Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp không phải chỉ là việc của doanh nghiệp

Trần Quí Thanh

Nguồn hình: baodautu.vn

—–

Liên quan đến đề tài khởi nghiệp, tui đã có nhiều bài viết trao đổi với các bạn trẻ, mới đây cũng có bài “Môi trường hành chính lành mạnh không thể thiếu trong hệ sinh thái khởi nghiệp”, nói đến một số hạn chế làm ảnh hưởng đến sự phát triển của cộng đồng start up.

Trong bài viết này, xin được nói thêm về những hạn chế hay là sự cản trở hệ sinh thái khởi nghiệp theo yêu cầu của một số bạn vừa gửi thư về cho tui.

Trước hết là hệ thống pháp luật điều chỉnh các hoạt động khởi nghiệp và các ngành nghề mới, đặc biệt là công nghệ chưa đầy đủ, đây là cản trở lớn đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Còn nhớ, phát biểu tại lễ khai mạc Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia (Techfest Việt Nam 2018), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thẳng thắn chỉ ra rằng hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt nam chưa tốt, và Chính phủ cũng nên tự hỏi mình tại sao có nhiều người Việt phải ra nước ngoài khởi nghiệp, đặc biệt là Singapore.

Đây là vấn đề lớn, bởi vì công nghệ thì phát triển như vũ bão, nhưng việc xây dựng quy phạm pháp luật để điều chỉnh các mối quan hệ xã hội thì phải qua rất nhiều bước, mất rất nhiều thời gian. Có khi, một đạo luật được ban hành thì đã lạc hậu so với thực tiễn về lĩnh vực kinh doanh công nghệ. Các tranh cãi về Uber, Grab, tiền ảo là những ví dụ sinh động về khoảng trống quản lý do chưa có quy định pháp luật phù hợp để áp dụng.

Cho nên, khi chưa có quy định của pháp luật, các chuyên gia đề xuất mô hình Sandbox để tạo không gian cho các start up triển khai các dự án kinh doanh công nghệ. Có điều, với mô hình Sandbox, doanh nghiệp tự tin triển khai dự án, thì dòi hỏi phải có một hệ thống hành chính công lành mạnh.

Vốn là điều kiện cực kỳ quan trọng cho một start up, không có vốn thì đừng nói đến chuyện làm ăn. Và đương nhiên muốn có vốn thì phải huy động từ nhiều nguồn, muốn huy động vốn thì phải có cơ sở pháp luật đối tác mới cho vay vốn. Hệ thống pháp luật có liên quan đến việc huy động vốn phải đảm bảo cho các quỹ đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài thành lập, góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam. Điều này tui đã nói trong bài trước.

Nguồn nhân lực được nói đến nhiều, nhưng nguồn nhân lực đáp ứng cho một doanh nghiệp khởi nghiệp là phải đặc biệt, nói thẳng luôn phải là người giỏi, người xuất sắc. Nhưng có một thực tế, đó là chất lượng đào tạo đại học của Việt Nam không cao, nhiều trường sinh viên học ra chỉ có cái bằng để trấn an tâm lý hơn là sở hữu một kỹ năng nghề nghiệp.

Và cả ba điểm tui vừa nêu trên, đó là hệ thống pháp luật, cung ứng nguồn vốn vay và pháp luật bảo vệ quyền lợi của hai bên, nguồn nhân lực chất lượng cao đều vượt ra khỏi tầm tay của doanh nghiệp.

 

Sài Gòn ngày 22.10.2020

TQT

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *