Trần Quí Thanh
Chào anh Trần Quí Thanh
Xin tự giới thiệu tôi là một CEO doanh nghiệp nhà nước đã về hưu. Tôi ngưỡng mộ anh từ những năm 2011-2012 khi anh tung ra đồ uống Number1 làm thị phần đồ uống đang yên ả bỗng nổi sóng. Từ bấy đến nay tôi vẫn theo dõi anh, nhất là khi anh lập ra blog.
Thôi không dám làm mất thời gian anh nữa, chỉ tâm sự (cũng là khúc mắc) một điều nho nhỏ này:
Thời tôi làm DNNN, ông CEO bà CEO nào có ý định xây dựng thương hiệu cá nhân lập tức bị no đòn. Nhưng ngày nay khác, các doanh nghiệp tư nhân cần phải xây dựng thương hiệu cá nhân cho các CEO. Tôi khuyên đứa cháu như vậy nhưng nó không nghe, nó sợ thiên hạ kêu nó thiếu khiêm tốn. Xin anh cho cháu tôi một lời khuyên. Cảm ơn anh nhiều.
Chúc khoẻ anh, rất trân trọng
Lê Hồng Lâm Thao ( Hà Nội): lamthao_hanoi1953@gmail.com
—–
Anh Lê Hồng Lâm Thao mến!
Ở nước mình, khi một nhân vật nào đó đưa cái tôi cá nhân thì bị “no đòn” ngay, nhất là trong môi trường Nhà nước, nơi mà người ta đưa tính tập thể lên trên cá nhân. Nhưng ở xã hội phương Tây, cái tôi cá nhân được tôn trọng, và tất nhiên phải chịu trách nhiệm cá nhân hữu hình, không đổ lỗi cho tập thể vô hình.
Trong lý thuyết kinh doanh hiện đại, cái tôi cá nhân của người lãnh đạo, là CEO được tôn trọng và khuyến khích. Nó là thương hiệu của cá nhân nhưng gắn liền với thương hiệu của doanh nghiệp. Đây là hai chủ thể độc lập, nhưng thực chất là một.
Uy tín cá nhân của một CEO cực kỳ quan trọng, trên thực tế, các đối tác, người tiêu dùng đặt niềm tin vào sản phẩm, dịch vụ vì nghe đến danh tiếng của cá nhân người lãnh đạo. Và cũng chính vì vậy, những phát ngôn, tuyên bố của cá nhân đó phải luôn trung thực, chính xác và giữ đúng cam kết. Cha ông dạy, “một lần thất tín vạn lần thất tin” là vậy.
Xây dựng thương hiệu cá nhân không phải là chi ra thật nhiều tiền để làm PR, xuất hiện nhiều trong các sự kiện, lên diễn đàn “chém gió”, mà thực sự với vai trò cá nhân, có đóng góp hữu ích cho cộng đồng. Một CEO xuất sắc không chỉ giỏi quản trị điều hành, mà là chuyên gia trong lĩnh vực mình kinh doanh, có thể dùng kiến thức đó để hỗ trợ cho những start up, viết sách, đưa ra các dự báo có lợi cho thị trường.
Nếu quan sát, chúng ta có thể thấy nhiều cuốn sách viết về kinh tế, doanh nhân, doanh nghiệp của nhiều người là CEO, lãnh đạo của các tập đoàn, công ty nổi tiếng. Họ xuất hiện với tư cách chuyên gia kinh tế, đó là đóng góp của họ, và đó cũng chính là cách xây dựng thương hiệu cá nhân.
Nhưng tui xin lưu ý, xây dựng thương hiệu cá nhân cũng phải bài bản, chuyên nghiệp, có chuyên gia tư vấn. Làm không khéo trở thành lố bịch, bị phản tác dụng.
Shweta Arawal – nhà sáng lập của Voodly chia sẻ: “Đối với thương hiệu cá nhân, mạng xã hội và Internet là kênh tốt nhất để tạo dựng. Hãy chia sẻ những suy nghĩ, trải nghiệm của bạn với người đọc. Điều này cũng sẽ giúp bạn gia tăng sự hiện diện trong mắt các nhà đầu tư”.
Cũng xuất phát từ suy nghĩ đó, ngoài những buổi trao đổi với sinh viên, với anh em doanh nhân, tui làm trang web cá nhân để tương tác với các bạn.
Cám ơn anh đã có lời động viên tui và Tân Hiệp Phát. Có gì cứ gửi thư cho tui nhé.
Trần Quí Thanh
(Hãy gửi thư cho tôi: tranquithanh1956@gmail)