Nguyễn Thế Thanh/ Báo Tuổi Trẻ
Theo dõi Hội nghị văn hóa toàn quốc diễn ra hôm 24.11, tui thấy rất vui vì Đảng đã đặt ra một việc rất lớn, đó là chấn hưng văn hóa.
Từ Hội nghị văn hóa năm 1946, đến nay đã 75 năm mới có một hội nghị văn hóa, nhiều vấn đề được đặt ra, phù hợp trong thời đại mới, nhưng tinh thần cũng như lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”.
Bàn về văn hóa thì vô cùng rộng và sâu, chỉ xin dừng lại ở hai việc cần chấn hưng, đó là văn hóa gia đình và văn hóa học đường. Đây là nền tảng để xây dựng tất cả các giá trị văn hóa khác.
Sự giáo dục có chất lượng của cha mẹ, ông bà đối với một đứa trẻ chính là gieo trồng những hạt mầm để sau này xã hội có được những công dân có văn hóa. Những lời hay ý đẹp, đi thưa về trình, kính trên nhường dưới, vâng lời cha mẹ, yêu thương anh chị em, chăm đọc sách, yêu thiên nhiên. Những giáo huấn đó mỗi ngày thấm một chút, một đứa trẻ sống trong môi trường giáo dục tốt đẹp đó, đến khi trưởng thành đương nhiên sẽ là một người có văn hóa cao.
Cùng với gia đình, nhà trường là môi trường giáo dục văn hóa cho học sinh có bài bản và căn bản nhất. Ngoài kiến thức sách vở, học trò được dạy những điều gần gũi nhất như kính trọng thầy cô, sống tốt với bạn bè. Ăn mặc sạch sẽ, nói năng lịch sự, lễ phép.
Xin nhắc lại một lời dạy đơn giản nhưng có giá trị rất lớn của Hồ Chủ tịch: “Giữ gìn vệ sinh thật tốt”. Văn hóa, văn minh là đây chứ đâu xa.
Nếu một đứa trẻ thụ hưởng được nền giáo dục tốt, thầy cô dạy dỗ trui rèn từ nhỏ cho đến hết trung học phổ thông, thêm 4 năm đại học, dứt khoát xã hội sẽ có được một lớp trí thức có trí tuệ và tất nhiên có văn hóa.
Từ hai môi trường văn hóa đó, đến khi đi làm, thì một nhân viện tham gia vào môi trường văn hóa doanh nghiệp hay văn hóa công sở là chuyện tự nhiên, thậm chí còn là tác nhân tích cực để xây dựng văn hóa cho đơn vị mình.
Cho nên, theo quan điểm của tui, không có giáo dục gia đình tốt, không có chương trình giáo dục nhà trường có chất lượng văn hóa cao, thì không có nền tảng để xây dựng những công dân có văn hóa.
Hãy bắt đầu từ cha mẹ, thầy cô.
Trần Quí Thanh
—–
Nói về văn hóa tức là nói đến những giá trị vật chất và tinh thần mà con người sáng tạo ra trong lịch sử và truyền đi từ đời này sang đời khác. Vì văn hóa là giá trị nên văn hóa còn có thể hiểu giản dị là “như thế nào?”.
Làm việc như thế nào, học tập như thế nào, ứng xử với gia đình và những người xung quanh như thế nào, lãnh đạo một công việc, một tập thể được giao như thế nào…
Có lẽ vì vậy mà khi nói đến giá trị của một việc làm, một con người, một tổ chức, chúng ta hay gắn ở phía trước đó hai từ văn hóa. Văn hóa kinh doanh, văn hóa lãnh đạo, văn hóa ứng xử, văn hóa hội nghị, văn hóa báo chí… và gần đây có cả khái niệm văn hóa Đảng.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định văn hóa Đảng không có gì khác là “đạo đức” là “văn minh”… thì cũng có nghĩa thực hành đạo đức cách mạng là thực hành văn hóa.
Giá trị của một chính đảng cầm quyền là đạo đức, năng lực, trí tuệ của tuyệt đại bộ phận các thành viên. Không thể nói đảng cầm quyền mạnh khi một bộ phận không nhỏ các thành viên của đảng suy thoái về đạo đức, yếu kém năng lực, trí tuệ và tinh thần pháp luật.
Đòi hỏi xây dựng văn hóa Đảng từ mỗi đảng viên, nhất là đảng viên giữ cương vị lãnh đạo ở các cấp, đặc biệt là cấp cao, là một đòi hỏi chính đáng bởi vì Đảng Cộng sản Việt Nam đang giữ vai trò lãnh đạo chính trị duy nhất của đất nước.
Cũng vì Đảng là người lãnh đạo đất nước, thiết nghĩ Đảng không chỉ cần quan tâm xây dựng văn hóa Đảng mà còn phải đặc biệt quan tâm xây dựng văn hóa công dân.
Một đất nước có nhiều công dân ưu tú: trung thực, có kiến thức, kỹ năng, tinh thần học tập suốt đời, ý thức tuân thủ pháp luật và trân trọng dân chủ, sự quan tâm giúp đỡ người khó khăn, có tình yêu và ý chí bảo vệ đất nước, bảo tồn di sản… thì chất lượng phát triển đảng cũng sẽ thuận lợi hơn nếu các công dân ưu tú ấy sẵn sàng gia nhập một tổ chức mà họ tin là đang và sẽ ngày càng mạnh hơn về văn hóa lãnh đạo.
Đảng chỉ là một bộ phận của dân tộc, chiếm một tỉ lệ nhỏ trong dân số của đất nước nhưng lại đang được giao trọng trách lãnh đạo đất nước nên việc chăm lo xây dựng văn hóa công dân phải được coi là một nội dung của các quyết sách.
Nếu số đông công dân đang làm việc trong các môi trường khác nhau của đất nước là những người ưu tú thì việc chọn lựa những người ưu tú nhất để tham gia bộ phận lãnh đạo các cấp sẽ thuận lợi hơn.
Bằng không chúng ta sẽ chỉ có thể chọn người đỡ kém nhất trong những người kém để tiến cử, bầu cử mà thôi. Nếu không quan tâm xây dựng văn hóa cho số đông thì khó có thể yên tâm về sự mạnh mẽ vững bền của số ít là các tổ chức lãnh đạo đoàn thể chính trị, kinh tế, quốc phòng, ngoại giao.
Muốn thế, xin được bắt đầu xây dựng văn hóa từ gia đình – nơi mà con trẻ nhận được từ cha mẹ các giá trị cốt lõi là lòng trung thực, tình yêu thương đồng loại, sự trân trọng học hành và lao động, sự tôn trọng pháp luật và nhân phẩm của con người… (xin đừng nhầm với danh hiệu gia đình văn hóa), văn hóa học đường (không đồng nghĩa với danh hiệu trường học văn hóa), văn hóa công sở (cũng vẫn xin đừng đánh đồng với danh hiệu công sở văn hóa).
NGUỒN: Theo Báo Tuổi Trẻ