Xin Chào, Con Cưng, 100 USD và quyết tâm của Thủ tướng

Anh Đào/ Báo LĐO
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn trước Quốc Hội ngày 1/11/2018. (Theo VnMedia.vn)
—–
Chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc sửa lại Nghị định 96/2014/NĐCP về “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực ngân hàng” thể hiện quan điểm “Chính phủ kiến tạo” của ông.
 
Kiến tạo trước hết là sửa đổi những gì không  còn phù hợp, loại bỏ những gì cản trở phát triển, và quy định của Nghị định 96 là một trong những thứ cản trở đó.
 
Các quy định bất hợp lý, các giấy phép con, các thủ tục kiểm tra chuyên ngành vô lối đang gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp vẫn còn nhiều, cần phải tiếp tục xử lý. Người dân, doanh nghiệp mất sức vì những thứ cản trở, hành hạ, nhũng nhiễu.
 
Thật đáng lo ngại, trong khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rất sốt ruột thì còn có những bộ, ngành, địa phương không vào cuộc quyết liệt, chưa tạo được những thay đổi mang tính đột phá, đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân, của thời cuộc.
 
Nếu như còn có những trường hợp như Nguyễn Cà Rê, Con Cưng thì không thể nói đến sự minh bạch, lành mạnh và càng không thể nói đến hai chữ “kiến tạo”.
 
Trần Quí Thanh
—–
Việc công khai yêu cầu rút kinh nghiệm vụ Con Cưng, vụ đổi 100 USD ở Cần Thơ trước Quốc hội, có lẽ chỉ là biểu hiện quyết liệt tiếp theo của người đứng đầu Chính phủ, với những gì ông từng cam kết về một Chính phủ kiến tạo, hành động, liêm chính.

“Chúng ta cần rút kinh nghiệm sâu sắc và không để tái diễn vụ việc Con Cưng hay gần đây là vụ phạt tiền 90 triệu đồng đối với hành vi đổi 100 USD không đúng quy định… Nhân đây, tôi đề nghị sửa lại nghị định 96/2014/NĐ-CP về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng”- phát biểu của Thủ tướng trong phiên chất vấn tại Quốc hội chiều qua (1.11).

Tháng 4.2016, chỉ ngay sau khi nhậm chức, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có hai quyết định quan trọng. Quyết định đầu tiên, là cuộc gặp gỡ, đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp.

Và quyết định thứ hai, được đưa ra vào ngày 21.4.2016: Yêu cầu dừng hình sự hóa vụ chủ quán cafe Xin Chào bị khởi tố. Sau này, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc đánh giá: Quyết định dừng hình sự hóa vụ Xin Chào đã phát đi thông điệp bảo vệ sự an toàn của môi trường kinh doanh, một thông điệp quan trọng về việc Chính phủ sẽ bảo vệ doanh nghiệp và người dân.

Ngày 16.5, tức là chưa đầy một tháng sau đó, nghị quyết 35 được ban hành với “linh hồn” và việc tháo gỡ, bãi bỏ các điều kiện kinh doanh bất hợp lý và không hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế.

Nhìn xuyên suốt các động thái, các hành động của Chính phủ suốt từ đầu nhiệm kỳ, có thể nói từ nghị quyết 35 cho đến những chỉ đạo xung quanh các vụ việc cụ thể gây bức xúc xã hội như vụ cafe Xin Chào, như vụ Con Cưng, hay vụ đổi 100 USD bị phạt 90 triệu, Chính phủ đang nhất quán và quyết đoán với mục tiêu kiến tạo mà chính Thủ tướng đã đề ra.

Một quyết định khám xét, tạm giữ và xử phạt nặng nề đối với một hành vi kinh doanh thông thường rõ ràng là bất cập ngay cả khi “đúng luật”.

Và những hành vi ấy phải được chấm dứt để tạo sự yên tâm, để tiếp tục thực hiện các cam kết về một môi trường kinh doanh lành mạnh, an toàn. Và những “quy định pháp luật” ấy cần phải được sửa đổi chứ không thể cứ quan liêu rằng “đúng luật”.

Hôm qua, Thủ tướng cũng thẳng thắn rằng: “Thực tế cùng một cơ chế, cùng một chính sách nhưng có địa phương, ngành làm tốt; ngược lại nơi khác có sự trì trệ, sai sót lớn là do điều hành gây ra”.

Đó là cách nhìn thẳng thắn, vào đúng nơi làm nảy sinh những bất cập. Nhưng đó cũng tạo dựng niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân đối với cam kết sẽ được bảo vệ.

 
NGUỒN: Theo Báo Lao động online
Link bài: Xin Chào, Con Cưng…
(https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/xin-chao-con-cung-100-usd-va-quyet-tam-cua-thu-tuong-639373.ldo)
Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *