Tui xin sửa chữ “sẽ” của Mzung thành chữ “đã”

Trần Quí Thanh

Nguồn hình: Báo VOV.vn

—–

Nhà hoat động môi trường Mzung nói một câu làm tôi suy nghĩ mãi: “Người trẻ ạ, sẽ đến lúc thế giới không cần người thành công nữa, mà cần những người tử tế đi sửa những điều sai”.

Tui quá ấn tượng với thông điệp của Mzung, nhưng điều mà tui suy nghĩ chính là chữ “sẽ” trong câu nói trên, Tôi nghĩ là “đã”, không phải là sẽ.

Thế giới trả giá quá nhiều cho những gì mà con người tác động vào thiên nhiên. Những khái niệm về nước biển dâng, biến đổi khí hậu không còn trên sách vở, truyền thông, mà tác động trực tiếp đến từng quốc gia, từng địa phương. Riêng Việt Nam, lũ quét, ngập ở Đà Lạt, lụt ở Phú Quốc là những minh chứng về sự trả giá của con người về hành vi ứng xử thô bạo với tự nhiên.

Truyền thông thế giới cũng kêu gào về ô nhiễm môi trường, phá rừng, thảm hoạ rác thải nhựa. Tất cả những vấn nạn này Việt Nam đều có và xếp hạng cao. Việt Nam là một trong năm nước xả thải rác nhựa ra đại dương nhất thế giới. Đi khắp nước mình, nhìn đâu cũng thấy rằng nước mình rất đẹp, nhưng rác thải là thứ làm cho xấu đi. Rác mà không giải quyết được thì đừng nói chuyện thành rồng thành hổ.

Nói loanh quanh vậy để quay lại câu nói của Mzung, tui xin mạn phép thay một chữ, đó là chữ “đã”. Các bạn trẻ thông minh, có cái nhìn “toàn cầu”, hãy mạnh dạn học và hành động. Hành động ở đây chính là sửa những điều đã sai. Nhiều cái sai lắm, nhưng chủ đề mà Mzung nêu ra và tui đang bàn với bạn bè đây là môi trường.

Đi băng bó lại những vết thương mà con người gây ra cho tự nhiên là sửa sai và điều đó không dễ. Những mảnh rừng tan hoang, những thành phố xanh bị bê tông hoá, sửa bằng cách nào đây?

Và sửa sai chính suy nghĩ trong mỗi con người. Đó là chạy theo các giá trị vật chất và bằng mọi giá để chiếm đoạt vật chất bất chấp tàn phá môi trường. Sửa cái này rất khó, khó hơn cả trồng lại rừng.

Chính phủ Bhutan đã giữ gìn môi trường tự nhiên thành công, là lá phổi xanh của thế giới, là vì họ đưa ra thang giá trị cuộc sống là hạnh phúc, không phải là vật chất. Cho nên họ không phá rừng làm khu công nghiệp, không bị hiệu ứng nhà kính, không sử dụng hoá chất cho khai thác nông nghiệp.

Khi thế giới nhận ra một Bhutan trong veo thì bắt đầu nhìn lại mình, tất nhiên là một số quốc gia khó có cơ hội để sửa sai. Việt Nam có thể là một trong những quốc gia đó, đã khó thì càng phải nỗ lực, càng phải quyết tâm hơn.

Ngừng ngay phá rừng và thay vào đó là trồng rừng.

Ngừng ngay xả rác thải nhựa và thực hiện các biện pháp xử lý rác thải hiệu quả.

Ngừng phê chuẩn các dự án không thân thiện với môi trường.

Làm được ba việc trên thôi cũng đã sửa sai nghiêm túc rồi.

 

Sài Gòn ngày 26/08/2019

TQT

Bài đọc thêm, Link: Biến đổi khí hậu đã cận kề

(https://www.thesaigontimes.vn/293056/Bien-doi-khi-hau-da-can-ke.html)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *