……………..
Mấy bữa nay có nhiều tranh cãi về việc cấm xe máy tại Hà nội. Cũng như mọi khi, người bảo nên, người bảo không, cấm xe máy thì người dân đi lại bằng phương tiện gì?
Người đứng đầu ngành giao thông Hà nội, ông Vũ Văn Viện cho rằng, Hà nội hiện có 5,7 triệu phương tiện, xe máy chiến 5,2 triệu (trên 90%) dự kiến đến năm 2025, sẽ có 8,6 triệu phương tiện, lúc đó thành phố Hà Nội không phải ùn tắc mà tê liệt.
Tại buổi thảo luận kỳ họp HĐND thành phố Hà Nội ngày 3.7, đại biểu Nguyễn Phi Thường phân tích, ở thời điểm hiện tại, sự phát triển và sức chịu đựng của hạ tầng giao thông thành phố Hà Nội đã không thể theo kịp tốc độ phát triển của xe cá nhân. Hiện thành phố có trên 5,2 triệu xe máy, nửa triệu ô tô. Nếu 60% số xe trên lưu thông thì diện tích chiếm dụng vượt quá 1,34 lần năng lực hệ thống đường phố (khu vực trung tâm là 3,72 lần). Ùn tắc giao thông tại Hà Nội đang mỗi ngày thêm trầm trọng và hiện đang “ đốt” 12.800 tỷ đồng, tương đương gần 600 triệu USD của xã hội mỗi năm.
Đó là Hà Nội, còn TPHCM nữa, tình trạnh ùn tắc đã đốt số tiền không thua gì Hà Nội, thậm chí có phần trội hơn. Theo số liệu thống kê của Khoa Kỹ thuật giao thông, Đại học Bách khoa TPHCM, tổng mức thiệt hại do ùn tắc gaio thông tại TPHCM mỗi năm trên 13.000 tỉ đồng, chưa kể lãng phí do tốn mặt bằng gửi xe máy ước tính 1.000 tỉ đồng/năm.
Ai bị thiệt hại, đó là người dân, doanh nghiệp. Tui xin lấy ví dụ, một chuyến xe vận tải hàng hoá bị ùn tắc giao thông, số nhiên liệu tiêu thụ cao hơn, thời gian khai thác xe và sử dụng lao động ít hơn. Còn nữa, các cuộc làm việc, họp hành, ký kết làm ăn bị đình trệ, thiệt hại này khó đong đếm. Cho nên tính ra, ùn tắc giao thông không chỉ đốt chừng đó tiền, mà gián tiếp đốt thêm nhiều tiền lắm thưa quý vị.
Nhận định nếu không hạn chế xe máy thì Hà Nội sẽ tê liệt đúng cho luôn cả TPHCM, lúc đó có nghĩa là các hoạt động của người dân sẽ bị tê liệt. Không thể tưởng tượng được người dân hai thành phố này sẽ xoay xở như thế nào, chắc chắn đời sống, sinh hoạt sẽ bị đảo lộn. Để đến nước đó thì hết thuốc chữa, cho nên các nhà quản lý phải tìm cách chữa từ bây giờ.
Tui hoàn toàn ủng hộ phương án hạn chế xe máy, tất nhiên chính quyền phải tăng cường phương tiện công cộng như xe buýt, minibus, metro, đường sắt trên cao, tổ chức lại giao thông, đầu tư xây dựng hầm chui cầu vượt ở các nút thắt giao thông.
Mỗi năm thành phố Hà Nội và TPHCm mất đứt khoảng 1,3 tỉ USD vì ùn tắc giao thông, vậy thì tại sao không mạnh dạn đầu từ nhiều công trình hạ tầng giao thông và phương tiện công cộng để giảm bớt thiệt hại. Đầu tư như vậy là sinh lợi, còn để ùn tắc giao thông là đốt tiền.
Nhưng tui xin hiến kế thêm 3 kế sau:
- Di dời nhà máy, cơ sở sản xuất ra các huyện ngoại thành.
- Di dời tất cả các trường đại học trong nội thành, tập trung vào một thành phố đại học ở tách biệt xa trung tâm.
- Xây các bệnh viện lớn, hiện đại ở các cửa ngõ đi vào thành phố. Các bệnh viện đó là chi nhánh của các bệnh viện nổi tiếng như Bạch Mai. Chợ Rẫy, Việt Đức, Quân y 108, Lão khoa Trung ương…đưa cán bộ y tế giỏi ra phục vụ ở các chi nhánh. Bệnh nhân ở các tỉnh đi lên tuyến trên, vào các bệnh viện ở ngoại thành để giảm áp lực nội đô. Nhưng với điều kiện phải là bệnh viện và thầy thuốc mà họ tin cậy. Nếu không thì có xây bệnh viện to họ cũng không vào.
Tui thấy tổ chức đô thị của chúng ta còn tồn tại nhiều bất hợp lý, chỉ xin mạo muội góp đôi lời. Nói thiệt, tui cũng sợ hai thành phố lớn của nước mình mà bị tê liệt thì tui cũng hết đường mần ăn luôn.