TPHCM đề xuất tăng lương gấp 2 lần mức bình quân cả nước: Xin cơ chế, không xin tiền

Tuyết- M.Quân/ Báo Lao Động

TP.Hồ Chí Minh đã có bước phát triển vượt bậc trong thời gian qua. Ảnh: B.D

TPHCM là đô thị lớn nhất cả nước về dân số và quy mô kinh tế, đồng thời cũng là địa phương có đóng góp ngân sách lớn nhất cả nước. Hiện nay, năng suất lao động của TPHCM cao gấp 2,7 lần cả nước, năng suất lao động của cán bộ công chức cao gấp 1,5 lần cả nước và số thuế thu được cao bằng 3 lần tỉ lệ dân số.

Tuy nhiên, có một nghịch lý là dù đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của thành phố đang phải làm việc với cường độ, áp lực cao gấp đôi mức trung bình cả nước, song chế độ đãi ngộ lại chưa tương xứng, từ đó dẫn đến thực trạng thành phố chưa thật sự thu hút được nhiều nhân tài, không ít cán bộ công chức xin nghỉ việc vì lương không đủ sống…

Có tiếng làm “nhà nước” nhưng không lo nổi cuộc sống cho bản thân, nhiều cán bộ công chức ở TPHCM đã bỏ Nhà nước để ra làm ngoài, hoặc đầu quân cho các doanh nghiệp, tập đoàn nước ngoài. Một cuộc khảo sát nhỏ của PV Báo Lao Động cho thấy, đa phần những người được hỏi về mức lương cán bộ, công chức hiện nay ở các thành phố lớn, đặc biệt là TPHCM cho rằng: “Nếu không thay đổi chính sách lương, người giỏi, người làm được việc sẽ ra đi”.

Làm “nhà nước” nhưng không lo nổi cho bản thân!

Anh L.V.Đ vốn là cán bộ biên chế, có thâm niên làm việc 10 năm tại một đơn vị sự nghiệp có thu ở TPHCM. Năm 2016, anh làm đơn xin nghỉ việc dù lúc đó đã được đề bạt lên vị trí trưởng phòng. Anh Đ tốt nghiệp cử nhân Anh văn trường Huflit, năm 2007 anh nộp đơn ứng tuyển và trúng tuyển. Quê ở Long An nhưng được vào làm Nhà nước ở TPHCM là niềm tự hào của cả gia đình.

“Thế nhưng, ta không thể mài cái tự hào đó ra mà sống được. Mức lương khởi điểm thời điểm đó của tôi hơn 1 triệu đồng, cho đến khi nghỉ việc lương cơ bản để đóng BHXH của tôi sau gần 10 năm là khoảng 4 triệu đồng, lương bậc 4 với hệ số là 3,33. Nếu trừ các khoản đóng BHXH thì còn khoảng 3,5 triệu đồng/tháng. Vì là đơn vị sự nghiệp có thu cho nên cơ quan tôi có các khoản khác trả thêm lương cho cán bộ, công nhân viên. Ngoài lương cơ bản, tổng thu nhập của tôi khoảng 10 triệu đồng/tháng trong khi công việc ngập đầu” – anh Đ chia sẻ.

10 triệu đồng/tháng với một người ra trường đi làm 10 năm, sống ở thành phố sôi động, chi phí sinh hoạt đắt đỏ như TPHCM là điều rất khó. Anh Đ bộc bạch: “Có thể nhiều người sẽ bảo là công nhân lương 5 triệu đồng còn sống được, tại sao mình 10 triệu lại không? Tôi nghĩ mình không thể so sánh như vậy được. Mình là lao động có trình độ, đi làm ở các khu trung tâm, công việc bắt buộc mình phải đến những nơi sang trọng, gặp những người rất nhiều tiền, nếu mình sống khổ sở, tiền không có, mình không thể nào an tâm mà làm việc được. Với mức lương đó, chi tiêu cho bản thân còn chưa đủ, làm sao nghĩ đến chuyện mua nhà, lo cho bố mẹ, gia đình. Thế nên khi được một tập đoàn của Mỹ mời, tôi đã nghỉ Nhà nước và sang ngay, dù lúc đó cơ quan có đề xuất đưa tôi lên trưởng phòng”.

Theo anh Đ, dù có lên trưởng phòng, có thêm một ít phụ cấp nhưng với cách trả lương cào bằng, nếu sống được, cán bộ công chức phải đấu đá, bợ đỡ nhau, hoặc cấp trên với nhân viên móc nối với nhau làm việc riêng, hoặc những việc không chính đáng để tư lợi, họ không còn dồn tâm huyết cho công việc. “Tính tôi không làm được nên tôi chọn ra ngoài” – anh chia sẻ.

Tương tự, anh V.C vốn là một cán cộ công chức thuộc Sở GTVT đã hơn 10 năm, nhưng do lương thì ít, trong khi công việc lại ngập đầu và chịu nhiều áp lực nên cách đây 3 năm, anh C đã xin nghỉ ra ngoài làm phó tổng giám đốc cho một doanh nghiệp vận tải với mức thu nhập gấp khoảng 3 lần khi làm cán bộ của Sở GTVT. Với thời gian 10 năm công tác ở Sở GTVT, từ một chuyên viên, anh C cố gắng nỗ lực làm việc miệt mài, bất kể giờ giấc hay ngày nghỉ.

Sau một thời gian phấn đấu cùng với năng lực chuyên môn tốt, có trách nhiệm, anh được đề bạt làm phó một phòng thuộc Sở GTVT, tiếp theo đó được đề bạt làm giám đốc một trung tâm thuộc Sở GTVT. Tuy nhiên, với áp lực công việc quá lớn, làm hoài không hết việc, trong khi chỉ cần sơ suất có sai sót là rất dễ bị kiểm điểm, kỷ luật, nhưng thu nhập cũng chỉ vẻn vẹn khoảng 10 triệu đồng. Với mức sống đắt đỏ như tại TPHCM lại phải lo cho cả gia đình nên mức lương bèo bọt đó chẳng thấm vào đâu. Đó cũng chính là lý do anh C xin nghỉ chuyển ra ngoài làm cho tư nhân với thu nhập cao, đầu óc thoải mái.

Theo thống kê, mỗi cán bộ, công chức, viên chức TPHCM phục vụ khoảng 700 người dân, trong khi mức trung bình của cả nước thì một cán bộ chỉ phải phục vụ 340 người dân. Ảnh: Lê Toàn

 Tuyển dụng không yêu cầu hộ khẩu vẫn thiếu nhân lực

Thời gian qua, hai ngành dịch vụ công Y tế và Giáo dục ở TPHCM đang thiếu nhân lực trầm trọng. TPHCM đang có nhiều giải pháp để thu hút nhân lực, tuy nhiên, đây vẫn chỉ được xem là giải pháp tình thế khi mấu chốt là “tiền lương” vẫn chưa được giải quyết.

Chị N.T.T.N – giáo viên Toán, tốt nghiệp loại giỏi Trường ĐH Sư phạm TPHCM năm 2011, hiện đang dạy học cho một trường quốc tế tại quận 3 – chia sẻ: “Ra trường, tôi xin vào dạy ở một trường công với mức lương chừng 2,7 triệu đồng/tháng mà không hề có bất kỳ khoản phụ cấp nào thêm. Chưa kể giáo viên phải dự giờ, thao giảng, sổ sách… những mục đó tốn nhiều công sức và thời gian nhưng không có lương.

Quá nản, tôi xin nghỉ và dạy ở trường tư. Ngoài giờ lên lớp, tôi dạy thêm ở các trung tâm. Cuộc sống đỡ vất vả hơn nhiều bạn của tôi vẫn đang “bám” ở trường công”. Theo chị N, nhiều đồng nghiệp của chị đang dạy ở các trường công lập, tối nào cũng phải đi làm gia sư, dạy kèm, bán hàng trên mạng mà thu nhập cũng chỉ từ 5-7 triệu đồng/tháng.

Theo thống kê của Sở GDĐT TPHCM, bình quân mỗi năm có 1.046 giáo viên mầm non ra khỏi hệ thống, trong đó chủ yếu là bỏ việc và chuyển việc. Thu nhập bình quân thấp nhất của giáo viên mầm non ở loại hình công lập là 5.503.461 đồng/tháng. Trung bình mỗi năm thành phố chỉ tuyển được khoảng 1.466 người/nhu cầu trung bình là 1.965 người, như vậy, mỗi năm TPHCM thiếu khoảng 500 giáo viên mầm non.

Để thu hút giáo viên mầm non, TPHCM có chủ trương cho vay ưu đãi không trả lãi cho sinh viên vào học ngành sư phạm mầm non, sinh viên vay sẽ cam kết ra trường công tác tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập ở thành phố và hoàn trả khoản vay trong 3-5 năm đầu công tác, tuyển dụng không yêu cầu hộ khẩu thành phố, Sở GDĐT đề xuất kinh phí dự kiến để giữ chân giáo viên mầm non là hơn 250 tỉ đồng/năm…

Còn đối với ngành y tế, trước tình hình khát nhân lực, các bệnh viện công lập vốn khó tuyển dụng bác sĩ trong thời gian qua, mới đây UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 43/2017/QĐ-UBND, kể từ ngày 1.11.2017, các bệnh viện đã có thể tuyển dụng bác sĩ và nhân viên y tế khác không có hộ khẩu thường trú tại TPHCM.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, các giải pháp thu hút nhân lực mà 2 ngành y tế và giáo dục đưa ra cũng chỉ một giải pháp tình thế, trong khi vấn đề căn bản là tiền lương chưa được giải quyết thì nhân lực giỏi các ngành này bị các đơn vị tư nhân, ngoài nhà nước thu hút với mức đãi ngộ hấp dẫn, môi trường làm việc tốt.

Trung ương từng cho cơ chế một số ban, ngành nhưng sau rút lại!

Trong báo cáo 5 năm thực hiện Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2020, TPHCM đề nghị được tự chủ về biên chế, thu nhập của đội ngũ cán bộ công chức và người làm việc trong các cơ quan quản lý nhà nước. Thành phố sẽ quyết định mức thu nhập của họ gấp khoảng 2 lần thu nhập bình quân của cả nước.

Việc này được cho là hợp lý vì năng suất lao động của TPHCM so với bình quân cả nước gấp 2,7 lần; công chức, người làm việc trong các cơ quan quản lý nhà nước tại thành phố có năng suất gấp rưỡi những nơi khác. Với dân số chính thức hơn 8 triệu người, song thực tế TPHCM còn có khoảng 5 triệu người từ các tỉnh, thành khác đến học tập và làm việc.

Theo thống kê, một cán bộ ở thành phố phải phục vụ khoảng 700 người dân, trong khi mức trung bình của cả nước là 340 người. Sản phẩm kinh tế của thành phố tạo ra cao gấp gần 3 lần cả nước, năng suất lao động của bộ máy gấp đôi cả nước.

Tại cuộc họp báo tình hình kinh tế tháng 8 của thành phố, Chánh Văn phòng UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho biết, quan điểm của thành phố là không xin thêm ngân sách T.Ư và điều chỉnh hệ số lương.

Thành phố xin cơ chế để chủ động lo cho đội ngũ cán bộ. Tiền để tăng lương lấy từ ngân sách thành phố được phân cấp, ủy quyền từ nguồn thu để lại cho thành phố và nguồn điều tiết của T.Ư. Theo ông Hoan, trước đây thành phố cũng xin và được T.Ư cho phép một số ban, ngành dự án thành phố được 2 chấm, 3 chấm.

Hệ số lương thì giống nhau như công chức toàn quốc, nhưng với Ban quản lý dự án, công trình như: Thủ Thiêm, khu công nghệ cao, khu chế xuất, khu công nghiệp phía Nam,… thì Ban quản lý tại đây vừa quản lý nhà nước vừa quản lý các dự án đầu tư trong khu vực.

“Công việc rất nặng nhọc và muốn thu hút họ cũng đâu có dễ. Tìm được những người vừa quản lý được, vừa có kiến thức chuyên môn rất khó. Lúc đó thành phố xin thì T.Ư cho và thành phố làm rất là tốt, tuy nhiên sau này vì quy định này, quy định kia nên T.Ư rút lại”.

(Đọc tiếp>>>>)

Link bài: TPHCM đề xuất tăng lương gấp 2 lần mức bình quân cả nước: Xin cơ chế, không xin tiền

 

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *