Tranh luận để thống nhất và tìm ra bài toán tối ưu

Trần Quí Thanh

Nguồn hình: Internet.

—–

Thưa bác,

Lần trước cháu có hỏi bác về chủ đề “nhận xét nhân viên” và được bác trả lời rất nhiệt tình, cháu vui lắm và rất cám ơn bác.

Lần này, cháu mạnh dạn hỏi thêm bác, vì cháu là CEO của một công ty nhỏ, lại còn quá trẻ, cho nên thường xảy ra những tranh cãi, hay nói đúng hơn là bất đồng với những người trong ban giám đốc, nhưng họ lớn tuổi và có kinh nghiệm hơn. Ở đây, cháu lưu ý là không phải những bát đồng với nhân viên, mà là những cán bộ của công ty, hội đồng quản trị. Cháu không biết phải ứng xử như thế nào để tránh dẫn đến những xung đột.

Cháu tự biết mình chưa có kinh nghiệm, nên rất mong bác dẫn dắt, biết đâu mai mốt cháu được như bác, cháu sẽ mua biếu bác một chai rượu.

Kính chúc bác vui khoẻ.

Lê Hoàng Hoa (Hà Nội): hoa_hoang_le_1983@gmail.com

—–

Lê Hoàng Hoa mến!

Trước hết là bác chúc mừng cháu vì có một nhóm các nhà lãnh đạo doanh nghiệp thường xuyên tranh luận, có những bất đồng cần phải giải quyết để đi đến đồng lòng. Đó là dấu hiệu cho thấy ở đó còn có những người biết động não để làm việc, không ù lì, lười suy nghĩ và không dễ thỏa hiệp.

Tất nhiên, tất cả phải xuất phát từ động cơ lớn nhất, đó là vì cái chung. Nhân viên có thể tranh cãi vì chút lợi riêng, còn đã là những “key person” của doanh nghiệp, thì sự sống còn của doanh nghiệp là trên hết. Đó không chỉ là chuyện tiền bạc, lợi nhuận, mà là danh dự của toàn công ty, trách nhiệm với người lao động và cộng đồng.

Cháu phải ý thức được rằng, một doanh nghiệp làm ăn thất bại thì không chỉ thiệt hại riêng cho doanh nghiệp đó, mà là thiệt hại cho toàn xã hội. Cho nên, bất đồng không có nghĩa là xấu, đôi khi sự thỏa hiệp mới nguy hiểm.

Bác có câu thường hay nói với anh em cộng sự thân tín: “Nếu lúc nào bạn cũng đồng ý với tôi, thì một trong hai chúng ta là không cần thiết”. Có nghĩa là, hãy có ý kiến, hãy phản biện, hãy suy nghĩ cái mới. Tôi cần bạn chính là cần sự khác biệt, cần tiếng nói ngược lại, cần suy nghĩ và sáng tạo mới mẻ hơn tôi.

Tể tướng Lưu Gù, chính là Lưu Dung, một nho sinh thông minh lỗi lạc người Sơn Đông, ra làm quan dưới thời Càn Long, mỗi lần vua lâm triều, các quan điều im miệng, chỉ có Lưu Gù là có chuyện để trình tấu. Và Càn Long rất quý trọng ông quan này.

Khi nào ông cũng có ý kiến, rất nhiều ý kiến trái tai vua. Nhưng vua thích vì nghe quá nhiều lời nịnh nọt, không cần thiết và nhàm chán.

Nếu như trong cuộc họp ban lãnh đạo chủ chốt công ty, mà ai cũng im lặng, chỉ nghe cháu nói, làm theo cháu chỉ đạo, thì liệu cháu có đủ sức để kham không?

Còn khi nào cũng có người nêu ý kiến, có khi phản biện lại kế hoạch của cháu, và đưa ra phương án mới. Rõ ràng, để chọn phương án nào đương nhiên còn tranh luận, đó là tranh luận để đi đến thống nhất, tìm ra bài toán tối ưu để chiến thắng.

Đừng sợ tranh luận, hãy lắng nghe, chấp nhận cái thiếu sót của mình, tôn trọng ý kiến đúng đắn của người khác. Cháu sẽ là một CEO giỏi, thành công.

Hẹn gặp lại cháu.

Trần Quí Thanh

(Hãy gửi thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *