“Vỡ trận” giải cứu lợn

Phong Nguyễn / Tiền Phong
 


Việc “giải cứu” lợn đã không đạt được kết quả như kỳ vọng, khiến lợn vẫn tồn đọng lớn, người chăn nuôi lao đao. Ảnh: T.A
……………………………….

Tui cứ tưởng tạo ra phong trào mua giùm là mua với giá thế nào để người nuôi heo có lãi. Té ra không phải. Theo ông Nguyễn Kim Đoán – Phó Tổng Thư ký Hiệp hội chăn nuôi tỉnh Đồng Nai: “với mức giá 23-25 nghìn đồng/kg, mỗi con heo bán ra, người nuôi đang lỗ khoảng 1 triệu đồng (đối với heo loại 1). Đối với heo loại 2, mức lỗ còn cao nữa, giao động ở mức 1,2-1,5 triệu đồng/con.” Lỗ vậy thì chẳng những người mua giùm không phấn khởi, người được mua cũng chẳng vui vẻ gì. “Vỡ trận” là phải.
 
 Tui nghĩ giải cứu heo, hay giải cứu bất kì hàng nông  sản nào, không nên làm “từ thiện” mua giùm hàng hoá cho người nông dân, bởi sức mua có hạn, ít ai cứ đeo lấy việc mua giùm mãi được. Hơn nữa  phong trào là việc làm nhất thời, không thể có phong trào dài dài được. Giả dụ ta tạo ra phong trào mua giùm mãi được, thì việc đó chỉ tạo ra sự ỷ lại từ phía người sản xuất. Một khi không biết khổ đau khi thất bát, làm gì cũng có người mua giùm cho rồi, người sản xuất cứ thế tiếp tục sản xuất như cũ, chẳng cần rút kinh nghiệm gì. Cho nên giải cứu kiểu đó là việc làm lợi bất cập hại, cần thì chỉ làm một lần, không thể làm mãi được.
 
Theo tui giải cứu cơ bản nhất là giúp cho người nông dân ý thức được nông sản của họ là hàng hoá, phải được ứng xử như hàng hoá. Muốn hàng hoá của người nông dân có lời thì phải giúp cho người nông dân có tư duy kinh doanh. Đã kinh doanh thì phải có lối đi riêng, không thể a dua được. Kinh doanh mà a dua thì bại là cái chắc. Chừng nào người nông dân có được ý thức đó thì công cuộc “giải cứu” mới được gọi là đúng hướng, chắn chắn sẽ thu được thành công.

Trần Quí Thanh

 
…………………………..

Sau 2 tháng kể từ khi Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường kêu gọi các cấp, các ngành chung tay hỗ trợ nông dân bằng cách tăng cường tiêu thụ thịt lợn, đến thời điểm này, việc “giải cứu” lợn đã cho thấy: Giải pháp tạm thời này đã không thể vãn hồi những hậu quả do cách quản lý lỏng lẻo, đầy bất cập của ngành chăn nuôi.
 
 “Vỡ trận” giải cứu

Số lượng lợn tồn trong dân và các trang trại chăn nuôi là bao nhiêu, bản thân Bộ NNPTNT không đưa ra được con số cụ thể, nhưng có thể thấy rằng, cuộc khủng hoảng thừa đối với ngành chăn nuôi lợn vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại khi giá lợn hơi trên thị trường vẫn tiếp tục xuống thấp, chỉ dừng lại ở mức 23-25 nghìn đồng/kg (đối với lợn loại 1) và 18-20 nghìn đồng/kg (đối với lợn loại 2).

“Lợn vẫn tồn trong dân rất nhiều. Tại miền Bắc giá lợn có cao hơn so với giá lợn hơi ở miền Đông Nam Bộ, nhưng với những con lợn chất lượng tốt nhất giá cũng chỉ 32-33 nghìn đồng. Thậm chí có những hộ dân khi lợn đã có nguy cơ vượt ngưỡng 1 tạ, giá thấp hơn họ vẫn bán” – ông Đinh Văn Quang – một thương lái chuyên thu mua lợn trong dân để giết mổ bán ra thị trường, cho biết.

Ông Trần Đức Vinh Quang – một hộ chăn nuôi lợn tại xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất (tỉnh Đồng Nai) cũng cho biết: Trang trại của ông tổng đàn có 1 nghìn con lợn, trong đó có 800 con lợn thịt, nhưng cả đợt “giải cứu” lợn, ông chỉ được hỗ trợ bán ra 24 con với giá 30 nghìn đồng/kg. Nhiều chủ trang trại tại Hà Nội, Hà Nam, Hưng Yên, Bình Định… cũng cho rằng, đến thời điểm này có thể nói việc giải cứu lợn đã thất bại.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Nguyễn Kim Đoán – Phó Tổng Thư ký Hiệp hội chăn nuôi tỉnh Đồng Nai cũng đồng quan điểm: Việc “giải cứu” heo đang vỡ trận. Bởi theo vị Phó Tổng Thư ký Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai, “giải cứu” heo thực chất là phải “giải cứu” được nông dân khỏi cuộc khủng hoảng về giá, tức là khi bán sản phẩm ra người nông dân phải có lãi, hoặc ít ra là phải được hòa vốn. Thế nhưng, với mức giá 23-25 nghìn đồng/kg, mỗi con heo bán ra, người nuôi đang lỗ khoảng 1 triệu đồng (đối với heo loại 1). Đối với heo loại 2, mức lỗ còn cao nữa, giao động ở mức 1,2-1,5 triệu đồng/con.

Tại thời điểm này, người chăn nuôi không những không có lợi nhuận, mà còn bị lỗ. Có những trang trại, mỗi lứa heo bán ra lỗ hàng tỉ đồng. “Sau 2 tháng có sự can thiệp của các tổ chức, giá thịt heo hơi bắt tại chuồng vẫn chỉ loanh quanh ở mức 24-25 nghìn đồng/kg, đồng nghĩa với việc cứ bán ra 1kg heo hơi, người nuôi lỗ 10-14 nghìn đồng/kg. Bán 1 con heo, lỗ 1-1,5 triệu đồng. Càng bán nhiều càng lỗ nặng” – ông Nguyễn Kim Đoán nêu ý kiến.

Chính vì vậy, việc các tổ chức “giải cứu” heo chỉ mới hỗ trợ nông dân tiêu thụ hàng, nhưng không giúp được người dân có lãi.

Theo ông Trần Văn Quang – Chi cục trưởng Chi cục thú y tỉnh Đồng Nai, giai đoạn đầu của chương trình “giải cứu heo”, lượng heo được thu mua và bán ra khá nhiều. Tuy nhiên, sau một thời gian, chương trình trầm lắng dần. Tại nhiều địa phương khác, cụ thể là tại Hà Nội, sau một thời gian ra quân khá rầm rộ, hiện nay việc “giải cứu” chỉ xuất hiện lác đác tại một vài điểm với số lượng nhỏ theo kiểu ‘duy trì phong trào”.


Việc “giải cứu” lợn đã không đạt được kết quả như kỳ vọng. Hiện tại số lượng lợn tồn trong các trang trại vẫn rất cao và giá rẻ. Ảnh: Thế Anh
Nông dân bị “loại khỏi cuộc chơi”

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cũng đặt ra mục tiêu tái cơ cấu lại ngành này càng sớm càng tốt. Trong đó, việc đầu tiên là giảm số lượng và tăng chất lượng đàn heo nái. Để kiểm soát chăn nuôi phát triển theo đúng quy hoạch, nhiều ý kiến cho rằng, cần phải xem đây là ngành nghề sản xuất, kinh doanh có điều kiện.

Theo ông Lê Quang Thành – Giám đốc Cty CP Thức ăn chăn nuôi Thái Dương, ở các nước có chăn nuôi lợn phát triển, mọi hoạt động của các trang trại đều phải có giấy phép. Ngoài giấy phép kinh doanh, đảm bảo điều kiện môi trường, phải đăng ký và giám sát về số lượng tổng đàn. Tuy nhiên, một số chuyên gia lại cho rằng, áp dụng quy định này, khác nào tước mất nghề làm thêm của nông dân, khi việc trồng lúa, hoa màu không đủ để họ trang trải cuộc sống.

Ông Nguyễn Kim Đoán thẳng thắn: Hiện nay một số DN chăn nuôi không hiểu vì lý do gì đang bán thịt lợn ra thị trường với mức 100 nghìn đồng/3kg. “Với mức giá này, chỉ có các doanh nghiệp, đặc biệt là các DN có vốn đầu tư nước ngoài, các tập đoàn có quy trình khép kín: Nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi, trang trại, nhà máy chế biến thực phẩm…, thậm chí cửa hàng tiêu thụ sản phẩm mới có thể đủ sức “kéo dài cuộc chơi”. Còn người nông dân vốn ít chỉ có nước “đóng chuồng”.

Tiếc rằng chỉ có những đơn vị trường vốn – nhất là các DN có vốn đầu tư nước ngoài mới có thể đủ vốn chấp nhận lỗ một thời gian dài để chờ các nông hộ chăn nuôi nhỏ lẻ “chết hẳn”. Khi đó họ sẽ thao túng hoàn toàn ngành chăn nuôi. “Có bàn tay của các “ông lớn” đang tác động và ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi. Nếu không tin, Bộ NNPTNT có thể kiểm tra: Nhiều DN hiện nay không giảm đàn, thậm chí còn tăng thêm số lượng lợn nái.

Tôi tin rằng, Bộ NNPTNT cũng không thể thống kê được tổng đàn heo của các DN, bởi họ thực hiện gia công (nuôi “ký gửi” tại các trang trại của nông dân). Riêng số lượng “gia công” này cũng lên tới hàng triệu con” – ông Nguyễn Kim Đoán cho biết. Vì vậy, nguy cơ người chăn nuôi Việt Nam bị loại ra khỏi cuộc chơi, nhường sân nhà cho những đại gia người nước ngoài, chỉ còn là chuyện sớm hay muộn.

Theo báo Tiền Phong
Link bài: “Vỡ trận” giải cứu lợn

 
 

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *