Một buổi tối nọ, nhà báo T.T.T. – đồng nghiệp thân quý của tôi nhắn tin: “Tạp chí thương hiệu việt (thv) có đăng bài giới thiệu cuốn sách Chuyện nhà Dr. Thanh (NXB Phụ nữ – 2017), mình sẽ gửi bài?”. “Rất ok, T.T.T. gửi nhé” – tôi trả lời.
Có 3 lý do mà tôi đã quả quyết ngay như vậy.
Thứ nhất, tôi hiểu T.T.T., nhà báo này đã “múa bút” là yên tâm. Thứ hai, THV là ấn phẩm của cộng đồng doanh nhân, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và phát triển thương hiệu. Dr. Thanh – ông chủ Tập đoàn Tân Hiệp Phát là doanh nhân thành đạt, mạnh mẽ, cá tính; giới thiệu về họ, quá được đi chứ. Thứ ba, THV thường xuyên có chuyên mục “Tủ sách doanh nhân”, bài của T.T.T. cho vào đây, còn gì bằng.
Tác giả Trần Uyên Phương là con gái đầu của ông Trần Quý Thanh, hiện là Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát, Giám đốc Công ty Number 1 Chu Lai – Quảng Nam; thành viên Hội Doanh nghiệp trẻ thế giới; tốt nghiệp chuyên ngành Quản trị kinh doanh Đại học Bradford – Singapore và Đại học Harvard – Mỹ; tốt nghiệp lớp Quản lý doanh nghiệp gia đình tại Trường IMD – Thụy Sĩ.
Nhận sách ký tặng của Trần Uyên Phương, tôi lướt nhanh các trang sách – dự định hôm sau sẽ đọc. Nhưng cuốn sách có sức lôi cuốn đến lạ, tôi bỏ một cuộc họp báo vào lúc 15 giờ, ngồi vào bàn đọc ngay – đọc một mạch cho đến trang cuối cùng, gấp sách đứng dậy thì trời đã sụp tối từ lúc nào. Cá tính tôi vẫn vậy, khi đã dự định làm cái gì đó mà có hứng thú là “chiến đấu” cho kỳ xong, rồi mới chuyển sang công việc khác.
Cuộc sống thường ngày – đời thường và đời doanh nhân của Trần Quý Thanh (Dr.Thanh), qua sự miêu tả của cô con gái đầu Trần Uyên Phương – cũng là doanh nhân – thật đặc biệt, trần trụi, thẳng băng, hiện hữu cá tính mạnh mẽ, quyết đoán, ý chí và nghị lực phi thường “không gì là không thể” và một nội tâm sâu lắng, không hời hợt, không che đậy của một anh Hai Nam bộ không trộn lẫn. Cá tính của Dr.Thanh và con gái Uyên Phương mạnh mẽ, say kinh doanh, cũng thẳng băng. Ví như, lúc vào tuổi trưởng thành, Uyên Phương chưa hiểu ba, cô đã nói thẳng với má mình: “Ly dị ba đi. Má định sống khổ như thế cả đời à. Tại sao chứ? Bỏ đi và má có thể sống cuộc đời hạnh phúc của riêng mình”. Sau này, khi đã hiểu ba, vào guồng kinh doanh với ba má, Uyên Phương có thể ngồi thâu đêm với ba, tranh luận quyết liệt với ba một vấn đề gì đó, cho đến khi trời sắp sáng, ba Thanh và con gái mới siết chặt tay nhau, bước vào ngày mới.
Dòng họ nhà Dr. Thanh, từ ông cụ Tám Hiệp Phát đến Tập đoàn Tân Hiệp Phát sau này, từ cuộc sống riêng đến sự nghiệp kinh doanh, từ tình yêu, gia đình đến những cuộc tình – ăn chơi – chiếu bạc và các cuộc đàm phán quyết liệt trên thương trường trong và ngoài nước, cái gì cũng rất góc cạnh, phong cách Nam bộ, rất đời mà cũng rất nghề. Cho đến gần đây, khi mấy ngàn tỷ đồng Tập đoàn Tân Hiệp Phát dành dụm được chuẩn bị cho 3 dự án xây nhà máy mới, dây chuyền hiện đại tạm gửi vào Ngân hàng Xây dựng, bỗng dưng lại “chạy” vào tài khoản riêng của Phạm Công Danh. Tòa án tuyên Phạm Công Danh (đáng ra là Ngân hàng Xây dựng) phải trả tiền cho Tân Hiệp Phát.
Biết đến bao giờ mới đòi lại được món nợ này đây? Vụ án “Con ruồi trong chai nước uống” đến nay vẫn còn bỏ ngỏ nhiều chi tiết, kiểu như chai nước đã có ai đó bật nắp rồi đóng lại làm điều mờ ám – như có ai đó đã nói, đó là hệ lụy của một cuộc cạnh tranh xấu chơi, triệt hạ đối thủ. Và người phụ nữ can trường, cánh tay mặt của Dr. Thanh, của gia đình lớn Tân Hiệp Phát lâm bệnh nặng. Dr. Thanh không thể không xử phạt con trai mình để cho nhân viên dưới quyền “lấn” địa bàn, vi phạm quy chế kinh doanh. “Trị gia” phục vụ “trị quốc”.
Tác giả Trần Uyên Phương với lối kể chuyện rất có duyên, giàu cảm xúc, dẫn dắt người đọc qua từng trang sách nhẹ nhàng, không khoa trương, lời văn bình dị, đồng cảm về sự nghiệp kinh doanh đầy sóng gió của Tập đoàn Tân Hiệp Phát, cuộc đời riêng của các chủ nhân – những trụ cột của gia tộc này. Những trang viết của Trần Uyên Phương về gia đình – chăm sóc MẸ khi bà lâm bệnh hiểm nghèo, sự thương yêu chăm sóc lẫn nhau của những đứa con biết tự lập từ nhỏ – chịu thương chịu khó, kiệm cần mà người cha vẫn răn dạy con khi họ xa nhà du học ở nước ngoài và cả khi họ đã về nước lao vào công việc, không hề biết mệt mỏi là những con chữ lung linh mà đằm thắm – cảm xúc từ trái tim nhân hậu. Trần Uyên Phương thương MẸ mà thức thâu đêm bên giường bệnh, thương EM phải tự vượt lên chính mình, chống chọi với mọi khó khăn trong cuộc sống nơi xứ người – càng lắng sâu làm xúc động người đọc.
Chuyện nhà Dr.Thanh dài 210 trang, thiết nghĩ là vừa phải, phù hợp với văn hóa đọc thời đại 4.0 và văn hóa đọc – sự bận rộn của hoạt động thương trường. Tác giả là nữ doanh nhân, ngày đêm lăn lộn với hoạt động kinh doanh, viết văn chỉ là thử sức – trong những phút rảnh rang hiếm hoi. Nói vậy để thấy, với tác phẩm đầu tay, ghi lại những câu chuyện thực trong đời sống thực của gia tộc họ Trần – Tám Hiệp Phát & Tân Hiệp Phát – trong sự nghiệp kinh doanh và cuộc sống riêng, Trần Uyên Phương đã rất thành công.
Trần Uyên Phương đặt ra một vấn đề lớn về gia đình – tế bào cơ bản của xã hội. Đó là các mối quan hệ máu thịt, huyết thống và công việc; sự đồng thuận và những xung đột, thậm chí xung khắc; cách gỡ nút thắt kịch tính giữa cha mẹ và con cái. Cách giải quyết, xử lý các mối quan hệ đó đều thỏa đáng, có hậu – một yếu tố quyết định sự thành công của gia tộc và Tập đoàn Tân Hiệp Phát. Cũng như phương châm sống và hành động của cha mình trong suốt cuộc đời mà Trần Uyên Phương xác tín: KHÔNG GÌ LÀ KHÔNG THỂ.
Dưới ngọn cờ của người thuyền trưởng dũng mãnh Dr. Thanh, Trần Uyên Phương yêu văn chương, xứng đáng là một doanh nhân năng động, dám nghĩ dám làm, cùng em gái (Bích) và em trai (Dũng) sẽ kế tục xứng đáng sự nghiệp kinh doanh của cha mẹ và gia tộc họ Trần./.
Nguồn: Theo Tạp chí Thương hiệu Việt