Thực ra, Singapore đã phải mất hơn một năm chuẩn bị, kể từ ngày chính thức thành lập một ủy ban nghiên cứu vấn đề này cũng như để dự thảo luật này vào đầu năm ngoái. Với bản báo cáo tổng hợp dài hơn 300 trang cùng với hàng ngàn trang tài liệu sử dụng cho các lần thuyết trình trước quốc hội, ủy ban này cuối cùng cũng đã vượt qua các ý kiến phản đối để có được kết quả thông qua dự luật như vừa nói.
Singapore cấm gì?
Trước hết, Singapore cấm việc trao đổi thông tin sai sự thật ở Singapore, cấm tạo và điều chỉnh các trạm (bot) trao đổi thông tin không đúng sự thật, và cấm cả việc cung ứng dịch vụ trao đổi các thông tin ngụy tạo. Vì vậy mà quảng cáo trực tuyến được sử dụng để chuyển thông tin không đúng đến các đối tượng “dễ tin” cũng không nằm ngoài vùng phủ sóng. Thậm chí, báo cáo của ủy ban soạn thảo luật này trước đó còn chỉ đích danh phương thức quảng cáo qua dò đường từ các cú nhấp chuột của người dùng trên Google và Facebook để minh họa cho nội dung giải trình.
Điều này cũng có nghĩa, luật này sẽ tầm soát cả hành vi của người sử dụng các trang mạng (user), đơn vị cung ứng dịch vụ truyền thông lớn (mass media) và cả nhà cung cấp dịch vụ Internet trung gian (intermedia). Đặc biệt, luật không quan tâm người vi phạm đang ở trong hay ngoài Singapore mà chỉ cần biết rằng thông tin không đúng sự thật đó “ở Singapore”.
Tiếp theo, Singapore còn đặt ra quy định nghiêm cấm việc nhận tiền hỗ trợ hoặc thậm chí chỉ bày tỏ nguyện vọng được hỗ trợ từ các cá nhân, đơn vị khác để tiến hành các công việc nêu trên; và cũng không để lọt sổ người cung cấp tiền. Hay nói cách khác, mọi ngả đường dẫn đến việc sử dụng và truyền tin giả đều bị kiểm soát chặt.
Nhiêu đó quy định đã phần nào cho thấy sự quyết liệt của Singapore trong chống tin giả trực tuyến. Theo trang Bloomberg, với luật này, Singapore được xem là quốc gia đầu tiên ở châu Á chính thức tuyên chiến với tin giả bằng công cụ pháp lý. Vì ngay cả quốc gia láng giềng Malaysia, sau những rục rịch cho dự luật tương tự, cũng đã phải nhanh chóng xếp lại từ năm ngoái.
Nhưng nếu nhớ lại, Việt Nam đã có Luật An ninh mạng từ đúng một năm trước. Đây cũng chính là công cụ pháp lý tương tự để Việt Nam tuyên chiến với tin giả.
Có thể lý do khiến việc thống kê bỏ sót luật này của Việt Nam là bởi điểm khác biệt trong tiếp cận của Singapore. Rõ ràng, luật được Singapore ban hành tập trung và trực diện chỉ mặt đặt tên hành vi tung tin thất thiệt. Thậm chí, nội dung quy định đã không ngần ngại gắn nhiều ví dụ minh họa để làm rõ các tình huống tương ứng.
Trong khi đó, cách tiếp cận của Việt Nam bắt đầu từ một câu chuyện khác, rộng lớn hơn, là an ninh mạng. Dù “thông tin sai sự thật” có được Luật An ninh mạng nhắc tới thì đó cũng chỉ là một trong số những hành vi bị ngăn cấm về an ninh mạng mà thôi (điều 8).
Vỏ quýt dày phải có móng tay nhọn
Thường chúng ta dễ nghĩ rằng trách nhiệm hình sự là nặng nề nhất, và vì vậy là lựa chọn hữu hiệu để ngăn chặn hành vi phạm pháp có tính chất, mức độ nguy hiểm cao.
Singapore lần này cũng gọi tên các vi phạm là tội phạm. Các quy định còn cho thấy, Singapore sẵn sàng áp dụng hình phạt tiền ở mức cao và thậm chí là bỏ tù. Đối với các đơn vị cung cấp dịch vụ mạng thì ngoài việc chịu trách nhiệm về sai phạm của mình, họ có thể phải gánh thêm trách nhiệm đối với việc để người dùng “tung hoành” trên trang mạng của mình.
Đồng thời, Singapore cũng không quên đưa ra quy định cho phép cơ quan có thẩm quyền yêu cầu người/đơn vị vi phạm dừng việc cung cấp thông tin sai sự thật; điều chỉnh lại cho đúng và công bố công khai nội dung thay đổi.
Cẩn thận hơn, luật của Singapore còn để tâm và đặt ra các yêu cầu kỹ lưỡng cho việc công khai thông tin điều chỉnh, như dễ thấy, dễ đọc, dễ nhìn (hoặc dễ nghe) và không dễ bỏ qua. Không những thế, thông tin bổ sung này cần phải đặt gần chỗ tuyên bố chủ đề, nơi người đọc dễ nhìn, dễ kiếm và quan trọng là họ không cần phải khai báo định vị của mình khi tiếp cận các nội dung như vậy.
Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu đối tượng vi phạm vẫn không thực hiện? Để ứng xử với tội phạm số trong không gian mạng biến ảo khôn lường, và đặc biệt là trước tốc độ lan truyền của tin giả thời mạng xã hội phát triển như hiện nay, năng lực công nghệ của cơ quan quản lý mới được xem là “móng tay nhọn”.
Theo quy định, trong hầu hết các tình huống, cơ quan quản lý của Singapore được sử dụng giải pháp đóng tài khoản vi phạm, vô hiệu hóa đường truyền hay xóa luôn các trang mạng.
Dĩ nhiên, họ có thể yêu cầu các đơn vị dịch vụ Internet trung gian và nhà cung cấp công cụ truyền thông lớn thực hiện điều này và sẵn sàng ra hình phạt tiếp theo nếu bất tuân. Nhưng quan trọng và hữu hiệu hơn, nếu cần thiết và với các tình huống bất tuân yêu cầu có thể xảy ra, chính quyền Singapore sẽ trực tiếp hành động để chặn tài khoản của người dùng và thậm chí là khóa luôn trang mạng vi phạm.
Lợi ích chung hay quyền riêng tư
Dù muốn hay không thì cuộc chiến chống tin giả cũng ảnh hưởng đến thông tin cá nhân của người dùng. Một bài viết trước đây đã chỉ ra nguyên tắc tối thượng về bảo vệ quyền riêng tư trong các tình huống(1). Thậm chí, từ chế định quyền riêng tư nguyên thủy, các quy định đã được vận dụng linh hoạt và phát triển cho không gian thương mại. Bằng chứng là các quyết định xử phạt các cơ quan thương mại lành mạnh của Mỹ hay EU vì để lọt thông tin người dùng của Google hay YouTube. Cơ sở pháp lý cho việc xử phạt đó là quy định bảo vệ (thông tin) người tiêu dùng và các định chế về thương mại (không) lành mạnh.
Tiếp cận này đặt ra gánh nặng thực thi chính sách bảo mật quyền riêng tư cho các hãng công nghệ và truyền thông xã hội lớn. Nhưng một lần nữa, luật pháp của Singapore có thể yêu cầu họ làm chuyện ngược lại.
Thật ra, phát triển công nghệ vượt trội để thúc đẩy kinh tế là điều quốc gia nào cũng muốn làm, nhưng để rộng cửa và tự do quá mức cũng có thể mang lại những nguy hại, mà thông tin giả là một điển hình. Kết quả, chính nguyên lý tự do có giới hạn là cơ sở để luật pháp đưa ra tiếp cận lưỡng cực về vấn đề này: yêu cầu bảo mật, nhưng có nghĩa vụ “mở” thông tin cho chính quyền trong một số tình huống.
Điển hình như quy định về kiểm soát tải khoản ảo (inauthentic online account). Đương nhiên, nếu hiện tượng tin giả tạo ra bởi các tài khoản ảo xuất hiện trên các trang mạng thì các chế tài tương ứng sẽ được áp dụng. Nhưng vấn đề ở đây là Singapore mong muốn tìm kiếm giải pháp phù hợp và tiến đến xử lý tận gốc vấn đề khi cố gắng tìm hiểu tài khoản ảo đó do cá nhân tạo ra hay do các trạm thông tin thiết lập.
Khi đó, cơ quan quản lý cần biết các thông tin được sử dụng để tạo tài khoản, hành động đáng ngờ trong quá trình sử dụng tài khoản, ngày tạo và các thông tin cần thiết khác.
Lợi ích chung (public interests) chính là nền tảng để Singapore lý giải và cáo buộc cho sự vi phạm đối với hành vi tung tin sai sự thật này. Cụ thể, việc ngăn chặn đó là nhằm bảo toàn lợi ích xã hội, trật tự an ninh xã hội, sự bình yên của cuộc sống, bảo đảm sức khỏe cộng đồng và tài chính công.
Đặc biệt, lợi ích chung còn bao gồm cả mục đích tránh ảnh hưởng đến kết quả bầu cử tổng thống, nghị viện hay các cuộc trưng cầu dân ý; tránh kích động, làm giảm niềm tin của công chúng vào các hoạt động của nhà nước; không được khuếch tán tâm lý căm hờn, thù địch, ác ý giữa các nhóm người, và không làm ảnh hưởng đến mối quan hệ hữu nghị giữa Singapore và các nước.
Hành vi tung tin sai sự thật và có ảnh hưởng đến các lợi ích trên đều bị cho là vi phạm. Cách tiếp cận này thực ra rất giống, và thậm chí còn chặt hơn, quy định của Việt Nam.