Triết lý “Định, Tĩnh, An, Lự, Đắc” của nhà võ

Trần Quí Thanh


Nguồn: Internet

Mấy bữa nay dù không cao hứng lắm, nhưng tui cũng liếc sơ qua những dòng tin về các cao thủ võ lâm muốn giao đấu với nhau. Ông võ Tây không chịu nhận lời thách đấu của nhiều thầy Ta, nhưng lại cứ tìm cách đến thách đấu với ông thầy giỏi về bí kíp “Lăng không kình”. Tui không biết “Lăng không kình” là gì, nó quá bí hiểm đối với người ngoại đạo. Thời trẻ tui cũng có theo thầy học dăm ba miếng, đủ để đi đánh lộn chơi cho vui, chưa đủ sức để lĩnh hội những võ học công phu chỉ đọc được trong truyện Kim Dung.

Rồi mấy anh bạn doanh nhân giới thiệu tui đọc bài “Võ học” của tác giả là một doanh nhân tên Nguyễn Thành Nam, đọc xong tui khoái chí vô cùng. Hóa ra, anh này luận giải về võ học nhưng tui thấy toàn là bí kíp để làm ăn. Vậy mới lạ.

Nói chuyện võ trước đã nhé. Tác giả không phê phán việc thiên hạ thách đấu nhau, nhưng khéo léo nhắc nhớ rằng, học võ không phải để thi thố hơn thua. Tác giả luận:
“Bốn cảnh giới, giống như bốn cấp học mà người tập sẽ phải trải qua, lần lượt sẽ là: Cấp một, khi mới học được những tinh hoa của võ thuật là: tay chân ngứa ngáy, muốn phô diễn, thấy điều bất bình là muốn cà khịa đánh nhau. Cấp hai, là bắt đầu hiểu được mình, kiềm chế, chỉ khi nào người đánh mình thì mình mới phản ứng lại. Cấp ba, là không muốn tranh chấp, sẵn sàng hạ mình. Người ta đánh thì mình xin lỗi rồi lánh đi. 
Cấp cuối cùng, là có thể cảm nhận được những chỗ hung hiểm, tránh xa những chỗ phải đầu rơi máu chảy. Vượt qua mỗi cảnh giới đều phải mất dăm năm tập luyện. Suy cho cùng cũng là thoát hiểm. Nói đi nói lại, học võ vẫn là để thoát hiểm, bảo vệ sức khỏe, vui sống với đời”.

Rồi tác giả giới thiệu: “Và nó không chỉ là triết lý của võ học. Trong giới doanh nhân, có hai vị “đại cao thủ” là Jim Collins và Jerry I. Porras, soạn một cuốn chân kinh với một triết lý tương tự có tên tiếng Anh là “Built to Last” – Tạm dịch là Xây dựng để Trường tồn, là sách gối đầu của rất nhiều thế hệ doanh nhân thành công”.

Tui chưa được đọc cuốn “Built to Last”, nhưng qua cách luận giải của doanh nhân Nguyễn Thành Nam, tui lờ mờ hiểu ra rằng, làm doanh nhân cũng theo triết lý “Định, Tĩnh, An, Lự, Đắc” của nhà võ.
Vào thương trường, đối mặt với nhiều thử thách, trước tiên tâm phải Định, lòng phải tĩnh. Định và Tĩnh sẽ giúp ta cảm nhận được mọi lẽ, nếu thấy nguy nan mà tâm loạn động thì sẽ đưa ra những quyết định sai lầm.

An là không sợ hãi, đã dám bước vào thương trường là dám chịu thất bại. Sợ thua lỗ sẽ không mạnh tay chơi những canh bạc lớn. An nhiên tự tại mà bước đi, mà cạnh tranh, mà đối phó với những hung hiểm thường trực.

Lự là lo, lo đây không phải là lo lắng mà là lo liệu. Một doanh nhân biết tổ chức, sắp đặt, tiên đoán thời cơ, dự báo rủi ro, đó mới là người đi được đường dài, mới trường tồn.
Cuối cùng là Đắc. Đắc với tu hành là đắc đạo. Đã đắc đạo rồi thì thuận theo tự nhiên mà hành động, tiến thoái mạch lạc nhưng vô chiêu, vô chiêu mà hữu chiêu. Doanh nhân đi được đến cảnh giới này thì khó ai địch lại

Tự nhiên muốn lạm bàn chuyện triết lý võ học với triết lý kinh doanh chút chơi. Nếu có sai thì xin các cao nhân lượng thứ và chỉ giáo thêm cho.

21/7/2017
TQT

Link: Võ học

 

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *