Trẻ nhưng không phải từ “lò ấp” để ép thành “chín non”

Trần Quí Thanh

Nguồn: Internet

Cùng với sự kiện Uỷ ban kiểm tra Trung ương công bố kết luận sai phạm của một số cán bộ, trong đó có ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Thành uỷ thành phố Đà Nẵng, nhiều ý kiến cho rằng ông Nguyễn Xuân Anh còn trẻ. Vụ này gây ra tranh luận đây.

Ở Việt Nam, cán bộ lãnh đạo đứng đầu địa phương hay bộ ngành, tầm trên dưới 40 tuổi đều cho rằng còn trẻ. Trên thế giới, tuổi này làm tổng thống không ít.  Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đắc cử năm 39 tuổi, tổng thống Mỹ J.F. Kennedy đắc cử ở tuổi 43. Còn bộ trưởng trên dưới 30 tuổi trên thế giới thì quá nhiều.

Nhưng sự khác biệt của người ta với mình là bầu cử hoặc có sự tuyển chọn bằng những tiêu chí đảm bảo chất lượng người lãnh đạo, còn những tiêu chuẩn của chúng ta chưa hẳn đã đem lại kết quả tuyển chọn cán bộ như kỳ vọng. Bằng chứng là có nhiều cán bộ không đảm đương được trọng trách, để xảy ra những sai phạm nghiêm trọng.

Trẻ hay già ở đây không phải là tuổi, mà là năng lực, phẩm chất, tư chất của cá nhân.

Trẻ mà chỉ được chăm sóc trong một lò ấp rồi cơ cấu cho một cái ghế thì đúng là “chín quá non”, nói như TS Nguyễn Sĩ Dũng. Nhưng nếu trẻ mà được tuyển chọn từ hoạt động và công tác, trưởng thành qua các giai đoạn quản lý điều hành với sự tích luỹ kinh nghiệm, rèn luyện phẩm chất đạo đức, bộc lộ được năng lực và tầm nhìn của một nhà lãnh đạo thì trẻ đó bằng mười lần già.

Tuyển chọn hiền tài tất phải có thi thố theo cách sòng phẳng, tích cực. Gần đây tui thấy có nhiều địa phương tổ chức các cuộc thi tuyển lãnh đạo sở, hiệu trưởng, lãnh đạo cấp vụ, cục, đây cũng là cách sàng lọc để tìm ra người có năng lực.

Và để công bằng hơn cho việc tuyển chọn người tài, có những cái cần thi và có những cái cần bỏ, ví dụ như các tiêu chuẩn cơ cấu thuộc về lý lịch. Nếu còn những tiêu chuẩn đó thì sẽ còn những cán bộ lãnh đạo “chín quá non”.

Vị trí lãnh đạo thì có hạn, nếu như người bất tài chiếm hết rồi thì không còn cho người tài. Sự thiệt thòi này không phải dành cho người tài vì chưa chắc họ đã cần vì họ có nhiều việc khác để làm, mà thiệt thòi cho xã hội, cho đất nước.

Sài Gòn ngày 26/9/2017

TQT

Link bài:  Ts Nguyễn Sĩ Dũng: Đừng đổ lỗi hết cho “đại gia”, “đại ca”

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *