Trần Quí Thanh
—–
Thưa anh Trần Quí Thanh
Lâu lâu không trao đổi cùng anh, cũng nhớ. Từ lâu tui coi anh như người Bình Dương rồi, rất thật lòng chứ không nịnh đâu nghen.
Trao đổi với anh lần này, tui muốn anh chỉ vẽ về việc nuôi dưỡng và phát triển một doanh nghiệp. Các DN Việt Nam thường chú trọng marketing để thúc đẩy bán hàng chứ chưa thật sự đầu tư cho phát triển thương hiệu. Như vậy là dại phải không anh? Cũng có nhiều doanh nghiệp marketing thương hiệu để mà bán doanh nghiệp cho nước ngoài. Không rõ việc này dại hay khôn? Dù thế nào thì việc không quan tâm xây dựng thương hiệu hoặc định giá “trật” thương hiệu thì khó ai gọi là khôn. Ấy là tui nghĩ vậy. Xin anh chỉ giáo cho vấn đề này .
Lê Kiến Quốc (Bình Dương): kienquoc_le2013@gmail.com
—–
Anh Lê Kiến Quốc mến!
Kiến quốc là kiến tạo, kiến thiết đất nước đó nhe cha nội, tên hay ghê. Thôi thì không kiến tạo được gì to thì làm doanh nghiệp cho ngon lành cũng được.
Cả đời tui lăn lóc thương trường, nói thiệt một giai đoạn dài chỉ lo cho sự tồn tại, không nghĩ xa đến các khái niệm thương hiệu, marketing. Nếu có thì ở mức sơ khai mà thôi. Không ít người chưa phân biệt được quảng cáo (advertisement) với PR (Public Relations), cứ tưởng nhầm, nói chi tới định giá thương hiệu xa xôi.
Khi đất nước hội nhập, doanh nghiệp được tiếp cận các bài bản kinh doanh, lý thuyết quản trị kinh doanh hiện đại, công ty nước ngoài đầu tư vào Việt Nam mang theo những thông lệ quốc tế liên quan đến kinh tế thị trường, cộng đồng Việt Nam học được từ đó.
Vấn đề là ai học được nhanh và học giỏi.
Marketing để bán hàng thì ai cũng biết, nhưng đạt được trình độ nghệ thuật thì còn lâu, chúng ta còn học từ doanh nghiệp của các nền kinh tế lớn rất nhiều. Còn marketing thương hiệu lại ở trình độ khác, cần phải có những chuyên gia phân tích và đánh giá giá trị thực của doanh nghiệp, và chuyên gia có kỹ thuật và kinh nghiệm đánh bóng thương hiệu để nâng giá trị nó lên cao hơn giá trị thực của nó. Ở đây đòi hỏi trình độ chuyên gia là vì, nếu nâng cao quá thì thành “hoang tưởng”, thậm chí “nói láo”, người ta sẽ không tin. Chẳng ai thèm mua một thứ mà họ biết là không thực chất.
Ngược lại, nếu không biết marketing thì không ai biết đến thương hiệu của mình, thậm chí họ đánh giá mình kém hơn giá trị thật của mình. Cho nên, marketing thương hiệu là cần thiết, không doanh nghiệp nào có tầm nhìn mà không tính đến công việc này. Nhưng nói như như anh Kiến Quốc, định giá nhưng đừng để “trật”.
Quan điểm của tui thế này, chú trọng vào chất lượng sản phẩm và đây là ưu tiên số 1. Không được chủ quan, dừng lại với cái mình đang có, mà tiếp tục đầu tư nghiên cứu để nâng cao chất lượng sản phẩm. Khi sản phẩm của doanh nghiệp được người tiêu dùng lựa chọn, đi đâu cũng thấy nhãn hiệu đó, thì không cách đánh bóng nào bằng.
Nhưng song song với đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, chủ doanh nghiệp phải đầu tư cho marketing thương hiệu, trên cơ sở vững chắc, tạo được sự tin cậy từ cộng đồng doanh nghiệp. Xây lâu đài trên cát thì chẳng mấy chốc bị cuốn trôi.
Tui chưa bao giờ nghĩ đến và không bao giờ tính đến sáp nhập mua bán doanh nghiệp (M&A), nên không nghiên cứu sâu về chuyện định giá thương hiệu để mua bán. Anh có thể tham khảo thêm ở các doanh nghiệp M&A.
Cám ơn anh đã dành thời gian trao đổi với tui.
Trần Quí Thanh
(Hãy gửi thư cho tui: tranquithanh1953@gmail.com)