Việt Nam đã có kinh nghiệm trong đối phó với sự bất ổn

Mạnh Bôn / Báo đầu tư


“Cái được lớn nhất trong điều hành kinh tế năm 2022 chính là Việt Nam đã có kinh nghiệm trong đối phó với sự bất ổn. Đây là bài học quý giá cho năm 2023 và những năm tiếp theo”, ông Thắng nhấn mạnh.

TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp (Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế, xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

Thưa ông, chắc hẳn ông rất hài lòng về kết quả đạt được trong 11 tháng đầu năm nay?

Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, 11 tháng năm 2022, Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 8,6%, tức là gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2021 (tăng 4,2%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 8,9%, cũng tăng gần 65%.

Tổng số doanh nghiệp tham gia thị trường (gồm đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động) từ đầu năm đến nay đã lên đến 194.700 doanh nghiệp, tăng hơn 33% so với cùng kỳ năm trước, gấp 1,3 lần mức bình quân 11 tháng giai đoạn 2017-2021. Năm nay, thị trường “cầm chắc” có trên 200.000 doanh nghiệp tham gia. Đây là điều chưa từng có, cho thấy niềm tin của doanh nghiệp vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. 

Vốn đầu tư nước ngoài (bao gồm cả vốn đầu tư trực tiếp đăng ký mới, vốn điều chỉnh và vốn đầu tư gián tiếp) dù giảm 5%, nhưng vẫn đạt 25,14 tỷ USD. Đặt trong bối cảnh xu hướng đầu tư nước ngoài có xu hướng giảm trên toàn cầu do tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới bị chững lại, thì con số đầu tư nước ngoài mà Việt Nam thu hút được này vô cùng ấn tượng.

Bên cạnh đó, cầu trong nước tiếp tục đà tăng trưởng mạnh mẽ, khi tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 20,5% so với cùng kỳ năm trước. Ngay cả tháng 11 năm nay, cầu tiêu dùng tiếp tục tăng 2,6% so với tháng trước và tăng 17,5% so với tháng 11/2021 – thời kỳ bắt đầu mở cửa nền kinh tế, mọi nhu cầu của người dân, doanh nghiệp “bung ra” sau thời gian giãn cách để chống đại dịch Covid-19.

Nhưng khác với quý IV những năm trước, năm nay, doanh nghiệp phải đối mặt với khó khăn chưa từng thấy, nhiều doanh nghiệp đã phải đóng cửa, cắt giảm lao động, cắt giảm giờ làm?

Đúng là khó khăn đã bắt đầu xuất hiện từ tháng 11/2022. Nếu như tháng 10/2022, Chỉ số IIP vẫn còn tăng 3% so với tháng trước, thì đến tháng 11 chỉ còn tăng 0,3%. Nguyên nhân chính là đơn hàng sụt giảm, chi phí đầu vào ở mức cao và thiếu hụt nguồn cung nguyên vật liệu.

Hoạt động xuất khẩu cũng nằm trong bối cảnh tương tự, dù 11 tháng đầu năm vẫn tăng 13,4%, nhưng tháng 11 chỉ đạt 29,18 tỷ USD, giảm gần 4% so với tháng trước. Xuất khẩu giảm có nguyên nhân là cầu tiêu dùng của người dân tại nhiều thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam bị giảm mạnh do kinh tế tăng trưởng chậm lại, lạm phát gia tăng.

Mặc dù vậy, với những những kết quả đạt được từ đầu năm đến giờ, tôi cho rằng, cho dù tháng 12 có gặp bất lợi đi chăng nữa, thì con số 8% tăng trưởng GDP năm nay không cần phải dự đoán nữa.

Hiện tại, ông lo nhất điều gì?

Mọi năm, bước vào quý IV, doanh nghiệp nào cũng kêu thiếu lao động, phải đưa ra nhiều ưu đãi, chế độ đãi ngộ để giữ chân lao động cũ và tuyển dụng lao động mới, thậm chí nhiều doanh nghiệp còn “thưởng” cho ai giới thiệu lao động vào làm việc. Nhưng năm nay, xuất hiện tình trạng sa thải lao động, giãn việc, lao động chỉ được làm việc “8 giờ vàng ngọc” thay vì tăng ca, làm thêm, do doanh nghiệp không ký được đơn hàng mới, đơn hàng cũ đã hoàn thành.

Đây là vấn đề rất lớn, người lao động được “nghỉ tết” từ tháng 11 do không có việc làm không chỉ là an sinh xã hội, mà ảnh hưởng đến việc phục hồi, phát triển kinh tế của năm tới. Nhưng rất tiếc là đến bây giờ, tôi vẫn chưa nghe được những giải pháp gì của các bộ, ngành, địa phương trước việc doanh nghiệp phải giãn, giảm lao động. Vấn đề này, tôi xin nhấn mạnh, là rất quan trọng, vì hậu quả nhãn tiền là tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc gia tăng ngay trong quý IV và có thể còn kéo dài trong nhiều tháng trong năm 2023 và chắc chắn ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm tới.

Trong bối cảnh lĩnh vực chế biến, chế tạo gặp khó khăn ở đầu ra, chúng ta trông chờ và hy vọng vào khu vực dịch vụ phục hồi mạnh mẽ, đặc biệt là du lịch, lưu trú, ăn uống… để tạo việc làm và trở thành bệ đỡ tăng trưởng kinh tế. Còn đối với doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, vấn đề lớn nhất bây giờ là ký được đơn hàng, chấp nhận giảm lãi, thậm chí là không lãi, cốt làm sao giữ chân được lao động, bởi nếu không, khi xuất khẩu phục hồi, sẽ không thể tuyển kịp lao động và như vậy sẽ bị mất thị trường.

Năm 2022 sắp kết thúc, theo ông, trong điều hành kinh tế, cần rút ra những bài học kinh nghiệm gì?

Đó là điều hành xăng dầu và cung ứng mặt hàng chiến lược này. Việc điều hành giá có thể nói là khá nhịp nhàng, không gây sốc và giữ được giá bán lẻ xăng dầu thấp hơn mặt bằng giá thế giới và khu vực, nhờ đó hỗ trợ được doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, góp phần rất lớn trong kiểm soát lạm phát.

Nhưng cung ứng xăng dầu lại có vấn đề. Từ khi mở cửa nền kinh tế, chưa bao giờ người dân phải chứng kiến cảnh phải xếp hàng chờ hàng tiếng đồng hồ để mua xăng, chưa bao giờ các cây xăng chỉ bán theo “hạn mức” thay vì “đổ đầy bình”. Đây là điểm trừ trong điều hành mặt hàng xăng dầu.

Còn điều hành chính sách tài chính, tiền tệ thì sao, thưa ông?

Một kinh nghiệm rất quý báu nữa được rút ra là, trong khi rất nhiều nền kinh tế liên tục tăng lãi suất, tỷ giá đồng nội tệ mất giá không phanh trước “đồng bạc xanh”, thì Việt Nam vẫn kiểm soát được lãi suất, tỷ giá rất linh hoạt chứ không cứng nhắc.

Linh hoạt ở chỗ, đến thời điểm chín muồi, lãi suất tăng từ từ, tỷ giá và biên độ cũng được mở ra từ từ, phù hợp với sự biến động của thị trường cả trong và ngoài nước. Nhờ đó, chúng ta vẫn kiểm soát được lạm phát, tỷ giá, duy trì được tăng trưởng xuất khẩu và thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Trong 11 tháng đầu năm nay, giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 19,68 tỷ USD, tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm trước. Đây không chỉ là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 11 tháng trong 5 năm qua, mà chất lượng đã được cải thiện rất nhiều, khi ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 15,52 tỷ USD, chiếm 78,8% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện, gấp hơn 10 lần so với lĩnh vực đứng thứ hai là hoạt động kinh doanh bất động sản – chỉ giải ngân được 1,44 tỷ USD.

Năm 2023 vô cùng khó đoán định vì yếu tố bên ngoài, nhưng cũng đã có một số tín hiệu le lói. Đó là các chính sách thắt chặt tiền tệ, tài khóa của các nền kinh tế lớn bắt đầu phát huy tác dụng, khi tốc độ lạm phát có dấu hiệu chững lại và sẽ đi xuống trong thời gian tới, làm giảm sức ép lên tỷ giá giữa các đồng nội tệ so với USD. Nhiều nước đã giảm dần việc tăng lãi suất điều hành trước khi giảm xuống như trước khi họ can thiệp để chống lạm phát.

Việt Nam đã có nhiều bài học kinh nghiệm trong điều hành từ năm 2022 để lại, cộng với những tín hiệu tốt lành đang le lói là nền tảng để thực hiện mục tiêu tăng trưởng 6,5%.

Nguồn: https://baodautu.vn/viet-nam-da-co-kinh-nghiem-trong-doi-pho-voi-su-bat-on-d178927.html

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *