Vinh quang và cay đắng Việt Nam tại Asiad 18

Minh Chiến/ Báo Zing.vn
 
Chiến thắng của Thu Thảo, những tấm HCV của pencak silat hay thất bại của Ánh Viên, Xuân Vinh đã mang tới những dư vị ngọt ngào và cay đắng cho thể thao Việt Nam ở ASIAD 18.
 

 

Nếu phải chọn ra một cái tên tiêu biểu cho thể thao Việt Nam tại Asian Games 18, không ai xứng đáng hơn ngoài Bùi Thị Thu Thảo. “Cô gái vàng” của điền kinh Việt Nam được dự đoán là người có khả năng chiến thắng cao nhất tại Á vận hội và sự thật đã trở thành nhà vô địch ASIAD.

Tấm HCV nội dung nhảy xa của Thu Thảo là một trong những chiến công lớn nhất của thể thao Việt Nam trong lịch sử. Đây vừa là tấm HCV thứ 2 của Việt Nam ở ASIAD 18, cũng là tấm HCV đầu tiên của điền kinh Việt Nam tại Á vận hội. Tấm huy chương ấy càng ý nghĩa hơn bởi nó đến từ điền kinh – môn cơ bản nhất, nền tảng của thể thao từ thời cổ đại.

Thu Thảo và vinh quang Việt Nam

 

Chiến thắng của Thu Thảo cực kỳ đặc biệt vì cô chỉ cao 1,64 m, thấp gần nhất trong số các VĐV nhảy xa tại Á vận hội. Xung quanh Thảo, HCB Neena Varakil (Ấn Độ) cao 1,7 m, các VĐV Trung Quốc và Hàn Quốc đều cao xấp xỉ 1,8 m. Giữa những đối thủ chân dài ấy, Thu Thảo nhỏ bé nhất nhưng mạnh mẽ hơn cả. Cô sở hữu ý chí kiên cường và sức bật cực tốt, đủ sức khỏa lấp mọi bất lợi về hình thể.

Ngay từ bước nhảy đầu tiên, Thảo đã đạt được cột mốc 6,55 m. Cú nhảy đầu tiên cũng là cú nhảy tốt nhất của Thảo tại Á vận hội lần này, là thành tích vừa đủ để Thảo vươn lên đứng đầu trong số 10 VĐV và duy trì cách biệt ấy tới lượt nhảy cuối cùng.

Chia sẻ với Zing.vn sau này, Thảo bảo khi thấy các đối thủ chính chỉ nhảy được 6,4 m ở lượt đầu tiên, cô đã định nhảy luôn 6,7 m cho họ “cóng hết”. Nhưng áp lực ở sân chơi ASIAD đã khiến Thảo không thể thành công.

Ít người biết rằng phía sau tấm HCV của Bùi Thị Thu Thảo là những hy sinh rất lớn từ cả gia đình, bạn đời và bản thân Thảo. “Cô gái vàng” của điền kinh Việt Nam đã lập gia đình được vài năm nhưng chưa sinh con. Thảo, bạn đời và gia đình đều thống nhất sẽ dành những năm tháng đẹp nhất đời con gái cho điền kinh Việt Nam.

Để Thảo được tập trung thi đấu, anh Lê Văn Tiến đã chuyển trọ lên Nhổn, thuê một căn phòng nhỏ gần Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội. Hàng ngày, anh đều chạy xuống Mỹ Đình làm nghề sửa chữa xe. Anh quán xuyến mọi việc trong nhà, giặt quần áo cho Thảo, đi chợ, nấu cơm, làm những món cô thích. Thảo từng bảo “món anh thích nhất chính là món cô thích, cô thích cái gì thì anh sẽ nấu, sẽ làm món ấy cho bằng được”.

Bản thân Thu Thảo từng có ý định giải nghệ cách đây chưa lâu. Nhưng sự động viên của bộ môn, sự ủng hộ của gia đình và nhất là người chồng luôn yêu thương đã giữ Thảo ở lại. Chính nhờ những điều đó, điền kinh Việt Nam mới có được tấm HCV lịch sử.

Cùng với Thu Thảo, tấm HCV nội dung thuyền nhẹ 4 người một mái chèo được xem là chiến công lớn thứ 2 của thể thao Việt Nam tại Á vận hội. Giống như điền kinh, rowing cũng là một nội dung nằm trong chương trình thi đấu chính thức của Olympics.

Khác với Thu Thảo một chút, đội tuyển rowing Việt Nam đã rất thành công trong việc “giấu bài” trước các đối thủ. Gần như không có cơ quan báo chí nào dự đoán trước được thành công của đội tuyển rowing. Bộ môn rowing Việt Nam đã gây bất ngờ cho tất cả, từ đối thủ tới giới chuyên môn.

Khi quốc ca Việt Nam ngân vang trên bầu trời Palembang (môn rowing không thi đấu tại Jakarta) hôm 23/8, Zing.vn đã ngay lập tức cử phóng viên đáp máy bay thẳng xuống Palembang tìm gặp bằng được những “cô gái vàng”.

Ngay tối hôm đó, Zing.vn đã kết nối được với đội tuyển rowing Việt Nam và trở thành cơ quan báo chí đầu tiên ở Việt Nam có được buổi phỏng vấn trực tuyến với những nhà vô địch.

Nhưng tin vui với rowing chưa dừng lại ở đây, một ngày sau, tới lượt đội thuyền 4 người một mái chèo hạng nặng mang về tấm HCB. Hai tấm huy chương – 1 bạc, 1 vàng, là bằng chứng cho thấy tiềm năng rất lớn của rowing ở Việt Nam. Như chuyên gia người Australia Donnelly Joseph Ignatius chia sẻ: đã đến lúc rowing Việt Nam hướng về Olympic Tokyo bằng sự tự tin cao nhất.

Cũng không thể quên được đội tuyển pencak silat với 2 tấm HCV danh giá giành được cho đoàn Việt Nam. Nguyễn Văn Trí (hạng cân 95 kg) và Trần Đình Nam (hạng cân 75 kg) đã ghi tên mình vào lịch sử khi đem về những tấm HCV đầu tiên cho pencak silat ở Á vận hội.

Nhà vô địch SEA Games, vô địch thế giới Văn Trí gây ấn tượng mạnh mẽ với màn ngược dòng phi thường. Anh bị quật ngã ngay trong những giây đầu tiên, bị đối thủ chơi xấu, phạm lỗi vào vùng kín nhưng đã chiến đấu ngoan cường và giành thắng lợi.

Cùng với Văn Trí, Trần Đình Nam có một trận đấu hoàn toàn áp đảo đối thủ Malaysia. Họ giúp Việt Nam trở thành nước duy nhất có HCV ở pencak silat ngoài chủ nhà Indonesia. Những tấm huy chương ấy càng quý giá hơn khi chúng ta đã giành được nó ngay tại Taman Mini Indonesia Indah – nơi vốn được xem là thánh đường, điểm khởi phát của môn quốc võ Indonesia này.

Nhưng không phải cứ giành HCV mới là chiến thắng. Thể thao Việt Nam cũng có những tấm HCB, HCĐ vô cùng giá trị. Bởi đó là những tấm huy chương bất ngờ, rất gần với đẳng cấp châu lục và thế giới. Ấy là tấm HCB 400 m rào của Quách Thị Lan, HCB 1.500 m tự do của Nguyễn Huy Hoàng, HCĐ 10 m bắn bia di động của Ngô Hữu Vượng.

Trong số này, chiến công của Huy Hoàng ấn tượng hơn cả. Thần tượng mới của bơi lội Việt Nam đã khiến cả châu Á ngỡ ngàng khi cạnh tranh quyết liệt với huyền thoại Trung Quốc Sun Yang tới những mét đua cuối cùng. Đối đầu với người đang giữ kỷ lục Olympic, châu Á và Á vận hội, Huy Hoàng đã cho thấy sự tự tin và bản lĩnh tuyệt vời. Kình ngư 18 tuổi về sau đối thủ hơn 3 giây, bỏ xa HCĐ Ji Xinjie (Trung Quốc) gần 5 giây.

Trường hợp của Quách Thị Lan cũng gần tương tự. Cô giành HCB 400 m rào với thời gian 55 giây 30, chỉ xếp sau VĐV người Bahrain Kemi Adekoya (54 giây 48). Tấm HCB của Lan quý như vàng bởi Adekoya vốn là VĐV của Nigeria, được Bahrain nhập quốc tịch để kiếm huy chương cho quốc gia này tại Á vận hội. Trước đó, trào lưu này ở châu Á đã vấp phải sự phản đối dữ dội từ những người hâm mộ thể thao chân chính.

Ánh Viên, Xuân Vinh và thất bại của những VĐV trọng điểm

 

Nhưng thể thao Việt Nam không chỉ có những chiến thắng phi thường. Vẫn có bóng tối, vẫn có những điều chưa ưng ý trên hành trình Việt Nam ở ASIAD 18. Trong đó, điều đáng buồn nhất là nỗi thất vọng nơi các VĐV trọng điểm. Ngoài Thu Thảo, những cái tên được kỳ vọng cực nhiều như Nguyễn Thị Ánh Viên, Hoàng Xuân Vinh, Nguyễn Thị Thật, Thạch Kim Tuấn… đều không thể giành chiến thắng.

Người sa sút phong độ, người không thể tìm lại mình, người thì đối mặt địch thủ quá mạnh. Họ vốn là những niềm hy vọng vàng của Việt Nam ở ASIAD nhưng đều gây thất vọng. Nhiều người như Ánh Viên, Xuân Vinh hay Thật còn không thể giành nổi huy chương dù từng là nhà vô địch Olympic, vô địch châu Á.

Trong các VĐV trọng điểm, bộ đôi Thạch Kim Tuấn và Trịnh Văn Vinh là những người xuất trận đầu tiên. Họ đều là những nhà vô địch SEA Games và thế giới, đều được kỳ vọng sẽ mang về HCV cho đoàn. Nhưng càng kỳ vọng, thể thao Việt Nam càng phải thất vọng. Cả Kim Tuấn và Văn Vinh đều phải đối diện với những đối thủ quá đẳng cấp. Kim Tuấn gặp Om Yun-chol – nhà vô địch Olympic 2012, còn Văn Vinh đụng phải Eko Yuli Irawan – huyền thoại Indonesia, người đã 3 lần giành huy chương tại Thế vận hội.

Kim Tuấn thua Om tới 7 kg tổng cử, còn Văn Vinh thậm chí chấn thương khi cố gắng bám đuổi Eko. 10 năm về trước, Eko chính là người đã thất bại trước đô cử HCB Hoàng Anh Tuấn của Việt Nam tại Olympic 2008. Sau 10 năm, đô cử Indonesia vẫn cực kỳ tráng kiện và mạnh mẽ.

 

 

Cùng ngày với Trịnh Văn Vinh (21/8), tới lượt “tiểu tiên cá” Ánh Viên vào cuộc. Người từng giành 2 HCĐ ASIAD 2014 đã thể hiện đáng thất vọng. Cô chỉ về thứ 5 ở đường đua 400 m hỗn hợp cá nhân nữ với thời gian 4 phút 42 giây 81, kém thành tích có huy chương hơn 3 giây. 4 năm sau Incheon, Ánh Viên không có chút tiến bộ nào, thậm chí còn thụt lùi về thành tích.

Thất bại của Ánh Viên làm dấy lên cuộc tranh luận quyết liệt trong nội bộ đoàn thể thao Việt Nam sau ASIAD. Tại sao Ánh Viên không tiến bộ? Phương pháp huấn luyện hiện tại có phù hợp với Ánh Viên không? Có nên thay HLV cho Ánh Viên? Ít người biết rằng Ánh Viên đã bị ốm nhẹ trước vòng thi chung kết, cô cũng vừa phải trải qua một nỗi đau gia đình nên đánh mất sự tập trung cao nhất trên đường đua.

Nhưng đau đớn hơn cả là thất bại của nhà vô địch Olympic, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh. Xuân Vinh chỉ về thứ 9 tại vòng loại nội dung 10 m súng ngắn hơi sở trường. Trước sự vươn lên mạnh mẽ của các đàn em thuộc thế hệ Z, nhà vô địch Olympic thậm chí không thể vượt qua vòng loại. Đây là thất bại đau đớn nhưng không quá bất ngờ bởi trước đó, Xuân Vinh đã thể hiện phong độ không tốt suốt từ năm ngoái tới giờ.
 
 

Cùng với Xuân Vinh, một nhà vô địch khác là Nguyễn Thị Thật cũng không thể giành huy chương Á vận hội. Đang giữ áo vàng châu Á, có thành tích rất ổn định trong thời gian qua, Thị Thật được kỳ vọng rất nhiều tại ASIAD 18. Nhưng thay đổi bất ngờ của ban tổ chức khi bố trí đường đèo ở đoạn về đích đã làm ảnh hưởng tới Thật. Phải đua ở đoạn đường không sở trường khiến Thật hụt hơi khi về cuối và không thể tăng tốc giành huy chương.

Nhưng cũng phải thẳng thắn thừa nhận, đối thủ của Nguyễn Thị Thật đã quá xuất sắc. Tay đua Hàn Quốc Na Ah-reum một mình băng băng về đích, bỏ xa các đối thủ phía sau cả trăm mét.

Bóng đá nữ cũng chứng kiến giải đấu chưa thành công của HLV Mai Đức Chung và các học trò. Từng vào tới bán kết ASIAD 2014, đội tuyển nữ đã không thể duy trì phong độ và chấp nhận thua Đài Loan trên chấm luân lưu ở tứ kết. Sau trận đấu, ông Mai Đức Chung thừa nhận tuyển nữ sẽ bước vào một chu kỳ khó khăn khi các trụ cột đồng loạt chia tay. Giai đoạn tới sẽ là thời gian trẻ hóa, củng cố lực lượng cho SEA Games 2021 trên sân nhà.
 
 
Trong môn điền kinh, Lê Tú Chinh và Quách Công Lịch cũng để lại những nỗi buồn. “Người phụ nữ nhanh nhất Đông Nam Á” vẫn bị ngợp khi bước ra sân chơi châu Á. Cô thậm chí không thể góp mặt ở vòng chung kết cả 2 nội dung 100 m và 200 m. Bên cạnh Tú Chinh, Quách Công Lịch có lẽ là VĐV Việt Nam xui xẻo nhất. Anh chấn thương chỉ sau 50 m chạy đầu tiên ở bán kết 400 m rào nam. Lịch lặng lẽ rời sân, khép lại 4 năm chờ đợi tới Á vận hội bằng một tai nạn.
 
 

Không đến mức gây thất vọng, nhưng Dương Thúy Vi và phần còn lại của đội tuyển pencak silat đã không đạt được thành công như mong đợi. Từng mở hàng cho thể thao Việt Nam ở cả hai sự kiện lớn gần nhất, Thúy Vi đã thất bại trong nỗ lực chinh phục HCV ASIAD lần thứ 2. Dù vậy, với 2 tấm huy chương ASIAD liên tiếp, sự nghiệp của Thúy Vi vẫn có thêm một cột mốc đáng nhớ.

Với 4 tấm HCV trong đó có 2 huy chương tới từ các môn Olympic, thể thao Việt Nam đã có kỳ ASIAD thành công nhất trong lịch sử, xếp trên một số nước mạnh ở Á vận hội như UAE, Singapore… Đây là tiền đề quan trọng chứng minh sự đúng đắn trong chuyển hướng chiến lược của thể thao Việt Nam, mở đường tới những thành công lớn hơn tại các Đại hội trong tương lai.

 
 
NGUỒN:  Theo Báo Zing.vn
Link bài: Vinh quang và cay đắng…
(https://news.zing.vn/vinh-quang-va-cay-dang-cua-the-thao-viet-nam-tai-asiad-18-post874924.html)
Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *