Hoàng Lâm/ Báo Lao Động
—–
Một cách ví von chuẩn xác và rất thời sự, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: “Chúng ta phải chống cả 2 loại virus, một là virus Corona và một loại virus nữa là “virus trì trệ”, không chịu làm việc, lấy lý do dịch bệnh nên không hành động, ảnh hưởng lớn đến kinh tế – xã hội của đất nước”.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng vừa báo cáo Thường trực Chính phủ về ảnh hưởng của dịch COVID-19 đối với kinh tế – xã hội Việt Nam, trong đó ngành du lịch chịu ảnh hưởng không nhỏ với dự báo thiệt hại tới 5 tỉ USD, GDP năm nay có thể chỉ tăng 5,96%.
Đó là trường hợp nếu dịch được khống chế trong quý II. Kịch bản còn lại nếu dịch khống chế được trong quý I, mức tăng GDP năm nay ở 6,25%, giảm 0,55 điểm phần trăm so với mục tiêu Chính phủ đưa ra.
Đưa ra kịch bản như vậy không chỉ để hình dung một cách khái quát kinh tế Việt Nam do chịu tác động từ dịch bệnh mà chính là để các Bộ, ngành, từng doanh nghiệp, từng người dân xác định phải có nỗ lực cao hơn, trách nhiệm lớn hơn để bù đắp cho những thiệt hại mà khách quan mang lại.
Nói cách khác, nền kinh tế phải nâng cao “sức đề kháng”, nâng cao quốc lực trong đó có giải pháp tìm cách mở rộng thị trường, nhất là thị trường khó tính như EU.
Trong bối cảnh ấy, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và EVIPA được ví như những “liều thuốc bổ” tạo ra những cơ hội mới, rõ ràng hơn đặc biệt là rất đúng thời điểm.
Thế nhưng nếu chỉ trông chờ mọi thuận lợi từ EVFTA mà không giải quyết được “virus trì trệ” thì tác động của Hiệp định này sẽ rất ít ỏi.
Hồi tháng 7 năm ngoái, tại hội thảo “Nhận diện cơ hội kinh doanh – đầu tư trong bối cảnh Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – Liên minh Châu Âu (EVFTA) sớm được thông qua”, ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại Đa biên (Bộ Công thương) khẳng định: lợi ích cộng hưởng từ việc tham gia hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), EVFTA và các FTA khác mà nếu cộng đơn thuần theo một số tính toán dự báo thì có thể làm tăng GDP từ 13% – 16%.
“Nhưng khả năng hấp thụ đến đâu? Bởi nhiều FTA giống như nhiều thang thuốc bổ, nếu cơ thể chúng ta đủ khỏe để hấp thụ thì rất tốt, nhưng nếu cơ thể chúng ta yếu thì lợi bất cập hại” – ông Khanh nhấn mạnh và cũng đưa ra cảnh báo là là vẫn còn nhiều doanh nghiệp và cả các bộ, ngành, địa phương vẫn còn chưa có sự chủ động đón các FTA mới.
Rõ ràng, EVFTA hay Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA) dù mang đến rất nhiều cơ hội nhưng cũng chỉ là những điều kiện cần để phát triển. Điều quan trọng nhất để biến các điều kiện này thành hiệu quả thực tế thì lại phải trông vào nội lực, vào những cố gắng chung nâng khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.
Không có cách nào khác là ngay lúc này, phải diệt ngay “virus trì trệ”, bắt tay ngay vào việc và tận dụng tối đa liều thuốc bổ EVFTA.
NGUỒN: Theo Báo Lao động online
Link bài: “Virus trì trệ” và…
(https://laodong.vn/su-kien-