Ứng xử với công sản quốc lộ

Võ Trí Hảo/TBKTSG


Không chỉ đối với hợp đồng BOT Cai Lậy, mà với tất cả dạng PPP khác, cần phải được trả về đúng bản chất pháp lý của nó là một dạng của hợp đồng hành chính chứ không phải hợp đồng kinh doanh thương mại. Ảnh: Hồ Hùng.

…………….

Tuần rôi báo chí rộ lên câu chuyện cái BOT Cai Lậy, bởi vì nó không chỉ đơn thuần một cái BOT,  nó là vấn đề ứng xử với công sản quốc lộ, một vấn đề có sẵn từ ngày lập quốc nhưng ít ai đưa nó ra một cách nghiêm túc và bài bản. Tui thấy đây là bài viết nghiêm túc và song phẳng về vấn đề này, mở đường cho nhiều nhà nghiên cứu và quản lý giao thông xem xét một cách trung thực và có hệ thống, trên cơ sở đặt lợi ích quốc gia lên trên hết, chứ không phải chuyện tiền lẻ hợp pháp hay không hợp pháp.

Trần Quí Thanh
……………………

Việc từ chối và thiếu vắng các thiết chế chính trị pháp lý cần thiết để kiểm soát mặt trái của kinh tế thị trường làm cho kinh tế thị trường đôi lúc trở nên “hoang dại”. Mặt trái của PPP là một trong những ví dụ.

Hợp tác công tư (PPP) nói chung và hình thức đầu tư BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao) nói riêng là mô hình mới, khơi thông nguồn lực xã hội vào việc cung cấp dịch vụ công trong bối cảnh ngân sách nhà nước ngày càng hạn hẹp. Nhưng việc chuyển dịch từ thái cực kinh tế kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường trong bối cảnh từ chối và thiếu vắng các thiết chế chính trị pháp lý cần thiết(1) để kiểm soát mặt trái của kinh tế thị trường làm cho kinh tế thị trường đôi lúc trở nên “hoang dại”. Mặt trái của PPP là một trong những ví dụ, đã trở thành tâm điểm thảo luận suốt hai năm nay, liên quan đến các trạm thu phí BOT từ Lương Sơn (Hòa Bình), Pháp Vân – Cầu Giẽ (Hà Nội), Bến Thủy (Nghệ An) đến gần đây nhất là Cai Lậy (Tiền Giang). Phải chăng chúng ta đang ứng xử nhầm, coi quốc lộ là tư sản (của các nhà đầu tư)?

Dù Nhà nước trực tiếp đầu tư, xây dựng hay lựa chọn mô hình BOT, thì trách nhiệm cung cấp dịch vụ công và kiểm soát chất lượng cung cấp dịch vụ công (trong trường hợp này là giao thông) vẫn luôn thuộc về Nhà nước. Bởi vậy, Nhà nước không chỉ không được phép buộc nhân dân đóng “phí chồng phí” (phí giao thông đường bộ đóng theo đầu xe hàng năm và phí BOT); Nhà nước không được phép cấp phép cho nhà đầu tư đặt trạm BOT trên đường quốc lộ (trong trường hợp BOT Cai Lậy – trạm thu phí đã đặt trên đường 1A) để buộc mọi người đóng phí một cách không phân biệt họ có sử dụng tuyến vòng tránh hay đi quốc lộ 1A (vốn đã thu phí giao thông đường bộ hàng năm); mà còn chịu trách nhiệm về chất lượng giao thông.

Cụ thể, Nhà nước một khi đã thu thuế, phí từ nhân dân thì phải chịu trách nhiệm về ùn tắc giao thông, không phân biệt nó xảy ra trên quốc lộ hay trên các tuyến BOT. Bởi vậy, Nhà nước cần được trao quyền và cần hành động yêu cầu các trạm thu phí “xả trạm” để tránh ùn tắc giao thông. “Xả trạm” sẽ làm sụt giảm lợi nhuận của nhà đầu tư; và Nhà nước cần có cơ chế bù đắp cho nhà đầu tư trong các hợp đồng BOT tương ứng, và phí giao thông đường bộ của nhân dân đóng góp cần được sử dụng cho mục đích này.

BOT là một mô hình mới, các nhà lập pháp mới chỉ tập trung khai thác khía cạnh “thương mại” của nó. Bởi vậy, Luật Đầu tư 2014 coi BOT là một hoạt động thương mại. Theo đó, nhà đầu tư được hưởng đặc quyền “giữ bí mật thương mại” của hợp đồng BOT và các vấn đề liên quan và hưởng cơ chế giải quyết tranh chấp theo con đường tranh chấp kinh doanh thương mại chứ không phải theo con đường tố tụng hành chính theo thông lệ quốc tế. Chính điều này đã gây nên trục trặc cho các dự án BOT từ Bắc chí Nam, vì người dân bị gạt ra ngoài lề, toàn bộ quá trình đàm phán, thương thảo, nội dung cơ bản của hợp đồng BOT họ không có thông tin, không có quyền phản đối ngay từ khi đàm phán mà chỉ… té ngửa khi phải đóng phí.

Và sau khi “té ngửa” thì họ không có quyền khởi kiện vụ án hành chính (với án phí rất thấp), mà phải khởi kiện theo con đường tố tụng dân sự với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Tố tụng dân sự đòi hỏi người dân muốn khởi kiện phải đóng tạm ứng án phí tính theo tỷ lệ phần trăm giá trị tranh chấp. Điều này là vượt quá khả năng của người dân.

Khi các con đường pháp lý bị chốt chặn, thì họ đành phải lựa chọn sử dụng các quyền hiến định khác… và đôi khi bất đắc dĩ phải tinh quái cho tiền lẻ vào chai, sử dụng tiền lẻ (như vừa diễn ra ở trạm thu phí BOT Cai Lậy).

Bởi vậy, không chỉ đối với hợp đồng BOT Cai Lậy, mà với tất cả dạng PPP khác, cần phải được trả về đúng bản chất pháp lý của nó là một dạng của hợp đồng hành chính chứ không phải hợp đồng kinh doanh thương mại. Có như vậy thì mới mong giải quyết tận gốc mặt trái của PPP nói chung hay BOT nói riêng và khơi thông dòng vốn xã hội hóa một cách lành mạnh; tránh bị bàn tay lợi ích nhóm, tư bản thân hữu thao túng.

Theo báo Thời báo kinh tế Sài Gòn

Link bài: Ứng xử với công sản quốc lộ

 

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *