện dẫn kinh nghiệm của Singapore ở thời điểm hiện tại “là một cảnh báo cho chúng ta về khả năng tăng số ca nhiễm” đồng thời “phải dừng lại việc nới lỏng các quy định giãn cách xã hội”. Liên hệ với Việt Nam thì không cần thiết cách ly F1 nếu đã tiêm vaccine đủ hai mũi, xây dựng mạng lưới giám sát dịch tễ để có thể ứng phó kịp thời.
Song song với việc chủ đảm bảo an toàn các yếu tố dịch tễ thì cần bắt tay vào các chính sách tài khóa nhằm thúc đẩy nhanh chóng nền kinh tế đang yếu dần đi. Việc thiết kế chính sách phục hồi kinh tế do Covid-19 với nguyên tắc tuân thủ mục tiêu tối thượng là đảm bảo ổn định giá trị tiền tệ.
Theo PGS.TS. Hoàng Công Gia Khánh, chính sách của Ngân hàng Trung ương các nước trong bối cảnh này thường hướng đến mục tiêu quan trọng nhất là đảm bảo thanh khoản cho thị trường. Giảm lãi suất có tác dụng kích thích tiêu dùng và đầu tư và được xem là công cụ giúp kích thích toàn diện nền kinh tế trong ngắn hạn.
“Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay ở Việt Nam, chúng tôi cho rằng dư địa để giảm lãi suất huy động không còn nhiều. Ngân hàng Nhà nước có thể giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc song song với việc điều chỉnh thích hợp trần tăng trưởng tín dụng. Đồng thời chỉnh sửa một số vấn đề kỹ thuật trong quy định điều chỉnh kỳ hạn trả nợ của Thông tư 14 để tạo thuận lợi hơn trong việc giảm lãi suất cho vay và tái cấu trúc nợ của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng từ Covid-19”, PGS.TS. Hoàng Công Gia Khánh phân tích.
Đối với chính sách tài khoá, nhóm nghiên cứu của Đại học Kinh tế – Luật TPHCM đã chỉ ra rằng ngay cả khi Việt Nam hoàn tất giải ngân trọn vẹn các gói hỗ trợ năm 2020 thì quy mô cũng chỉ ở mức 1,9% GDP. Đây là mức rất thấp cho sự kỳ vọng các hỗ trợ này đủ mạnh để đạt hiệu quả tốt cho kinh tế phục hồi. Do đó, nhóm nghiên cứu đề xuất gói hỗ trợ 2021 của Chính phủ có thể lên đến 250.000 tỉ đồng tương đương khoảng 4% GDP. Đây là con số khả thi với quy mô và nội lực của kinh tế Việt Nam.
Nhóm cũng khuyến nghị sử dụng nguồn lực tài trợ cho các gói hỗ trợ tức thời và các gói kích thích đầu tư mang tính trung hạn từ các nguồn tái phân bổ chi ngân sách, tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TPHCM… Ngoài ra vẫn còn nhiều nguồn lực tài chính phục hồi trong ngắn hạn như chuyển nhượng tài sản công, cố phần hóa doanh nghiệp Nhà nước và đấu giá quyền sử dụng đất để tăng nguồn thu… Thậm chí Trung ương phát hành trái phiếu rồi chuyển cho TPHCM sau đó thành phố sẽ thanh toán lãi và gốc sẽ có hiệu quả và giá trị phát hành cao hơn là để cho TPHCM tự làm.
Các chuyên gia cũng nhìn nhận, để phục hồi kinh tế thì đầu tư tư nhân không thể đáp ứng được mà phải lấy động lực từ đầu tư công. Trước mắt là đẩy nhanh giải ngân đầu tư công để hỗ trợ các thành phần kinh tế khác.
TS Trần Du Lịch, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế TPHCM cho rằng, thành phố nên dùng hình thức đầu tư công như một công cụ kích cầu để phục hồi kinh tế. Cứ 1 đồng vốn đầu tư công tại TPHCM sẽ kéo theo từ 8-10 đồng vốn đầu tư tư nhân. Đầu tư công cũng sẽ kích tổng cầu như trường hợp nước Anh giai đoạn 1929-1933
TPHCM cần mạnh dạn đưa tất cả dự án của giai đoạn 2026-2030 vào các gói đầu tư công phục hồi kinh tế. Nếu làm được thì sẽ giúp “cứu nền kinh tế”, đồng thời giải quyết được bài toán hạ tầng nhanh hơn, như giao thông, nhà ở, chống ngập, môi trường…
“Nếu chúng ta làm được khối lượng dự án đầu tư công của 10 năm trong 4 năm tới (2022-2025), thì sẽ có một thành phố hoàn toàn mới từ dịch Covid-19 này” TS. Trần Du Lịch hy vọng.
NGUỒN: Theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn
Link bài: TPHCM…
https://thesaigontimes.vn/tphcm-can-lam-gi-de-dua-kinh-te-buoc-vao-quy-dao-phuc-hoi/