Quỳnh Thư/ Báo TBKTSG
—–
Nhớ chuyện hơn bốn năm trước, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan trở nên “nổi tiếng” vì phát biểu của bà. Khi ấy, bà dẫn lời chuyên gia Ngân hàng Thế giới nói đùa rằng Việt Nam là một “quốc gia… không chịu phát triển”. Đây là lời nói đùa mà có lẽ không người Việt tự trọng nào cười nổi.
Hơn bốn năm trôi qua, chẳng biết phát biểu này giờ có còn đúng không, nhưng chí ít cũng khẳng định một trong những nguyên nhân khiến nước ta chưa phát triển được như mong muốn là vì chỉ dám bước… những bước thập thò, thậm chí… bước lùi.
Có ít nhất ba câu chuyện liên quan đến nghị trường trong tuần qua có thể minh họa cho nhận định này.
Trước hết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phải nhắc lại một điều tưởng chừng đương nhiên: “Đừng sợ dân giàu, các đồng chí ạ!”. Việt Nam đã trải qua hơn 30 năm cải cách kinh tế, mở cửa ra thế giới, thậm chí một vài điểm còn được nêu gương như điển hình. Thế nhưng, vì sao ở Quốc hội, Thủ tướng phải nhắc lại điều này?
Nhìn ra thế giới, người láng giềng khổng lồ phía Bắc đã vượt nước Đức để trở thành quốc gia có số lượng tỉ phú đô la nhiều thứ hai trên toàn cầu(1). Tháng 3 năm nay, báo chí còn đăng bài bảo không biết Việt Nam có năm hay sáu tỉ phú theo tờ Forbes, thì đến tháng 5 Trung Quốc đã có tổng cộng 285 người được điền tên vào danh sách tỉ phú của tờ Business Insider.
Theo danh sách này, Jack Ma, người giàu nhất Trung Quốc, có tổng tài sản 41,8 tỉ đô la Mỹ – dù còn khoảng cách đáng kể so với người Mỹ giàu nhất (Jeff Bezos, 118 tỉ đô la) – nhưng đã gần gấp rưỡi người Đức giàu nhất (Dieter Schwarz, 23,6 tỉ đô la)(1).
Theo tài liệu The World Factbook(2) của Cục Tình báo Trung ương Mỹ, năm 2017, thu nhập đầu người tính bằng sức mua tương đương (PPP) của Việt Nam là 6.900 đô la Mỹ, đứng thứ 159 trong số 229 quốc gia và vùng lãnh thổ được xếp hạng. Thu nhập này kém xa so với Singapore (93.900 đô la), chỉ nhỉnh hơn một phần ba so với Thái Lan (17.800 đô la), thấp hơn cả Lào (7.400 đô la).
Chính phủ đã ban hành nghị định tăng lương tối thiểu trong năm tới, theo đó lương tối thiểu của Vùng IV (vùng thấp nhất) tăng từ 2,92 triệu lên 3,07 triệu đồng, nghĩa là chỉ tăng 150.000 đồng/tháng – những con số vẫn còn nằm ở vùng trũng của thế giới. Vậy nên, không thể hiểu nổi tại sao có ai đó lại “sợ dân giàu” đến thế!
Chỉ có một cách giải thích là dù đã chấp nhận kinh tế thị trường, nhiều người có trách nhiệm trong bộ máy vẫn mang tư duy cũ; họ lo một khi dân giàu sẽ xa rời tư tưởng xã hội chủ nghĩa. Nhưng nếu “công thức” dân giàu – nước mạnh đã được chứng minh, ngay cả trong trường hợp Trung Quốc, thì vì sao chúng ta lại cứ mãi chần chừ?
Thứ hai là chuyện “đổi vai” giữa đại biểu Quốc hội và Chính phủ trong Dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản, quy phạm pháp luật. Trong phiên thảo luận tại hội trường, nhiều đại biểu không đồng tình với đề nghị chuyển nhiệm vụ giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật từ các ủy ban của Quốc hội sang Chính phủ.
Các đại biểu phản đối “đổi vai” lo rằng nếu thực hiện việc chuyển đổi này, Quốc hội sẽ mất quyền kiểm soát hoạt động xây dựng luật, một chức năng quan trọng. Nhưng phía ủng hộ “đổi vai” cũng không phải không có lý khi cho rằng cơ quan chủ trì soạn thảo luật (các bộ thuộc Chính phủ) đưa ra dự luật, rồi không hoàn thành đến nơi đến chốn, mà lại chuyển trách nhiệm sang Quốc hội là chưa hợp lý.
Kể từ khóa đầu tiên năm 1946, Quốc hội Việt Nam đã có một lịch sử kéo dài 73 năm. Thế nhưng, cho đến nay, hầu hết các đại biểu vẫn là “không chuyên”, vẫn đóng hai vai, mà vai đại diện cho dân trên thực tế vẫn là “thứ yếu”. Giá như Quốc hội có thể chuyển hẳn sang chế độ đại biểu chuyên trách, những tình huống “tréo ngoe” như trên chắc đã không xảy ra và chắc chắn Quốc hội có thể thực hiện chức năng của mình tốt hơn nhiều. Bảo rằng chúng ta vẫn “bước những bước thập thò” là như thế.
Cuối cùng là chuyện giáo dục. Đúng năm năm trước, tháng 11-2014, Quốc hội ban hành nghị quyết về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, quy định sẽ có “một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa” và “các cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng dựa trên ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh”.
Năm năm trôi qua, các điều khoản trên trong luật giáo dục mới lại trở thành: “… mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa…” và “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn sách giáo khoa…”. Giáo dục có thực sự là quốc sách hay không thì không biết, nhưng những thay đổi trong nghị quyết giáo dục phù hợp với sự phát triển chung của thế giới năm năm trước đã đi đâu mất rồi? Nếu cứ mãi bước những bước thập thò, thậm chí thụt lùi, làm sao chúng ta phát triển bằng người!
(1)https://www.businessinsider.com/countries-with-the-most-billionaires-2019-5
(2)https://www.cia.gov/library/publications/the-world-factbook/rankorder/2004rank.html
NGUỒN: Theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn
Link bài: Vì sao lại sợ dân giàu?
(https://www.thesaigontimes.vn/