Hẹn cô nàng Phó Tổng giám đốc của Tập đoàn Tân Hiệp Phát, con gái rượu của “vua giải khát” Dr Thanh trong một buổi trưa tháng 8, giữa tiết trời Thành phố Hồ Chí Minh khá oi bức, trong một mùa Vu lan báo hiếu sâu sắc. Trần Uyên Phương chọn cho mình chiếc váy màu hồng phấn nhẹ nhàng, thêm giọng nói cô cũng nhẹ nhàng.
Những tưởng người học chuyên về kinh tế thì “khô như ngói”, nhưng với Trần Uyên Phương thì không. Cảm nhận rõ là cô được ảnh hưởng bởi những quan điểm hiện đại từ Đại học Harvard – nơi cô từng theo học, nhưng lại cũng vô cùng truyền thống, tinh tế. Một cô gái “tỷ đô” nhưng lại giản dị, gần gũi. Cô coi trọng tình cảm, sự nhân văn và đặc biệt là chất chứa trong lòng những triết lý rất “già”.
Phương chọn một quán cà phê có nhiều cây xanh, trong một không gian đầy ấm cúng. Đặc biệt nơi đó có món… bánh cay, một món ăn dân dã gắn với những vùng quê nghèo khó trước đây. Món ăn mà theo Phương là: “Bố em rất thích, em hay ghé đây để mua về cho ông”. Và cứ thế, tự nhiên, câu chuyện bắt đầu bằng tình cảm của cô con gái dành cho bố mẹ mình.
Phương kể: “Bố em rất ít thổ lộ tình cảm của mình. Nhưng khi ở giai đoạn mẹ em bệnh, lúc này bố em mới thể hiện là người đàn ông giàu tình cảm, là người chủ của gia đình; đồng thời vẫn giữ vai trò là người lãnh đạo, bản lĩnh để mọi người có thể dựa vào… Đó là điều làm cho em bất ngờ!”. Cô bật mí, chính điều này đã làm động lực và nguồn cảm hứng rất lớn cho một cô gái chuyên học về kinh tế, lại đang gánh vác một phần công việc của Tập đoàn Tân Hiệp Phát, trở thành… nhà văn khi viết cuốn sách “Chuyện nhà Dr Thanh”.
Chia sẻ về cuốn sách mình đã viết và khá được nhiều người quan tâm, Phương cho biết: “Sự bất ngờ về bố đã khiến em muốn viết cuốn sách tặng bố và cũng là để thay mặt bố nói với mẹ. Em muốn mẹ đọc được những câu bố em nói. Chẳng hạn như bố em nói rằng, nếu không có mẹ em thì động lực làm việc của ông sẽ bằng không. Cả 37 năm sống với nhau, chắc mẹ em chỉ chờ có nhiêu đó! Đó là cái làm cho em muốn viết cho bố, thật ra là cho mẹ. Em nghĩ là khi còn sống, bố mẹ muốn biết những điều đó. Em quan niệm, nếu mình có thể làm được điều gì lúc bố mẹ còn có thể hưởng thụ được, cảm nhận được sự chia sẻ thì mình làm, chứ khi bố mẹ mất rồi, có viết một cuốn nhật ký “oách xà lách”, rất chỉn chu, rất “đẳng cấp” thì ba mẹ có nhận được đâu…”.
Với Phương, những cái nghĩ là đương nhiên, không bao giờ thắc mắc về nó thì lại là những cái quý nhất mà không bao giờ mình nhận ra. Chỉ khi mình mất nó đi thì mới cảm thấy hụt hẫng. Với bố mẹ cũng vậy, có được gia đình – đó là hạnh phúc nhất, một món quà lớn nhất mà cuộc sống ban cho mình chứ không phải đơn giản là một sự may mắn. Chính vì thế, cô luôn muốn làm những điều cho bố mẹ hiểu và vui!
Đối với Trần Uyên Phương, những suy nghĩ rất “già” và những triết lý được đúc kết từ cuộc sống đã “chuyển hoá” thành những quy tắc trong kinh doanh. Những đúc kết này, hoặc đã dần hình thành hoặc đã dần tác động lên mỗi con người làm nên văn hoá doanh nghiệp của Tân Hiệp Phát, giúp doanh nghiệp có thể “vượt lên người khổng lồ”, trở thành doanh nghiệp có thị phần đứng thứ hạng cao trong ngành giải khát tại Việt Nam, bất chấp những ông lớn như Pessi, Coca Cola…
Theo Phương, để một doanh nghiệp thành công, không phải là có những con người tài năng mà đó là những con người có giá trị cốt lõi giống nhau. “Khi mình có được những người cùng giá trị cốt lõi thì lúc đó mình cùng chia sẻ, công ty sẽ phát triển nhanh hơn. Nói nôm na là: “Nếu giá trị cốt lõi khác nhau thì một người mượn tiền có thể họ nghĩ là không phải trả, còn nếu cùng giá trị cốt lõi với nhau thì họ đều nghĩ mượn tiền là phải trả” (cười). Đó là những cái gốc xây nền móng đầu tiên để những người Tân Hiệp Phát “không gì là không thể”.
Nguồn lực của công ty lớn thì vô tận, còn mình là công ty địa phương nguồn lực còn hạn chế, có giới hạn vậy thì làm sao vượt qua những người khổng lồ? Để được vậy, thì cần làm sao để nhân viên theo mình, phải cùng hướng đến một mục tiêu. Phải làm sao để người ta thấy họ là một gia đình chứ không phải là con ông bà này, cháu ông bà kia mới là gia đình. Những người nào có chung giá trị cốt lõi cùng hướng phát triển, đó là gia đình Tân Hiệp Phát.
– Các triết lý này của Phương được hình thành như thế nào vậy?
– Em học và đúc kết từ khi làm ở Tân Hiệp Phát. Giá trị của Tân Hiệp Phát là lúc nào cũng phải học, học trong mọi thứ. Khi mình ở vị trí lãnh đạo, năng lực của người lãnh đạo đến đâu thì tổ chức sẽ đi đến đó. Cho nên mình muốn một tổ chức đi lên thì bắt buộc người lãnh đạo cũng phải tự cải tiến mạnh mẽ để tự phù hợp với môi trường. Nếu mình không phù hợp thì đương nhiên mình sẽ là người bị đào thải. Nếu mình không đào thải thì tổ chức sẽ không phát triển. Kể cả anh là nhà sáng lập, nếu anh không thay đổi mà cố quyền cố vị, nếu anh không ra khỏi chỗ đó, tổ chức sẽ không bao giờ lớn nữa.
– Có bao giờ Phương nghĩ Tân Hiệp Phát sẽ trở thành “khổng lồ” như Coca Cola?
– Em mong muốn có thể mang thương hiệu Việt đi ra nước ngoài. Làm sao để có thể tạo nên một môi trường, tạo nên những con người có cùng giá trị không giới hạn kể cả màu da, kể cả tuổi tác, có thể mời những người khác nhau ngồi với nhau để cùng phát triển và đem đến những cái tốt nhất cho người dân, không chỉ ở Việt Nam. Từ đó, có thể giới thiệu Việt Nam với các nước khác thông qua các sản phẩm chất lượng toàn cầu của Tân Hiệp Phát.
Em thấy đoạn đường đưa một thương hiệu Việt ra thế giới là đoạn đường rất dài và đòi hỏi năng lực rất lớn, đòi hỏi mình phải tập hợp được rất nhiều nguồn lực. Đấy là một chặng đường miệt mài với nhiều thử thách ở phía trước, cho nên bây giờ đối với em chỉ là quá trình mình đang học hỏi.
– Tò mò là Phương có được những suy nghĩ như thế từ đâu vậy, gia đình, xã hội hay trường lớp?
– Dạ, do môi trường đào tạo của tổ chức, của gia đình rất là nhiều đó anh. Sếp Thanh cũng là người có niềm tin lãnh đạo là do đào tạo mà có chứ không phải sinh ra là có. Tất cả những gì sếp Thanh muốn đầu tư, đều là đầu tư cho giáo dục và nâng cao trình độ, nâng cao kỹ năng của con người và em được thừa hưởng những điều đó.
– Phương có thể cho biết cuốn sách “Vượt lên người khổng lồ” đề cập đến vấn đề gì?
– Đây là cuốn sách của người Việt đầu tiên được xuất bản bởi ForbesBooks, với những câu chuyện thực tế của một doanh nghiệp châu Á và sự phát triển kinh tế tại khu vực này với tầm nhìn vươn ra toàn cầu xuất phát từ việc cạnh tranh với các công ty đa quốc gia trong suốt hai thập kỷ qua. “Vượt lên người khổng lồ” là cuốn sách về kinh doanh đầu tiên và duy nhất phân tích các yếu tố giúp các doanh nghiệp Việt Nam thành công trong cuộc cạnh tranh với các công ty đa quốc gia. Trong cuốn sách, em có chia sẻ cụ thể từng tình huống. Có thể nói nôm na nó là cuốn cẩm nang cho các doanh nghiệp khởi nghiệp hoặc các doanh nghiệp muốn phát triển toàn diện trong quá trình hình thành và phát triển.
– Lý do Phương quyết định chia sẻ những “bí kíp” xương máu từ thực tế của Tân Hiệp Phát cho các doanh nghiệp khác “học hỏi, áp dụng” là gì?
– Chia sẻ thành công của mình cũng là cách mình học hỏi. Vì chia sẻ chỉ là 1, nhưng khi mình học được từ những phản hồi sẽ là 10. Em cảm nhận, mình chủ động cho đi mình nhận lại rất nhiều, chứ không phải là mình chờ sự nhận lại thì mình mới cho đi. Đó là lý do mà em nghĩ mình cứ mở lòng ra trước đi. Đối với hầu hết doanh nghiệp, cuốn sách và những bài học trong cuốn sách là cái bảo mật hoặc là bí quyết của họ. Bây giờ cũng là thời đại công nghệ 4.0 rồi, cũng không phải quá khó để nói bảo mật thông tin theo cách cũ nữa! (Cười rất tươi)
– Cuốn sách này sau đó có được phát hành ở Việt Nam không?
– Có chứ anh. Cuốn sách sẽ được dịch lại và phát hành tại Việt Nam vào đầu tháng 10 tới, sau một tháng phát hành ở Mỹ. Tại Việt Nam cũng sẽ có cả bản tiếng Anh. Hiện đợt đầu in tại Mỹ là 20.000 cuốn.
– Thị trường Mỹ là thị trường phát hành rất lớn, mỗi năm có trên 1 triệu cuốn sách được xuất bản, nên đó là thị trường cạnh tranh rất lớn. Vậy, Phương có đặt kỳ vọng cuốn “Vượt lên người khổng lồ” cũng sẽ thành công như cuốn “Chuyện nhà Dr Thanh” đã phát hành tại Việt Nam không?
– “Chuyện nhà Dr Thanh” là một bất ngờ đối với em, nhưng đối với cuốn sách này em đặt kỳ vọng trên một phương diện khác, là nó có thể tiếp cận thêm với những doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp giống như Tân Hiệp Phát. Sau nhiều năm phát triển, nếu muốn duy trì, phát triển bền vững hoặc muốn xây dựng thương hiệu bản thân thì kinh nghiệm của Tân Hiệp Phát có thể hữu ích, bởi những vấn đề này Tân Hiệp Phát đã làm rất tốt, hoặc là Tân Hiệp Phát đã phải trả giá nhiều để đúc kết ra những bài học cho mình. Đó là lý do tại sao tựa đề của cuốn sách là “Vượt lên người khổng lồ”.
Trong chương đầu tiên, mọi người muốn đón đọc cuốn sách là câu chuyện tại sao Tân Hiệp Phát đã từ chối đề nghị 2,5 tỷ đô của Coca Cola.
– Phương có thể nói rõ hơn việc từ chối 2,5 tỷ đô của Coca Cola như thế nào không?.
– Em nghĩ đọc thì sẽ hấp dẫn hơn (cười lớn).
– Hiện nay nhiều doanh nghiệp Việt đã đi theo hướng mua bán và sáp nhập doanh nghiệp. Tôi tò mò không hiểu tại sao Tân Hiệp Phát lại không lựa chọn đi theo hướng đó và từ chối một thương vụ khổng lồ như vậy?
– Em nghĩ làm doanh nghiệp là vì lợi nhuận, bên cạnh việc có lợi nhuận thì phải phục vụ sứ mệnh tầm nhìn. Đó mới là cái tạo ra lợi nhuận bền vững. Vậy tại sao khi có cục tiền to như thế mà Tân Hiệp Phát lại từ chối? Đó là một sự đúc kết rất dài và logic từ phía sau doanh nghiệp để dẫn đến quyết định. Quyết định đó em viết rất kỹ trong cuốn sách (lại cười).
– Tân Hiệp Phát không “bán” doanh nghiệp của mình có một phần nào về lòng tự hào dân tộc không?
– (Cười): Những điều đó đều có trong cuốn sách. Sứ mệnh của Tân Hiệp Phát là phục vụ cho người tiêu dùng những thức uống có lợi cho sức khỏe không chỉ ở Việt Nam mà là người dân toàn cầu. Mọi câu trả lời đều có trong cuốn sách mới này.
Và rồi trong suốt buổi cà phê cùng bánh cay chiều nắng gắt ấy, những triết lý gia đình, về đạo làm con, về kinh doanh, về cuộc sống… được tuôn đầy hứng khởi từ cô gái bé nhỏ mà ẩn chứa khí chất phi thường đang ngồi trước mặt tôi. Trong phút chốc, tôi cảm thấy chính mình mới là người nhỏ bé trước những tràn trề dự định, hoài bão và đam mê của Trần Uyên Phương: “Em đang sắp xếp thời gian để từ năm sau mỗi năm em dành một lớp học về khởi nghiệp, kinh doanh cho những người có chí hướng. Em cũng đang tập hợp những người đang có cùng đam mê với mình để tổ chức lớp ở một trường đại học nào đó anh à…”, cô thổ lộ.
*****
“Anh ăn đi” – cô mời. Cầm chiếc bánh cay chiên giòn được mang ra nãy giờ, bị câu chuyện cuốn đi đã bắt đầu nhũn, đưa vào miệng, cô vẫn khen ngon. “Chỉ có tại đây mới có món này – cô nói – và thỉnh thoảng em vẫn hay ghé mua về cho bố”!
Nắng ngoài kia, lấp lánh rơi!
Bài: H.N – M.T
Ảnh + Clip: Mạnh Linh
Trình bày: Nguyễn Hà