Từ Luật Tố cáo đến Luật Phòng, chống tham nhũng

Nguyên Lê/ TBKTSG

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân tại Lâm Đồng. Ảnh: Quochoi.vn

Góp ý kiến tại hội trường Quốc hội về dự án Luật Tố cáo (sửa đổi), tố cáo sai sự thật, không đủ nhân lực để giải quyết, nặc danh… là những lý do mà gần 20 đại biểu đưa ra để phản đối việc Ban soạn thảo đề xuất mở rộng hình thức tố cáo, từ chỗ chỉ chấp nhận gửi đơn và trực tiếp đến cơ quan chức năng, có thêm các hình thức như: fax, thư điện tử, trình bày trực tiếp bằng lời nói qua điện thoại với tổ chức, cá nhân có thẩm quyền.

Ở chiều ngược lại một số đại biểu cho rằng “Không nên vì thấy chấp nhận thêm hình thức tố cáo sẽ gây khó cho cơ quan quản lý nhà nước mà ngần ngại, cán bộ, công chức ăn lương của nhân dân thì phải làm”, “Nếu luật cứ cứng nhắc thì khó ngăn ngừa tội phạm”, “Công nhận chứng cứ điện tử, sao còn lăn tăn việc tố cáo qua điện thoại?”, “Điện thoại có thông tin cá nhân sao phải sợ nặc danh?”…

Quá trình tranh luận này cho thấy điều gì? Nói như một đại biểu Quốc hội với báo chí, “Việc tố cáo về mặt bản chất là người dân muốn giúp Nhà nước tìm ra được những sai phạm trong bộ máy công quyền. Tuy nhiên, có người vì sợ liên lụy nên đã hạn chế quyền tố cáo. Nếu xét ở khía cạnh nào đó, đây là cuộc giành giật giữa một bên là những đòi hỏi chính đáng của người dân và một bên là những công chức có tì vết mà cố thủ để bảo vệ bí mật của mình khỏi bị phơi bày”.

Còn nếu bỏ qua khía cạnh động cơ nói trên, chỉ nhìn ở khía cạnh công vụ, các quan điểm thoái thác việc mở rộng hình thức tố cáo qua điện thoại, e-mail… cho thấy một sự thoái thác công vụ. Cho dù đúng như một đại biểu nói, rằng “trong thực tiễn nhiều năm qua, với hai hình thức tiếp nhận thông tin tố cáo truyền thống, qua giải quyết cho thấy tỷ lệ tố cáo đúng chưa tới 20%”, thì việc “tới đây mở rộng ra… tỷ lệ này có thể còn thấp hơn” không thể là lý do chính đáng để không tiếp nhận tố cáo thông tin tố cáo phi truyền thống.

Tố cáo là quyền hiến định của công dân, trong khi phòng ngừa, xử lý tiêu cực, sai phạm là trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan nhà nước. Nếu vì công vụ được giao, đừng nói tỷ lệ tố cáo đúng chưa tới 20%, mà có thể thấp hơn nữa thì cơ quan nhà nước cũng phải ghi nhận công của người tố cáo đúng mà cám ơn họ. Còn với tố cáo không đúng, hiện đã có quy định xử lý rồi. Thái độ của anh với việc tiếp nhận thông tin tố cáo thể hiện thái độ công vụ của anh thế nào. Đó là chưa nói trên thực tế, nhiều sai phạm, đặc biệt là trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng, việc phát hiện đưa đến xử lý chủ yếu dựa vào thông tin có tính chất tố cáo của người dân, khả năng tự phát hiện trong hệ thống của các cơ quan quản lý rất thấp.

Trong khi giặc “nội xâm” tham nhũng đang “đe dọa sự tồn vong của chế độ”, nếu thông tin tố cáo được phát huy hơn nữa, nó sẽ là cánh tay đắc lực hỗ trợ cho công cuộc phòng, chống tham nhũng và đáng ra phải như vậy, như một giải pháp từ… bên ngoài hệ thống.

Cách đây 13 năm, điều 65 của Luật Phòng, chống tham nhũng 2005 đã quy định “Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để công dân tố cáo trực tiếp, gửi đơn tố cáo, tố cáo qua điện thoại, tố cáo qua mạng thông tin điện tử và các hình thức khác theo quy định của pháp luật”. Từ hồi đó, vai trò của tố cáo đối với công cuộc phòng, chống tham nhũng đã được ghi nhận và hình thức tố cáo qua điện thoại, mạng thông tin điện tử… đã được luật hóa, tại sao bây giờ lại phản đối nó trong dự luật Tố cáo?

Đặt các thảo luận, tranh luận trên nghị trường về dự luật Tố cáo (dự kiến sẽ được thông qua tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra) trong bối cảnh Luật Phòng, chống tham nhũng cũng sẽ được đưa ra để lấy ý kiến sửa đổi trong kỳ họp này, có thể nói Luật Tố cáo cầu thị, tiến bộ đến đâu sẽ cho thấy quyết tâm và khả năng phòng chống tham nhũng đến đó. Hai trong số những nhóm nội dung mới, có tính đột phá trong dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) là mở rộng đối tượng kê khai tài sản, thu nhập và xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được một cách hợp lý (hiện có hai phương án là đánh thuế thu nhập cá nhân với thuế suất 45% hoặc xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền bằng 45% giá trị chênh lệch, tăng thêm). Các nội dung này rồi sẽ được Quốc hội thảo luận kỹ càng nhưng dù chọn phương án nào thì tai mắt của nhân dân cũng là điều không thể thiếu, để giám sát sự kê khai. Hoạt động giám sát này cần được tạo điều kiện để chuyển hóa thành hoạt động tố cáo.

Trước mắt, có thể thấy Luật Tố cáo (sửa đổi) sẽ là một phép thử thành công của công cuộc phòng, chống tham nhũng. Một phần lực cản hay lực đẩy là từ đây.

Nguồn: Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn

Link bài: Từ Luật Tố cáo đến….

(http://www.thesaigontimes.vn/273275/Tu-Luat-To-cao-den-Luat-Phong-chong-tham-nhung.html)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *