Trần Quí Thanh
Thời gian vừa rồi, theo dõi tình hình sách giáo khoa, tui thấy rối mù. Tại sao một việc rất bình thường lại trở nên quá phức tạp như vậy?
Hóa ra, Điều 32 Luật Giáo dục quy định: “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn sách giáo khoa sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo”. Luật quy định vậy 1-7-2020 mới có hiệu lực thi hành nên Bộ GD-ĐT không thể dựa vào một điều luật chưa có hiệu lực để hướng dẫn ủy ban nhân dân các tỉnh chọn sách được.
Điểm mấu chốt chính là ở đây. Có luật nhưng luật chưa có hiệu lực, không biết triển khai ra sao cho nó phải phép. Nhưng cần phải nhìn nhận lại quy định này. Có hai điều bất hợp lý.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là ai, cá nhân hay hội đồng, gồm thành phần nào đứng ra chọn sách. Tại sao chủ thể không là giáo viên, hội đồng của từng trường học, những người trực tiếp giảng dạy. Chưa kể, chính vì có việc tập trung quyền lựa chọn sách cho cấp tỉnh, gồm một nhóm người quyết định, thì việc lobby bán sách rất dễ xảy ra, tính khách quan sẽ bị lợi ích nhóm chi phối. Còn để trường chọn, thì không nhà xuất bản hay nhóm làm sách nào đủ sức “chạy” hết các cửa nhà trường. Đó là điểm bất hợp lý thứ nhất.
Thứ hai, nếu Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định lựa chọn sách giáo khoa sử dụng ổn định, và chỉ chọn một bộ, vậy thì việc xuất bản nhiều bộ sách giáo khoa có ý nghĩa gì? Mục đích của việc xuất bản nhiều bộ sách giáo khoa là để cho giáo viên, học sinh, phụ huynh có nhiều sách để lựa chọn, tham khảo, phong phú nguồn tri thức, thì việc hạn chế một bộ sách là phủ định mục đích mà chúng ta đặt ra.
Tui học ở miền Nam trước năm 1975 từ nhỏ cho hết đại học, chưa bao giờ tui thấy có chuyện rắc rối trong sử dụng sách giáo khoa. Nhà nước quy định khung chương trình, còn không chỉ định tác giả hay nhóm tác giả. Ai muốn soạn sách cứ soạn, thị trường rất nhiều sách, nhiều tác giả, có những cuốn sách toán, vật lý, hóa học dịch từ sách nước ngoài. Tui nhớ năm tui trung học, có thầy dạy toán cầm cuốn sách toán bằng tiếng Pháp, dạy luôn cho học sinh. Thầy ra đề, học sinh giải, thầy sửa bài, rất chi là bình thường.
GS.TS Dương Minh Đức – Trường ĐH KHTN, Chủ tịch Hội Toán học TP.HCM nói về việc soạn sách rằng: “Ngày trước, đa số sách toán đại số và hình học cấp trung học ở miền Nam được biên dịch từ bộ sách viết bằng tiếng Pháp của hai ông Camille Lebossé và Corentin Hémery. Theo tôi biết, cả hai ông đều không có bài báo nghiên cứu toán học nào nhưng các ông viết cả bộ sách để cho người Pháp học. Người ta học không phải vì bắt buộc mà vì tác giả soạn hay”.
Học sinh tụi tui lúc đó mua nhiều sách của nhiều tác giả khác nhau, quá trình học sẽ chọn lọc được sách nào hay, sách nào dở, và thị trường sẽ làm công việc của nó, đó là đào thải những sản phẩm kém chất lượng.
Cho nên, theo thiển ý của tui, không nên áp đặt việc lựa chọn sách giáo khoa từ cấp tỉnh, mà hãy để cho các trường làm việc này. Và ngay cả khi chọn một bộ sách để dạy, thì cũng tạo điều kiện cho giáo viên, học sinh tham khảo thêm nhiều sách khác nhau. Quá trình đó sẽ giúp thầy và trò tìm ra những bộ sách có chất lượng cao hơn. Đây chính là sự phát triển đúng quy luật và tôn trọng tính khách quan khoa học.
Tiếp thu kiến thức hãy thuận theo sở thích, năng khiếu và quyền tự do cá nhân. Cho nên, việc chọn sách giáo khoa không cần phải “pháp lệnh”.
Sài Gòn ngày 18/12/2019
TQT