Ưu tiên kiểm soát lạm phát hơn là tăng trưởng GDP

Mạnh Bôn / Báo đầu tư


Mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% năm 2023 là khiêm tốn, nhưng phù hợp thực tế, vì trong giai đoạn này phải ưu tiên giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát hơn là tăng trưởng kinh tế.

Với mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% năm 2023, TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng, đây là con số khiêm tốn, nhưng phù hợp với thực tế, vì trong giai đoạn này phải ưu tiên giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát hơn là tăng trưởng kinh tế.

TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR)

Ông có nghĩ rằng, mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% năm 2023 như Chính phủ đặt ra có khá khiêm tốn, vì kinh tế Việt Nam đang trên đà bứt phá ngoạn mục?

Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm nay chắc chắn vượt xa mục tiêu đã đặt ra 6,5%. Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo, khả năng năm nay, GDP tăng khoảng 8%, trong khi nhiều định chế tài chính quốc tế cho rằng, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm nay còn cao hơn. Đây là điều rất đáng mừng, nhưng cũng tạo gánh nặng cho năm tới, bởi tốc độ tăng trưởng GDP năm sau đứng ở mức nền cao.

Theo tôi, đặt ra tốc độ tăng trưởng GDP 6,5% cho năm tới là phù hợp với tình hình thực tế do xung đột ở Ukraine ngày càng leo thang, tiềm ẩn nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa và giá dầu thô khó có thể giữ được như hiện nay. Các đối tác kinh tế, thương mại, đầu tư hàng đầu của Việt Nam chịu tác động tiêu cực từ cuộc chiến này đang phải đối phó với suy giảm kinh tế, đặc biệt là phải “căng mình” chống đỡ với lạm phát, nên nhu cầu chi tiêu của người dân, đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp suy giảm, khiến việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài và duy trì tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu của Việt Nam không còn thuận lợi.

Trong bối cảnh như vậy, Việt Nam nên tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt là kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, hơn là tăng trưởng GDP, mặc dù đang có đà bứt phá.

Nhưng năm tới có nhiều thuận lợi, bên cạnh hoạt động sản xuất – kinh doanh đang rất tốt, thì dư địa thực hiện Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế – xã hội theo Nghị quyết 43/2022/QH15 và Nghị quyết 11/NQ-CP còn rất nhiều, thưa ông?

Triển khai Kế hoạch Phát triển kinh tế năm 2023 có thuận lợi là kinh tế tăng trưởng cao, các cán cân vĩ mô tiếp tục được kiểm soát hiệu quả, nhất là gói tài khóa, tiền tệ để thực hiện Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế – xã hội còn khá nhiều. Nhưng Việt Nam cũng phải đối mặt với rất nhiều rủi ro, nhất là các chính sách luôn có độ trễ. Điều dễ nhận thấy nhất là trong khi hầu hết các nước đang “quay cuồng” chống lạm phát, thì năm nay, Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) của Việt Nam chắc chắn đạt mục tiêu đặt ra là dưới 4%, mặc dù nước ta phải nhập khẩu lạm phát do phải nhập khẩu phần lớn nguyên liệu, nhiên liệu, phụ liệu, máy móc, thiết bị cho hoạt động sản xuất.

Do có độ trễ, nên lạm phát chưa xảy ra, nhưng sau một thời gian, khi toàn bộ chi phí nhập khẩu được đưa vào giá thành sản xuất và sau đó là giá bán hàng hóa, thì lạm phát sẽ trở nên căng thẳng.

Chính sách tài khóa và tiền tệ để thực hiện Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế – xã hội cũng tương tự. Do có độ trễ, nên các chính sách này chưa tạo ra áp lực lạm phát, nhưng sau một thời gian, nếu không linh hoạt điều hành, thì việc chống lạm phát sẽ căng thẳng.

Mặc dù đã nhìn trước được nhiều yếu tố gây áp lực lên lạm phát, nhưng năm 2023, Chính phủ vẫn kiến nghị Quốc hội thông qua mức lạm phát mục tiêu khoảng 4,5%, tức là không cao hơn nhiều so với mức 4% đã được đặt ra trong nhiều năm nay. Ông nghĩ thế nào về con số lạm phát 4,5% cho năm tới?

Kể từ năm 2015 trở lại đây, chưa năm nào, CPI bình quân năm vượt quá 4%, năm cao nhất cũng chỉ tăng 3,54% (năm 2018). Nhưng lường trước áp lực lạm phát năm tới rất lớn, nên Chính phủ đã chủ động nâng mức lạm phát mục tiêu cho năm 2023 là 4,5%.

Trong phiên khai mạc Kỳ họp Quốc hội thứ tư, trong Báo cáo Kết quả thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế – xã hội năm 2022, dự kiến kế hoạch năm 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của năm tới là tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; thực hiện tốt công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế; cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh…

Như vậy, trong hàng loạt mục tiêu quan trọng, năm tới, việc giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát được Chính phủ ưu tiên hàng đầu, sau đó mới đến tăng trưởng kinh tế. Thực tế cho thấy, mặc dù còn 2 tháng nữa mới khởi động kế hoạch của năm tới, nhưng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành tập trung kiểm soát.

Đó là những động thái nào, thưa ông?

Trên thế giới, ngân hàng trung ương được ví như tư lệnh trên mặt trận chống lạm phát. Khi lạm phát bất ngờ ập đến, hầu hết ngân hàng trung ương trên thế giới đều vào cuộc bằng hàng loạt biện pháp mạnh mẽ nhất trong nhiều năm trở lại đây, đặc biệt là việc sử dụng công cụ lãi suất.

Cụ thể, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã 5 lần điều chỉnh tăng lãi suất lên mức 3 – 3,25%/năm và dự báo tiếp tục tăng trong những tháng cuối năm 2022 và năm 2023. Ngày 27/10, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) quyết định tăng lãi suất chủ chốt thêm 0,75%, lên 2%. Đây là lần tăng lãi suất thứ ba liên tiếp và là lần tăng lớn thứ hai trong lịch sử của ECB. Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cũng như ngân hàng trung ương khắp thế giới và trong khu vực cũng có những động thái tương tự để ứng phó với lạm phát.

Việt Nam mặc dù vẫn đang “miễn dịch” với căn bệnh lạm phát, nhưng chỉ trong vòng một tháng, Ngân hàng Nhà nước đã nâng lãi suất điều hành tới 2 lần (ngày 23/9 và 25/10). Đồng thời với việc áp mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi không kỳ hạn, kỳ hạn dưới một tháng, kỳ hạn 1-6 tháng, Ngân hàng Nhà nước còn mạnh dạn điều chỉnh biên độ tỷ giá từ 3% lên 5% (ngày 17/10). Những động thái này cho thấy, Việt Nam đã và đang chủ động ứng phó với lạm phát, đi trước lạm phát một bước.

Room tín dụng đã gần cạn, lãi suất tăng liên tục, biên độ tỷ giá được nới thêm. Ông có cho rằng, những động thái này sẽ gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp?

Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất nhằm hút tiền gửi của người dân, tăng khả năng thanh khoản cho hệ thống ngân hàng, giảm nhu cầu tiêu dùng; tăng tỷ giá để bảo vệ VND trước sự mất giá quá nhanh, quá mạnh của hàng loạt đồng tiền khác trên thế giới so với “đồng bạc xanh”. Tất cả những động thái này đều nhằm thực hiện mục tiêu kiên định là kiểm soát lạm phát, giữ vững niềm tin của người dân và doanh nghiệp vào VND, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Với việc tăng lãi suất, tất nhiên, doanh nghiệp phải tăng chi phí sản xuất, nhưng trong bối cảnh kinh tế thế giới đầy bất ổn như hiện nay, việc tăng lãi suất là lựa chọn khôn ngoan nhất.

Có thể thấy, trong đợt thiếu hụt xăng dầu bán lẻ vừa qua, đối với người tiêu dùng, giá xăng dầu không phải là vấn đề quan trọng nhất, mà quan trọng nhất là có xăng dầu để mua. Tương tự, trong bối cảnh hiện nay, lãi suất không phải là vấn đề quan tâm nhất của doanh nghiệp, mà cái đáng quan tâm nhất là vay được vốn. Việc tăng lãi suất giúp ngân hàng tăng thu hút tiền gửi để có đủ tiền đáp ứng nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân.     

Nguồn: https://baodautu.vn/uu-tien-kiem-soat-lam-phat-hon-la-tang-truong-gdp-d177025.html

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *