Trần Uyên Phương:  “Đam mê và giữ trọn chữ tín.”

Bằng Linh & Bảo Khánh/ Tạp chí THV
Phó TGĐ Trần Uyên Phương tham dự khóa huấn luyện quốc tế.
—–
Tập đoàn Tân Hiệp Phát là một doanh nghiệp tư nhân – doanh nghiệp gia đình sở hữu cơ ngơi hàng tỷ USD nằm trong số những thương hiệu Việt có khát vọng vươn ra toàn cầu. Tân Hiệp Phát được vận hành bởi ông Trần Quý Thanh và hai cô con gái Trần Uyên Phương & Trần Ngọc Bích đang chiếm lĩnh thị phần ngang ngửa Pepsi và vượt qua cả Coca-Cola để có thị phần thứ 2 trong nước. Trong hai người con gái, người gánh trách nhiệm chính là nữ doanh nhân 36 tuổi, Trần Uyên Phương. Chị đang giữ vị trí Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát. Chị cũng là người được chọn kế thừa Tập đoàn Tân Hiệp Phát. Cuộc trò chuyện thú vị sau đây giữa Tạp chí Thương hiệu Việt với nữ doanh nhân trẻ Trần Uyên Phương nói lên phần nào đường hướng phát triển của Tân Hiệp Phát hiện tại và trong tương lai.

* Là nữ doanh nhân trẻ, chị rất đam mê công việc. Và trong phương châm hành động, chị luôn nhấn mạnh đến chữ TÍN đối với khách hàng?

+ Đúng vậy. Tôi học được sự đam mê trong công việc của ba và má tôi. Ba và má tôi cũng là tấm gương sáng giữ trọn chữ TÍN đối với khách hàng. Ba tôi thường khuyên bảo tôi: “Làm bất cứ việc gì mà không có niềm đam mê, ý chí và quyết tâm làm đến cùng, chắc chắn công việc ấy chẳng đến đầu đến đũa. Hơn thế, trung thực, giữ trọn chữ TÍN – một chữ tín viết hoa là tiêu chuẩn hàng đầu của một doanh nhân chân chính”.

    Má tôi là người kinh doanh bất động sản giỏi. Bà góp phần xây dựng nếp sống “văn hóa kinh doanh” trong gia đình Tân Hiệp Phát. Chịu đựng, hy sinh, quyết đoán khi thấy đúng, quan tâm đến mọi người, cho đi nhiều hơn nhận lại. Kinh doanh được đồng nào, má tôi đều dành cho công việc từ thiện, giúp đỡ người nghèo và những hoàn cảnh khó khăn. Trong con người tôi có tư chất của ba và má.

* Chị là doanh nhân, nhưng cuốn sách chị vừa xuất bản “Chuyện nhà Dr. Thanh” có sức hút đối với người đọc. Không chỉ đối với doanh nhân mà nhiều bạn đọc trẻ cũng tìm đọc, chị có thể lý giải hiện tượng này?

+ Tôi làm kinh doanh, nhưng văn chương là điều tôi yêu thích. Đọc sách giúp tâm hồn doanh nhân trẻ trung, hứng khởi, làm việc hiệu quả. Hằng ngày, có điều gì mình thích, nếu biết chắt lọc, ghi lại sẽ rất bổ ích cho công việc lâu dài. Thật khó trả lời về sức hút của người đọc, trong đó có người đọc trẻ đối với cuốn sách Chuyện nhà Dr. Thanh. Tôi nghĩ, không phải do tôi viết hay (cười), bởi tôi chỉ là cây bút nghiệp dư. Chuyện trong gia đình, chuyện của ba má tôi có thế nào; con tim của mình cảm nhận về ba, về má, về gia đình ra sao, kể cả lúc hờn dỗi, lúc yêu thương, tôi chép lại đúng như vậy, không thêm bớt, càng không hư cấu. Phải chăng do người đọc quan tâm đến công việc kinh doanh của ba tôi (ông Trần Quý Thanh) và cá tính của ông? Và cũng đề biết đường hướng phát triển trong tương lai của Tân Hiệp Phát? Chuyện “con ruồi” trong chai nước uống Dr. Thanh là chuyện không hay, chuyện của đối thủ trong một cuộc cạnh tranh không lành mạnh. Ba tôi, Tập đoàn Tân Hiệp Phát phải gồng mình vượt qua thử thách này. Trong cái rủi lại có cái may, qua đây khách hàng, người đời  càng quan tâm đến cách làm ăn của Tân Hiệp Phát. Nếu có dịp, vào thời điểm thích hợp, tôi sẽ nói sâu hơn sự kiện này.

* Trong sách “Chuyện nhà Dr. Thanh”, chị kể lại chuyện chị khuyên má “Hãy li dị ba”?

+ Đúng vậy, bởi ba tôi rất cá tính, lúc chưa đủ khôn lớn, mấy chị em tôi cảm nhận ba ít quan tâm đến má, coi trọng việc làm ăn hơn chuyện gia đình. Tôi cảm nhận má tôi không có cuộc sống hạnh phúc bên ba. Nhưng sau này, khi hiểu ra mọi sự mới biết là  tôi đã nhầm, hiểu không đầy đủ về ba, má mình. Tôi nghĩ những chi tiết cá tính như vậy, quaChuyện nhà Dr. Thanh, người đọc cũng muốn tìm hiểu xem ba tôi là người như thế nào.

* Khi chị đề nghị má li dị ba, ý kiến má ra sao?

+ Tất nhiên là má không đồng ý với tôi. Má nói, con chưa hiểu ba, lớn lên tự con sẽ hiểu vì sao con gái của má có lúc đã nghĩ sai về ba, vì sao má không thể nghe theo con li dị ba. Có thể nói, nếu Tân Hiệp Phát mà không có má tôi, không biết nó sẽ như thế nào đây? Tôi chuẩn bị viết Chuyện nhà Dr. Thanh trong 10 năm, sưu tầm tài liệu, hỏi ba và hỏi má, ngồi nhậu cùng ba để ba bộc bạch hết nỗi lòng. Và tôi muốn xuất bản vào thời điểm này, khi ba và má còn đọc được, coi như một món quà kính tặng ba, má và những người đã gắn cuộc sống của mình với Tân Hiệp Phát mấy chục năm qua.

* Đối với chị, phẩm chất kinh doanh nào trong con người Dr. Thanh – ông Trần Quý Thanh – mà chị ngưỡng mộ và học tập?

+ Nhiều lắm, như tôi đã nói khi bắt đầu cuộc chuyện trò này, đó là sự đam mê và giữ trọn chữ TÍN. Xin nói rộng thêm, tôi đã rất quý ba, khi cảm nhận được ông đã rất  khát khao xây dựng THƯƠNG HIỆU cho các loại đồ uống “Made in Việt Nam” – người Việt phải sản xuất hàng Việt chất lượng, uy tín, không thua kém người nước ngoài, thậm chí hơn cả người nước ngoài sản xuất. Tinh thần “yêu Tổ quốc Việt” trong ba tôi đã thành máu thịt. Trong con người Dr. Thanh “Không gì là không thể”; “Không cho phép dừng bước, phải tiến lên không ngừng”; “Ngày hôm nay phải hơn ngày hôm qua và không bằng ngày mai” … Tôi đã học được ở ba tôi tư chất kinh doanh này, coi đó là sợi chỉ đỏ xuyên suốt sự nghiệp, cuộc đời của mình.

* Là “con gái rượu” của Dr. Thanh, chị rất được chiều chuộng?

+ Tôi sinh ra và lớn lên trong một hoàn cảnh được coi là “con nhà giàu”. Người ta nghĩ rằng “con gái rượu của Dr. Thanh, muốn gì mà chẳng được”, “tha hồ đỏng đảnh, rong chơi, ném tiền qua cửa sổ”.

    Đâu phải vậy, ba tôi rất nghiêm khắc. Suốt tuổi thơ, trong đầu tôi là nỗi sợ ba, sợ hơn cả sợ… cọp. Tôi vẫn nhớ một trận đòn duy nhất của ba khiến tôi phải vào viện. Tôi mới năm sáu tuổi, ba đã cấm không cho mặc váy, không cho điệu đà gì hết. Em gái tôi tính nghịch ngợm, lỡ leo lên xe chú nhân viên, ba mắng tơi bời, em tôi sợ quá đứng chết trân, tè ra cả quần mà không hay biết. Chị em tôi đi du học, phải tự làm thêm, kiếm tiền ăn, đóng học phí. Em trai tôi được ba giao công việc kinh doanh, phụ trách một bộ phận nhân viên, mở rộng thị phần. Một nhóm người trong bộ phận đó vi phạm quy chế bán hàng, hỏng việc, ba tôi đã kỷ luật rất nghiêm, ông không hề bao che. Ba nói: “Không nghiêm từ trong nhà, sao nghiêm được với người ngoài”. Ba thường lo cho cả gia đình lớn – cả ngàn con người trong công ty hơn là lo cho gia đình nhỏ, bắt má và các con phải tự lo liệu cuộc sống. Cảm nhận điều đó, tôi giận ba và đã khuyên má li dị ba… cho rảnh nợ đời (cười).

* Khi chị đi du học, ba chị rất khuyến khích và ủng hộ?

+ Khi sắp học xong lớp 12, tôi xin ba làm hồ sơ đi du học ngành và trường mà mình yêu thích. Rất bất ngờ, ba tôi trả lời, giọng rất nghiêm: “Sợ thi trượt đại học trong nước nên mới trốn đi du học chứ gì?”. Biết ý của ba, năm đó tôi quyết chí thi vào một trường đại học ở TP.HCM mà mình thích. Kết quả, tôi đậu đại học với số điểm cao. Tôi ung dung vào học năm thứ nhất, chẳng nói gì với ba chuyện du học nữa. Hết năm thứ nhất, ba gọi vào phòng và nêu ý kiến cho tôi đi du học. Ba nói ngắn gọn: “Bây giờ là lúc con phải đi tu nghiệp, trau dồi kiến thức và ngoại ngữ”. Bước vào năm học thứ hai đại học, tôi đã chọn một trường chính quy tại Singapore và bắt đầu những năm xa nhà đi học ở nước ngoài. Sau khi tốt nghiệp Khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Bradford – Singapore, tôi học tiếp Khoa Quản trị doanh nghiệp tại Đại học Harvard – Hoa Kỳ và Khoa Quản lý doanh nghiệp gia đình tại Trường IMD – Thụy Sĩ. Ba đã định hướng cho tôi phương hướng tu nghiệp và tôi đã vui vẻ nghe theo ba.

* Chị có thể “bật mí” tên gọi Tân Hiệp Phát, khi ngày nay nó đã trở thành một thương hiệu lớn?

+ Cần nói thêm về “dòng máu kinh doanh – thương trường” trong con người ba. Ba tôi ra đời tại xóm Cầu Bông, mé quận Phú Nhuận bây giờ, gắn với nghiệp kinh doanh của ông nội, của Sài Gòn – đô thị khai mở, dân tứ xứ đổ về, tâm tính thẳng thắn, bộc trực. Ông nội tôi là Trần Văn Bưởi, con thứ tám trong gia đình đông con, rất giỏi buôn bán, thạo nghề cơ khí, đã quyết làm gì là làm cho bằng được, đố ai ngăn cản nổi. Nội tôi tạo dựng lên vựa bán các loại vật liệu xây dựng gọi là Vựa Hiệp Phát, khách hàng nườm nượp, ghe tàu ăn hàng ngược xuôi kênh rạch. Mọi người trong xóm Cầu Bông hồi đó thường gọi nội tôi là ông Tám Hiệp Phát. Sau này, ba tôi – ông Trần Quý Thanh – mang dòng máu kinh doanh của nội lập nên sản nghiệp đồ uống, có tên gọi Tân Hiệp Phát, cũng là từ cái tên Tám Hiệp Phát của ông nội tôi mà ra. Ngày 15 tháng 10 hằng năm, ngày sinh của ba tôi trở thành ngày truyền thống của Tập đoàn Tân Hiệp Phát là vậy.

* Gần đây, chị tổ chức “Ngày hội kết nối giao thương” giữa Tân Hiệp Phát và các đối tác. Tại sao chị lại nghĩ đến việc tổ chức một sự kiện như thế này?

+ Ý tưởng này xuất hiện sau khi tôi cho ra mắt cuốn sách Chuyện nhà Dr. Thanh. Thật sự rất bất ngờ khi cuốn sách đã đem lại cho những người xung quanh nhiều năng lượng và kết quả tích cực. Nhiều người đã có những câu hỏi, đề nghị tìm hiểu thêm về những chi tiết trong cuốn sách mà tôi – vì nhiều lý do – chỉ đề cập lướt qua.

Tôi hiểu, với Tân Hiệp Phát, đối tác chính là các doanh nghiệp Việt, những cánh tay nối dài. Hiện nay, Tân Hiệp Phát đang làm việc với hơn 2.000 đối tác và bình quân mỗi doanh nghiệp có khoảng 50 nhân sự. Việc kết nối những đối tác đó sẽ tốt hơn cho Tân Hiệp Phát.

 “Ngày hội kết nối giao thương” được ba và má cùng dự, mặc dù họ rất bận, thật sự là sự gắn kết, chia sẻ giữa Tân Hiệp Phát với các đối tác.

* Tân Hiệp Phát và gia đình chị đưa ra thông điệp gì tại sự kiện này?

+ Sự thật, thời gian qua, các chính sách của Nhà nước về thuế, đất đai, điều kiện kinh doanh của các doanh nghiệp ngoại – FDI – được nhiều ưu đãi, trong khi doanh nghiệp Việt những năm qua chưa được sự quan tâm đúng mức. Doanh nghiệp vốn đã yếu càng yếu hơn.

    Chúng tôi nhìn thấy Tân Hiệp Phát chính là nơi để kết nối các doanh nghiệp Việt lại với nhau, để cùng hỗ trợ nhau vượt qua các khó khăn. Thực tế, trong gần một phần tư thế kỷ qua Tân Hiệp Phát đã kết nối các doanh nghiệp Việt để cùng phát triển.

    Tại sự kiện đó, các đối tác của chúng tôi cũng đã chia sẻ về giá trị, về tinh thần “Không gì là không thể” mà ba tôi – Chủ tịch, Tổng giám đốc Trần Quý Thanh vẫn thường khẳng định và luôn đồng hành cùng Tân Hiệp Phát.

    Nhiều đối tác cũng chia sẻ nhờ làm việc cùng với Tân Hiệp phát mà họ đã khẳng định được chất lượng, sự chuyên nghiệp của mình.

    Thông điệp của Tân Hiệp Phát và gia đình tôi muốn đưa ra tại sự kiện này là các doanh nghiệp Việt hãy cùng ngồi lại với nhau, bắt tay nhau, liên kết với nhau để cùng nhau đem sản phẩm Việt Nam ra nước ngoài.

    Lợi thế cạnh tranh sẽ là cả một chuỗi chứ không phụ thuộc vào một tính năng sản phẩm hay dịch vụ nào đó vượt trội. Đó chính là lý do để chúng tôi tổ chức ngày hội kết nối giao thương.

 

 * Chị có thể nói rõ hơn, vì sao Tân Hiệp Phát lại muốn các đối tác công nghiệp phụ trợ là doanh nghiệp Việt, thể hiện khá rõ trong “Ngày hội kết nối giao thương”?

+ Hợp tác với doanh nghiệp nội địa, chúng tôi sẽ được phục vụ nhanh hơn và công tác hậu mãi sẽ tốt hơn. Trong khi với hàng nhập khẩu, chúng tôi sẽ mất nhiều thời gian; thuế nhập khẩu cũng như chi phí vận chuyển cao hơn, tốn kém hơn. Quan trọng hơn, khi chúng tôi mong muốn có một đội ngũ cùng tìm kiếm giải pháp cho dịch vụ, sản phẩm thì việc ngồi lại với nhau giữa doanh nghiệp nội địa sẽ nhanh và dễ dàng hơn là với đối tác nước ngoài. Khi đó các chủ doanh nghiệp sẽ cùng nhau tìm ra giải pháp chứ không chỉ là những người đại diện, văn phòng đại diện như của đối tác nước ngoài. Đây chính là lợi thế và nếu đồng hành, các đối tác sẽ cùng phát triển và Tân Hiệp Phát cũng ngày càng lớn mạnh.

    Cộng đồng doanh nghiệp Việt đồng lòng, đồng sức, hỗ trợ nhau trong sản xuất và tiêu thụ hàng Việt chất lượng, giá thành hạ, cạnh tranh lành mạnh, thượng tôn pháp luật, để thúc đẩy phát triển. Đó là điều mà Tân Hiệp Phát hướng tới, cổ xúy, ủng hộ.

* Đảng và Nhà nước đang khuyến khích sự phát triển mạnh mẽ khối doanh nghiệp tư nhân. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có cuộc gặp với 14 doanh nghiệp tư nhân lớn để đối thoại về chính sách. Tân Hiệp Phát tìm thấy cơ hội nào cho mình từ những thông điệp của Chính phủ?

+ Chúng tôi cảm thấy được khích lệ và rất mong đợi sẽ có những chính sách cụ thể. Hiện nay số lượng các doanh nghiệp tư nhân mang thương hiệu Việt có tầm vóc cạnh tranh một cách sòng phẳng với các thương hiệu nước ngoài còn ít. Chúng ta không thể chậm chân hơn nữa. Vậy các thương hiệu Việt, doanh nghiệp Việt cần phải làm gì và cần chung tay như thế nào để tạo ra những sản phẩm Việt uy tín, được người tiêu dùng Việt lựa chọn? Chính phủ hành động và kiến tạo đang mong muốn điều này, khích lệ sự phát triển của các doanh nghiệp tư nhân Việt. Cơ hội vàng đang đến với khối doanh nghiệp tư nhân – động lực của nền kinh tế hội nhập.

* Tuần lễ cấp cao APEC vừa diễn ra vào nửa đầu tháng 11 năm 2017 tại TP. Đà Nẵng. Là nữ doanh nhân trẻ, chị có cảm nhận gì về sự kiện này?

+ Rất tiếc, khi Tuần lễ cấp cao APEC diễn ra ở TP. Đà Nẵng, tôi đang có một công việc đột xuất ở nước ngoài không thể đình hoãn. Tuy vậy, qua phương tiện truyền thông tôi theo dõi các diễn biến rất kỹ, cập nhật diễn biến các sự kiện tức thời. Uy tín, vị thế của Việt Nam trước bạn bè quốc tế, trước cộng đồng doanh nghiệp thế giới đã thật sự vươn cao, bay xa. Thật tự hào với trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam.

    Các thông điệp từ APEC – Đà Nẵng, cũng như Tuyên bố Đà Nẵng của lãnh đạo 21 nền kinh tế khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã chuyển đến cộng đồng các doanh nghiệp thông điệp “Không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm phục vụ người tiêu dùng”, “Xây dựng thương hiệu sản phẩm hàng hóa – dịch vụ mang thương hiệu Việt luôn luôn là đích đến của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam”, “Tự do thương mại, tự do đầu tư là xu thế không thể đảo ngược của toàn cầu hóa, của thế giới phẳng, của thời đại công nghiệp 4.0”… Những thông điệp đó cũng chính là mục tiêu vươn tới của các doanh nhân Việt Nam, của chính Tập đoàn Tân Hiệp Phát chúng tôi.

 * Liên quan tới chuyện thương hiệu, những người bạn của Tân Hiệp Phát lại nhớ đến câu chuyện “con ruồi” mấy năm trước. Thời điểm đó Tân Hiệp Phát bị tác động rất lớn, tưởng như không vượt qua nổi. Ở thời điểm này, chị có thể nói gì thêm về “con ruồi”?

+ Chai nước có “con ruồi”, do ai đó tự bật nắp rồi bỏ vào làm hại Tân Hiệp Phát. Dây chuyền sản xuất hiện đại, cùng lúc cho ra lò hàng triệu triệu chai nước không có kiểu đóng nắp chai như kiểu chai nước có “con ruồi”. Cơ quan có trách nhiệm đã kết luận. Tân Hiệp Phát coi đó là tai nạn, sự rủi ro. Tất cả những gì đã trải qua thì cho qua, chẳng nên nhắc lại làm gì nữa. Tân Hiệp Phát chúng tôi luôn với tinh thần “Không gì là không thể”. Một câu triết lý nữa của nhà sáng lập thương hiệu Tân Hiệp Phát vẫn xuyên suốt với chúng tôi đến thời điểm này: “Hôm nay phải hơn ngày hôm qua và không bằng ngày mai”.

    Tân Hiệp Phát tự tin, luôn giữ trọn chữ TÍN đã vượt qua được những thách thức  như vừa rồi thì tin rằng không gì có thể làm Tân Hiệp Phát sụp đổ. Thử thách sẽ giúp Tân Hiệp Phát mạnh hơn. Thành công càng không được phép dừng lại. Tôi nghĩ, Tân Hiệp Phát vẫn còn nhiều thứ để hoàn thiện. Chúng tôi mạnh mẽ cam kết theo tinh thần của Tuyên bố APEC Đà Nẵng 2017, sẵn sàng lắng nghe và luôn luôn học hỏi để tự hoàn thiện mình. Với lòng đam mê, khao khát và không bao giờ bỏ cuộc, giữ trọn chữ TÍN, Việt Nam sẽ có những sản phẩm, thương hiệu Việt sánh vai cùng các thương hiệu đa quốc gia và cạnh tranh sòng phẳng với họ.

 

* Sắp tới, Tân Hiệp Phát cần tiếp tục thay đổi thế nào để nhận được sự yêu mến và ủng hộ của thị trường, người tiêu dùng trong nước?

 + Là doanh nghiệp thì phải cung cấp sản phẩm, dịch vụ tới người tiêu dùng; chất lượng của sản phẩm, dịch vụ phải được đặt lên hàng đầu. Hiểu rất rõ điều đó, Tân Hiệp Phát đã tiên phong đầu tư 10 dây chuyền Aseptic. Nhiều công ty trên thế giới không tin ở Việt Nam có một công ty dám mạo hiểm như thế. Những gì còn yếu, chúng tôi sẽ cải tiến, hoàn thiện hơn nữa. Những gì Tân Hiệp Phát đang làm không chỉ là tâm huyết của bản thân tôi, của Dr. Thanh, của gia đình tôi mà còn của hàng ngàn con người lao động ở Tân Hiệp Phát. Chỉ bằng cách mạnh dạn đầu tư cho công nghệ, sản phẩm của Tân Hiệp Phát mới phục vụ tốt nhất người tiêu dùng Việt và đủ sức vươn ra thị trường thế giới.

* Chị nghĩ gì về mô hình doanh nghiệp gia đình, nhất là trong áp lực cạnh tranh rất lớn của thị trường?

+ Nói về doanh nghiệp gia đình, có rất nhiều triết lý chúng tôi đã nung nấu. Ví như: “Hãy đối xử với gia đình như là gia đình và hãy đối xử với công việc như là công việc”; “Chúng ta đừng dùng công việc để mà đem vào trong gia đình hoặc là gia đình đem vào trong công việc”; “Chúng ta ngày càng cần chuyên nghiệp hóa gia đình và gia đình hóa công việc”… Những điều này có nghĩa trong công việc, chúng ta nên tôn trọng mong muốn tất cả thành viên, đồng nghiệp cùng phát triển. Trong gia đình, cần đưa ra những nguyên tắc để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển.

    Nếu là thành viên trong gia đình, làm việc với nhau trong cùng tổ chức thì cần chuyên nghiệp hơn, làm gương cho những thành viên khác tham gia vào tổ chức. Đã là thành viên gia đình thì chúng ta phải làm việc tâm huyết hơn, nhiệt tình hơn và là những người gương mẫu hơn thay vì đòi hỏi quyền lợi, ưu đãi nhiều hơn.

    Công thức thành công của tôi là sự minh bạch và rõ ràng, không đội hai cái nón trong cùng một lúc. Lúc nào công việc sẽ là công việc, lúc nào gia đình thì là gia đình, không lẫn lộn, không lấy tình cảm riêng để xứ lý công việc chung. Khi đội hai cái nón trong một thời điểm, trái tim sẽ loạn nhịp (cười), chúng ta sẽ không biết cách hành xử như thế nào là phù hợp, chuyên nghiệp.

* Liên quan đến chuyện chị sẽ kế thừa Tập đoàn Tân Hiệp Phát, chị có thể nói thêm suy nghĩ của mình?

+ Ba tôi đã chuẩn bị cho tôi về kiến thức, cho đào tạo, truyền đạt kinh nghiệm, cho xử lý các tình thế – kể cả tình thế “khủng hoảng truyền thông”.

    Nhiều năm nay, khi hiểu rõ về ba, tôi càng hiểu ba, chia sẻ công việc với ba. Tôi và ba có thể ngồi suốt đêm, thậm chí suốt nhiều đêm bên nhau để cùng tranh luận làm sáng tỏ một vấn đề gai góc nào đó trong kinh doanh. Hai em của tôi cũng hiểu tâm tính của chị và rất ủng hộ chị. Đây là vấn đề rất lớn, nếu được chọn, trách nhiệm lớn sẽ đè nặng lên đôi vai của tôi. Gia đình tôi đã trao đổi vấn đề này rất nhiều lần và nhiều năm và được sự thống nhất rất cao trong gia đình. Tôi hoàn toàn hiểu kế thừa là một công việc, trách nhiệm chứ không phải là một quyền lợi. Điều đầu tiên là mình có đủ năng lực và cam kết cho doanh nghiệp phát triển.

    Khi được chọn, tôi sẽ ràng buộc mình ở một vai trò nhất định nào đó mà không thể buông bỏ được và sự phát triển của tổ chức cần được đưa lên hàng đầu hơn là mục tiêu của cá nhân. Má tôi cũng dặn dò tôi những điều như vậy. Má kể về những điều có thực trong cuộc sống, trong kinh doanh để tôi cùng hiểu và chia sẻ. Một tấm lòng nhân văn, yêu thương gia đình và mọi người nơi má đã truyền sang cho tôi – cô con gái bé bỏng của má.

* Chị có thể “bật mí” đôi điều với bạn đọc Thương hiệu Việt về cuộc sống riêng của “cô gái tỷ đô”?

+ Tôi có cuộc sống bình dị, đời thường. Sắm chiếc xe khủng hàng mấy tỉ đồng mà làm gì, mất thời gian? Xe chung đó, cứ vậy mà dùng. Giá trị con người đâu phải chiếc xe khủng và mốt, trong khi đời thường còn bao gian khó. Thời gian để dành cho công việc, cho học tập, cho đọc sách, cho ba má. Tôi và các em tôi được học hành bài bản, nhưng đều có cuộc sống riêng bình dị, học rồi còn phải học thêm, phải tự học mới giỏi được. 

    Tôi cũng như với mọi người, ai cũng mong có cuộc sống riêng, hạnh phúc riêng, một gia đình riêng ổn định để còn tập trung cho sự nghiệp. Nhưng với chuyện hạnh phúc riêng, chuyện chồng con lại là vấn đề duyên số nữa (cười). Chưa gặp được ai hợp với duyên phận thì đành tập trung cho công việc. Với tôi, mục đích cuộc sống rất rõ ràng. Công việc mà tôi được tin tưởng giao phó, đương nhiên không bao giờ được sao nhãng. Tôi mong có được một người bạn đời giống ba tôi, những người có thể chia sẻ với mình về tầm nhìn, về con đường mình đi phía trước. Người đó cũng không hẳn phải là doanh nhân. Hiểu nhau, chia sẻ cùng nhau trong công việc, yêu thương nhau thì dù là doanh nhân, hoặc không doanh nhân cũng không còn là vấn đề nữa (cười).

* Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này. Và nhân dịp năm mới 2018 đã cận kề, chúc chị nhiều sức khỏe, niềm vui, thành công trong sự nghiệp kinh doanh.

 

Nguồn: Theo Tạp chí Thương Hiệu Việt

 
Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *