Khu vực dân doanh đóng góp rất lớn cho nền kinh tế đất nước, điều này đã được khẳng định trong nhiều năm qua, không còn gì phải nghi ngờ nữa. Sự lớn mạnh và làm ăn của khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam chứng minh một điều, Nghị quyết 10-NQ/TW (ngày 3/6/2017) về phát triển kinh tế tư nhân đã đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả.
Những tập đoàn, doanh nghiệp lớn đã đóng góp có ý nghĩa thực sự cho nền kinh tế, giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động, đặc biệt là chứng minh cho thế giới thấy rõ về một nền kinh tế thị trường toàn diện của Việt Nam.
Mọi người dân đều được tạo điều kiện để sản xuất, kinh doanh, sáng tạo, khởi nghiệp. Sức mạnh của nền kinh tế thể hiện vai trò của người dân tham gia vào nền kinh tế đó. Khi và chỉ khi toàn dân cùng đồng lòng, cùng gánh vác, trí tuệ của người dân được khai thác thì đất nước mới cường thịnh.
Trong bài phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng tại phiên khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, có một nội dung quan trọng: “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”.
“Nhân dân là chủ thể của công cuộc đổi mới”, chúng ta có niềm tin để cùn tham gia vào công cuộc đổi mới tiếp theo, để đất nước Việt Nam giàu mạnh hơn, người dân được no ấm và hạnh phúc hơn.
Trần Quí Thanh
—-
“Nền kinh tế của một quốc gia chỉ có thể lớn mạnh nếu Nhà nước tạo điều kiện và tôn trọng quyền tự do kinh doanh, liên tục củng cố và bảo vệ an toàn kinh doanh của người dân, doanh nghiệp để các chủ thể này lớn mạnh, vững vàng, trở thành rường cột”. Nhận định của TS Nguyễn Đình Cung, thành viên thường trực Tổ biên tập Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2021-2030.
Có lẽ, phải nhắc lại một con số ấn tượng. Đó là trong tuần làm việc đầu tiên của năm 2021, cả nước đã có tới 18.000 hồ sơ đăng ký doanh nghiệp (DN) được xử lý; 2.100 DN thành lập. Con số này tăng 46% so với năm ngoái và tăng 55% so với cùng thời điểm bắt đầu thi hành Luật Doanh nghiệp năm 2015.
Những thành công trong phòng chống dịch và phát triển kinh tế năm 2020 là một điểm tựa, nhưng còn có một điều có thể khẳng định từ những con số đó: Đó là niềm tin của người dân.
Thành lập DN, cũng có nghĩa là người dân yên tâm bỏ tiền của đầu tư sản xuất kinh doanh, thay vì găm giữ tiền mặt hay “ống bơ vàng đút gầm giường”.
Tháng 4.2016, chỉ ngay sau khi nhậm chức, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có hai quyết định quan trọng. Đầu tiên, là cuộc gặp gỡ, đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp. Và thứ hai là chỉ đạo xem xét dừng hình sự hóa vụ chủ quán cà phê Xin Chào bị khởi tố.
Trong phiên họp Quốc hội 2 năm sau đó (ngày 1.11.2018), Thủ tướng yêu cầu “Cần rút kinh nghiệm sâu sắc và không để tái diễn vụ việc Con Cưng hay gần đây là vụ phạt tiền 90 triệu đồng đối với hành vi đổi 100 USD không đúng quy định…”.
Sự nhất quán với vai trò “kiến tạo” với các nghị quyết mạnh mẽ về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nhấn mạnh tới việc không hình sự hoá các quan hệ dân sự, kinh tế… trong suốt cả nhiệm kỳ vừa qua chính là những yếu tố tạo ra sự an tâm, những yếu tố làm nên niềm tin của người dân, doanh nghiệp.
TS Nguyễn Đình Cung, trên báo Pháp luật TPHCM khẳng định: “Văn kiện của Đại hội XIII xác định lấy cải cách, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy phát triển đất nước… Và cùng đó là phải bảo đảm quyền tự do kinh doanh và kiến tạo một môi trường kinh doanh an toàn.
TS Cung nói chúng ta có thể tin, rằng: Nếu thực hiện tốt những gì Đại hội XIII đề ra, nhất là trong chiến lược 2021-2030 thì DN, người dân sẽ càng đầu tư nhiều hơn, lớn hơn, dài hạn hơn.Niềm tin nhân dân mà chúng ta đang có cần được gìn giữ. Bởi suy cho cùng, nó không chỉ là một “chìa khoá” mà còn là một “tài sản” làm nên sức mạnh nền kinh tế quốc gia.