Việt Nam thiếu nguồn nhân lực hấp dẫn nhà đầu tư

Trần Quí Thanh

Được đánh giá là quốc gia có lợi thế khi thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) so với các nước trong khu vực, nhưng hiện nay dòng vốn FDI vào Việt Nam vẫn thiếu vắng những ông lớn đến từ Mỹ, châu Âu. (Theo Cafef.vn)

………………………….

Anh Thanh mến.

Đọc blog anh nhiều tháng nay, rất thích. Mục “Chat với mọi người” anh có kêu gọi gửi thư cho anh, sau nhiều chần chừ giờ mới gửi thư cho anh.

 Anh Thanh ạ, chúng ta vẫn chú ý thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), thực tế ta thu hút FDI khá tốt so với các nước trong khu vực. Nhưng hiện nay dòng vốn FDI vào Việt Nam vẫn thiếu vắng những ông lớn đến từ Mỹ, châu Âu. Anh thử phân tích lý do chính là gì, vì sao lại thế?

Mong nhận được hồi âm

Kính anh

Lê Quốc Sảo (Hà Tây): saoquocle-1957@gmail.com

—–

Bạn Lê Quốc Sảo thân mến

Trước hết, tui có đánh giá tích cực về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam, thực tế của hoạt động này hiện nay cho thấy điều đó.

Cụ thể, theo Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch Đầu tư, trong 6 tháng đầu năm 2017, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần là 19,22 tỉ USD, tăng 54,8% so với cùng kỳ năm 2016. Một con số khá ấn tượng khác, tính đến tháng 6.2017, có 120 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Tuy nhiên, như bạn đã hỏi, trong danh sách đứng đầu gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Đài Loan, không có những tên tuổi lớn đến từ Mỹ và châu Âu.

Các chuyên gia kinh tế phân tích khá kỹ lưỡng về hiện tượng trên, và nguyên nhân chủ yếu là do môi trường đầu tư  kinh doanh của Việt Nam chưa thực sự thuyết phục các doanh nghiệp nước ngoài. Họ kỳ vọng một môi trường minh bạch để gửi gắm niềm tin khi bỏ vốn vào.

Theo trang điện tử CAFEF, “đánh giá về môi trường kinh doanh Việt Nam, ông Jonathan Moreno, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) tại Tp.HCM, nhận định rằng một trong những rào cản cản trở luồng vốn FDI từ Hoa Kỳ vào Việt Nam vẫn là chuyện thiếu minh bạch về môi trường đầu tư ở Việt Nam, khiến các doanh nghiệp vẫn còn tâm lý e ngại”.

Tui nghĩ môi trường đầu tư là một yếu tố, còn lại là nguồn nhân lực chất lượng cao của Việt Nam chưa đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư. Báo chí đã đưa thông tin về hai hãng máy bay lớn nhất quả đất là Boeing, Airbus  từng muốn đặt chân vào Việt Nam, đầu tư sản xuất một loại linh kiện đơn giản nhất, nhưng phải dội lui vì đánh giá Việt Nam thiếu lực lượng lao động có tay nghề theo yêu cầu của họ.

Tương tự, các doanh nghiệp lớn của châu Âu và Mỹ cần lao động kỹ thuật có chất lượng, theo kịp được hệ thống máy móc, dây chuyền công nghệ hiện đại, cho nên họ còn chần chừ bước chân vào Việt Nam.

Xin bàn thêm điều này nữa, nhìn vào danh sách các nước đầu tư mạnh nhát vào Việt Nam, tui thấy có thêm yếu tố văn hóa. Các nước Đông Bắc Á, Đông Nam Á gần với Việt Nam về văn hóa, cho nên dễ tiếp cận và chia sẻ với nhau trong chuyện làm ăn. Đối với các nước châu Âu và Mỹ, tuy văn hóa không phải là yếu tố chính ngăn cản họ, nhưng khi chưa có một môi trường kinh doanh và chính sách cho các nhà đầu tư đủ mạnh để vượt qua rào cản văn hóa thì nó trở thành vấn đề.

Rõ ràng chính sách thu hút đầu tư thông thoáng và minh bạch là cần thiết, nhưng cũng đừng quên những điều kiện khác. Xin hãy lưu ý, hệ thống hạ tầng giao thông của Việt Nam cũng là một cản trở, nó có thể được các ông chủ Hàn Quốc, Nhật Bản thông cảm, nhưng đôi khi là nỗi ám ảnh đối với các ông chủ Mỹ.

Trao đổi với nhau cho vui vậy nhé.

Trần Quí Thanh
(Hãy gửi thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)
 

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *