Về chùa Tây Phương tĩnh tâm và tìm hiểu kiến trúc điêu khắc đỉnh cao

Bình Nguyên/ Báo VOV
 

Đến chùa Tây Phương (Thạch Thất, Hà Nội) để lắng lại tâm hồn và còn được tìm hiểu về lịch sử, nghệ thuật điêu khắc tại đây.

Phía dưới chân chùa Tây Phương, cây đa trăm tuổi tỏa tán rộng, phủ bóng râm mát. Du khách dễ dàng bắt gặp hình ảnh quen thuộc của người bà, người mẹ Bắc bộ đội nón lá, mặc áo bà ba, miệng bỏm bẻm nhai trầu.
Từ chân núi, qua 239 bậc đá ong là đến đến đỉnh núi và cổng chùa. Người xưa lựa chọn đá ong có chiều dài 1m, chiều rộng 50 cm làm lối lên chùa và phần chân đế của 3 ngôi tam bảo bởi tính ưu việt của loại đá này bền chắc và là nguyên liệu sẵn có của xứ Đoài.
Ngôi chùa nằm trên đỉnh núi Câu Lậu (thuộc thôn Yên, xã Thạch Xá, Thạch Thất, Hà Nội) huyền bí và tĩnh lặng nơi hội tụ tinh hoa sinh khí của đất trời. Chùa Tây Phương tên chữ là Sùng Phúc Tự. Tự tức là chùa, Sùng Phúc là nơi Đức Phật luôn cầu điều thiện.
Trong suốt chiều dài lịch sử, trải qua bao cuộc bể dâu, triều chính, kiến trúc đình chùa Việt Nam bị ảnh hưởng rất nhiều. Để có kiến trúc như ngày nay, chùa Tây Phương cũng trải qua những bước thăng trầm cùng thời cuộc.
Chùa Tây Phương được ví như bảo tàng tượng phật của Việt Nam với kiệt tác 62 pho tượng Phật cổ được công nhận là bảo vật Quốc gia.
Bộ tượng tam thế từ thời Hậu Lê được thờ tại chùa Thượng. Theo quan niệm nhà Phật, bộ tượng Tam thế tượng trưng cho ba thời quá khứ, hiện tại và tương lai, là không gian vô lượng của thế giới chư Phật từ Đông sang Tây, từ phải sang trái từ trên xuống dưới.
Bát bộ kim cương, bộ tượng được tạc từ thời Tây Sơn thần khí mỗi ông mỗi khác, trang phục như võ tướng, thân mặc áo giáp, tay cầm khí giới như sẵn sàng xung chiến. Mỗi tượng bát bộ kim cương là một điển hình của tính chất khuyến thiện và trừ ác.
Không biết từ bao giờ chùa Tây Phương đã được người đời nhớ đến với bộ tượng nổi tiếng Thập Bát La Hán. Được tạc cách đây gần 300 năm, bộ tượng là đỉnh cao của nghệ thuật điêu khắc tạo hình giàu cảm xúc. Thần thái của 18 vị La hán được lột tả qua ánh mắt, nét mặt, lông mày.
Tượng không ở thế tĩnh mà được tạc ở các thế đứng, ngồi khác nhau. Tất cả đều toát lên sự đồng cảm, gần gũi giữa đức Phật với cuộc sống đời thường.
Các vị La Hán vẫn đứng vẫn ngồi vẫn đau khổ bi ai cùng trần thế. Những trạng thái bi ai, khổ hạnh được tái hiện rất sống động, chân thực.
Mỗi người một bố cục trong tượng khắc gỗ, có người đang ngoáy tai, đọc sách, có người dựa mai để tu hành và có vị tỏ vẻ ngạc nhiên khi phát hiện trên thế giới vẫn còn tham sân si.
Mặc cho vết xe lịch sử đi qua, rêu phong có phủ đầy trên nếp ngói, bom đạn chiến tranh có thể vùi lấp kiếp người nhỏ bé nhưng nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc và tinh thần ý nghĩa tốt đẹp của Nho giáo và Phật giáo vẫn sống mãi với thời gian.
Những ô cửa sổ tròn mang nghĩa sắc sắc không không – một triết lý của đạo Phật. Trên những mái ngói cổ kính, ngoài những yếu tố về mặt thẩm mỹ thì tinh thần Nho và Phật hiện lên đầy ẩn ý chứa đựng giá trị tâm linh đặc sắc trong kiến trúc.
Không gian xanh mướt trong khuôn viên của chùa Tây Phương, nơi du khách có thể tĩnh tại tâm hồn, bỏ lại những bộn bề của cuộc sống. Một buổi sáng cuối tuần thực sự trọn vẹn để bắt đầu những niềm hứng khởi mới.
Đoàn Phật tử hành lễ tại nhà tổ chùa Tây Phương.
Từ Hà Nội, dọc theo đại lộ Thăng Long, đến lối rẽ vào huyện Thạch Thất, bạn đi thêm 5 km nữa sẽ đến chùa. Đường cao tốc rất dễ đi nên bạn chỉ mất khoảng 30 phút bằng ô tô, 45 phút bằng xe máy.
 
NGUỒN: Theo Báo VOV.vn
Link bài: Về  chùa Tây Phương tĩnh tâm…
(https://vov.vn/du-lich/ve-chua-tay-phuong-tinh-tam-va-tim-hieu-kien-truc-dieu-khac-dinh-cao-862698.vov?photo=5)
Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *