Nguyễn Tú/ Báo DĐDN
Theo các chuyên gia kinh tế Đông Nam Á hiện các nhà đầu tư nước ngoài trong hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đang chuyển hướng tới thị trường Việt Nam.
Với nguồn nhân lực dồi dào, nền kinh tế năng động, cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo đang phát triển mạnh mẽ cả về chất lượng và số lượng. Nhiều công ty khởi nghiệp có mức độ công nghệ và đổi mới sáng tạo cao. Đây là điểm hấp dẫn các nhà đầu tư, các định chế tài chính chuyên cung cấp vốn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trên thế giới tới Việt Nam.
Theo đánh giá của Do Ventures, Việt Nam được đánh giá cao bởi sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu và số người sử dụng Internet. Dưới tác động của đại dịch Covid-19, hành vi của người dùng Việt Nam đang thay đổi khi dần hướng nhiều hơn tới môi trường online cùng với đó là việc ngày càng phổ biến của các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt. Đồng thời, với sự phát triển nhanh của thương mại điện tử, nguồn cung ứng dịch vụ logistic cho lĩnh vực này cũng đang tăng nhanh cùng sự xuất hiện của khoảng 40 công ty chuyển phát.
Nhìn chung, sự quan tâm của các nhà đầu tư công nghệ dành cho thị trường Việt Nam vẫn ở mức cao. Theo khảo sát của Do Ventures, 50 quỹ đầu tư hoạt động tại 6 nền kinh tế mạnh nhất Đông Nam Á đang hướng sự ưu tiên của mình vào Việt Nam trong 12 tháng tới, tiếp theo sau đó là Indonesia. Các lĩnh vực được nhắm đến của giới đầu tư là dịch vụ giáo dục, sức khỏe và tài chính.
Nguyên nhân chính khiến các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ chọn Việt Nam bởi những cơ hội tốt hơn so với các thị trường khác. Bên cạnh đó, còn có các yếu tố khác như sự thuận lợi về các yếu tố vĩ mô, nhân khẩu học, tiềm năng tăng trưởng lớn do hành vi tiêu dùng tăng nhanh và tận dụng việc định giá thấp trong mùa dịch.
Việt Nam hiện xếp thứ 3 về số người sử dụng Internet, thứ 3 về mức độ thâm nhập di động và thứ 2 về tốc độ trung bình của kết nối Internet di động, so với các quốc gia Đông Nam Á khác.
Việt Nam và Indonesia hiện đang dẫn đầu khu vực về tổng giá trị hàng hóa của nền kinh tế Internet. Lượng hàng hóa này chiếm khoảng 5% GDP của cả nước vào năm 2019. Lĩnh vực thương mại điện tử, truyền thông và dịch vụ gọi xe tại Việt Nam cũng được dự đoán sẽ phát triển nhanh hơn các nước khác trong khu vực.
Tại Việt Nam, khảo sát của các quỹ đầu tư này với khoảng 100 startup cho thấy phần lớn các công ty này đang thay đổi mô hình kinh doanh và sản phẩm, dịch vụ của họ để thích ứng với tình hình mới do ảnh hưởng của đại dịch. Điều này cho thấy khả năng thích ứng và phản xạ nhanh của các doanh nghiệp Việt Nam. Ngoài ra, họ cũng có những suy nghĩ rất tích cực về triển vọng phục hồi sau đại dịch.
Trong năm 2019, lượng giao dịch mobile banking tại Việt Nam đã tăng trưởng 210% với tổng giá trị giao dịch lên tới 240 tỷ USD. Các giao dịch qua hệ thống ví điện tử của nhóm doanh nghiệp fintech cũng có mức tăng trưởng 112% với tổng giao dịch đạt 10.4 tỷ USD. Đến nay tốc độ phát triển của thị trường thanh toán trực tuyến tại Việt Nam cũng được đánh giá cao, khi dịch vụ Mobile Money chính thức được triển khai với sự tham gia của các nhà mạng di động.
NGUỒN: Theo Báo Diễn đàn doanh nghiệp
Link bài: Việt Nam…
https://enternews.vn/viet-nam-