Tử tế với nông sản và nông sản tử tế

Huỳnh Văn Thông/ Báo Thanh niên

Nguồn hình: Internet

—–

Dù diễn biến của dịch Covid-19 đang chặn đứng đường xuất khẩu của nông sản Việt, thì lão nông Nhật và nhân công của mình vẫn cứ chăm chỉ đóng gói sản phẩm mình làm ra để xuất đi mà chẳng phải lo lắng gì.
Nỗ lực “giải cứu nông sản” không nên chỉ dừng lại ở nghĩa cử rất tử tế là bỏ tiền ra mua giúp nông sản đang mắc kẹt do ảnh hưởng của dịch Covid-19 hay do chuyện rất thường xảy ra ở Việt Nam là “được mùa mất giá” hoặc bị thương lái bên kia biên giới không mua.
Mà cần nhiều sáng kiến và giải pháp lâu dài, căn cơ hơn về bảo quản, chế biến, phân phối, tiếp thị nông sản Việt.
Mới rồi, trong hoàn cảnh nông sản Việt kẹt đường xuất khẩu do ảnh hưởng dịch, “Vua bánh mì” Kao Siêu Lực mạnh dạn thử nghiệm món bánh mì mới với nguyên liệu là thanh long ruột đỏ. Và thành công. Là thành công không chỉ của tay nghề làm bánh mì nổi tiếng của ông chủ, đó còn là thành công của một sáng kiến hết sức có ý nghĩa về kinh tế và xã hội khi mà nông sản Việt Nam không phải là hiếm lần lâm cảnh ứ đọng phải nhờ người dân trong nước giải cứu.
Không chỉ có một Kao Siêu Lực tìm kiếm giải pháp tử tế để giải cứu nông sản Việt. Nhiều bạn trẻ dành tâm huyết thanh xuân cho kế hoạch xây dựng thương hiệu nông sản Việt. Nhiều chuyên gia nông nghiệp tâm huyết đang cặm cụi tìm giải pháp phát triển chuỗi giá trị nông sản Việt. Ngay trước khi viết điều này, tôi vừa kết thúc một chuyến đi tìm gặp trực tiếp những người đang kiên trì làm nông sản tử tế ở Đà Lạt. Họ làm nông sản tử tế để không phải lâm cảnh nhờ những người tử tế ra tay giải cứu.
Câu hỏi xót xa nhất không phải là “làm gì để giải cứu nông sản Việt?”. Mà là “đến khi nào thì chúng ta thôi phải lo giải cứu nông sản?”. Câu trả lời không hề dễ có, nếu chúng ta nhìn thật sâu vào chuỗi giá trị sản xuất và cung ứng nông sản hiện nay của Việt Nam.
Chúng ta đang bị bỏ lại một khoảng cách khá xa so với nhiều quốc gia xuất khẩu nông sản. Thậm chí, đáng nói hơn, khoảng cách đó hiện hữu đầy rẫy ngay trên “sân nhà”. Nông dân Nhật, nông dân Hàn Quốc, nông dân Hà Lan tìm cách đến Việt Nam để thuê đất canh tác, làm nông sản “tử tế”, trồng rau trồng hoa trồng trái cây ngay trên đất đai người Việt. Điểm khác biệt quan trọng nhất ở họ về sản xuất nông sản là thực hành nông nghiệp theo tiêu chuẩn giản dị nhất: sự tử tế. Rau hoa củ quả họ làm ra cứ thế mà hiên ngang lên đường trở về quê hương họ.
Tôi vừa đến tận trang trại ở Đà Lạt của một lão nông Nhật Bản hơn 70 tuổi để chứng kiến một điều: Dù diễn biến của dịch Covid-19 đang chặn đứng đường xuất khẩu của nông sản Việt, thì lão nông Nhật ấy và nhân công của mình vẫn cứ chăm chỉ đóng gói sản phẩm mình làm ra để xuất đi mà chẳng phải lo lắng gì.
Nông sản tử tế tự nó có sức đề kháng thị trường rất mạnh trước nguy cơ chịu tác động xấu của kinh tế thời điểm dịch bệnh lây lan.
Vui vì đã có không ít người Việt rủ nhau mua giải cứu nông sản. Vui vì có một “vua bánh mì” đã tìm cách đưa thanh long đỏ trở thành nguyên liệu cho một món bánh mì mới. Những sự tử tế ấy giàu ý nghĩa lắm trong thời điểm nông sản Việt đối mặt khó khăn.
Nhưng sẽ vui gấp bội lần nếu người Việt quyết tâm làm nông sản tử tế. Chính nông sản tử tế mới là liều vắc xin quý giá giúp tăng sức đề kháng để nông sản Việt khỏi phải cần giải cứu trong tương lai.

NGUỒN:  Theo Báo Thanh niên online

Link bài: Tử tế với nông sản…

(https://thanhnien.vn/toi-viet/chao-buoi-sang/tu-te-voi-nong-san-va-nong-san-tu-te-1183378.html)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *