10 sự kiện kinh tế – xã hội năm 2017

VnExpress
 
Cuối năm báo chí lại đua nhau tìm ra 10 sự kiện kinh tế – xã hội trong năm. Mỗi báo có cái nhìn khác nhau, trăm hoa đua nở vậy là rất hay. Tui lướt qua một loạt các báo đưa ra 10 sự kiện kinh tế – xã hội trong năm và thấy 10 sự kiện của VnEpress đưa ra là hay nhất, thực tế nhất và khách quan nhất. Việc đưa các sự kiện Bot, Đồng Tâm, Vỉa hè… vào 10 sự kiện quả là một bước đổi mới đáng khích lệ của VnExpress. Tuy nhiên tui thấy sự kiện cắt bỏ 700 giấy phép con Bộ công Thương không được đưa vào trong 10 sự kiện kinh tế – xã hội năm 2017 là rất đáng tiếc. Bởi vì đó là sự kiện nòng cốt giúp cho các doanh nghiệp tư nhân phát triển mạnh mẽ.
 
Trần Quí Thanh 
—–

10 sự kiện kinh tế – xã hội năm 2017

Lãnh đạo nhiều cường quốc hội tụ ở Đà Nẵng, GDP tăng trưởng vượt mục tiêu, hàng loạt cán bộ cấp cao bị xử lý trong chiến dịch chống tham nhũng của Đảng… phác họa một năm đầy biến động.

1. APEC 2017 quy tụ các cường quốc

Chủ tịch nước Trần Đại Quang gặp gỡ Tổng thống Mỹ Trump, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nga Putin. Ảnh: Minh Đông.

Sự kiện đối ngoại quan trọng nhất năm 2017 diễn ra đầu tháng 11 với 21 lãnh đạo nền kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương nhóm họp tại Tuần lễ cấp cao APEC Đà Nẵng. 

Hà Nội cũng lần đầu tiên đón hai cường quốc hàng đầu thế giới Trung Quốc và Mỹ tới thăm cấp nhà nước trong hai ngày liên tiếp. Các hợp tác song phương với Mỹ trị giá 12 tỷ USD và một loạt thỏa thuận, ghi nhớ trong nhiều lĩnh vực với Trung Quốc đã được ký kết.

Giữa bối cảnh Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nguy cơ chia rẽ, bảo hộ hiện hữu, Việt Nam và 10 thành viên APEC khác vẫn thông qua Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) nhằm thúc đẩy tự do thương mại. APEC Việt Nam còn trở thành nơi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lần đầu tiên đưa ra tầm nhìn chiến lược trong nhiệm kỳ của mình với khu vực và thế giới.

“Với APEC 2017, Việt Nam không chỉ tái khẳng định chính sách hội nhập quốc tế sâu rộng, mà còn làm nổi bật tầm nhìn chiến lược về một Châu Á – Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, năng động, tiếp tục là đầu tàu cho tăng trưởng và liên kết kinh tế khu vực cũng như toàn cầu”, tờ Independent của Anh bình luận.

2. Hàng loạt cán bộ cấp cao bị kỷ luật

Ông Đinh La Thăng. Ảnh: CTV.

Ngày 8/12, ông Đinh La Thăng – nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) bị bắt trong vụ án “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại PVN. Trước đó, ông bị Trung ương cách chức Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ TP HCM vì “mắc khuyết điểm nghiêm trọng” trong lãnh đạo, chỉ đạo, bổ nhiệm cán bộ…

Ông Thăng là cán bộ cấp cao nhất của Đảng bị cách chức kể từ sau đại hội XII, đại hội mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tái đắc cử và phát động chiến dịch chống tham nhũng mạnh mẽ trong nhiều thập kỷ qua. Ngoài ông Thăng, hàng chục cán bộ cấp cao khác cũng bị xử lý như nguyên Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh, nguyên Phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Võ Kim Cự… thậm chí người đã về hưu như cựu Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng, cựu Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Nguyễn Minh Quang… không nằm ngoài tầm truy xét.

Ban chỉ đạo Trung ương Phòng chống tham nhũng do Tổng bí thư làm trưởng ban trực tiếp theo dõi, chỉ đạo nhiều đại án kinh tế, tham nhũng. Hành động quyết liệt của người đứng đầu Đảng khơi lại niềm tin và sự kỳ vọng vào một bộ máy lãnh đạo đất nước ngày càng trong sạch.

3. Nam Trung Bộ hứng bão lớn chưa từng có trong 30 năm

Với sức gió 133 km/h, bão Damrey đổ vào Nam Trung Bộ và Tây Nguyên chỉ hai ngày trước khai mạc Tuần lễ cấp cao APEC. Người dân từ Phú Yên đến Khánh Hòa không kịp trở tay bởi chưa từng đối mặt với bão lớn trong 30 năm qua.

Hoàn lưu sau bão kết hợp không khí lạnh gây mưa đến 1.000 mm, nhấn chìm nhiều huyện, thị dưới nước lũ cao 2-4 m. Damrey trở thành cơn bão có sức tàn phá nặng nề nhất trong 16 cơn bão năm 2017. 107 người chết; 16 người mất tích; thiệt hại 22.600 tỷ đồng vượt tổng thu ngân sách 2016 của Khánh Hòa và Phú Yên, chiếm gần 40% thiệt hại do thiên tai cả nước năm nay. 

Chính phủ đã phát đi lời kêu gọi quốc tế hỗ trợ khắc phục hậu quả bão Damrey và lũ lụt miền Trung, nơi có hơn 9 triệu dân. Đáp lại lời kêu gọi, Nga, Mỹ, Trung Quốc… đã gửi các khoản viện trợ khẩn cấp trị giá nhiều triệu USD cùng hàng chục tấn hàng đến miền Trung.

Damrey đi qua để lại bài học đắt giá cho cả người dân và chính quyền về kỹ năng ứng phó thiên tai, nhất là khi hậu quả biến đổi khí hậu đã hiển hiện, bão lũ ngày càng cực đoan.

4. Người dân phản đối trạm thu phí BOT bất hợp lý

Câu chuyện gây nhức nhối cho cả người dân, chính quyền địa phương và cơ quan hoạch định chính sách bắt đầu bùng phát vào tháng 4. Tại trạm thu phí BOT Bến Thủy 1, người dân hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh đã dùng tiền lẻ trả phí gây ùn tắc giao thông nhiều ngày.

Sự phản kháng bằng tiền lẻ sau đó lan rộng đến Hưng Yên, Thái Nguyên, Đồng Nai, Khánh Hòa… và đỉnh điểm là cảnh hỗn loạn tại trạm Cai Lậy (Tiền Giang) vào tháng 11.

BOT – một chủ trương đúng đắn, giúp thay đổi diện mạo giao thông bỗng bị phản ứng gay gắt bởi vị trí đặt trạm thu phí. Nhiều trạm không chỉ “ép” dân trả tiền cho đoạn đường không sử dụng mà còn tước quyền đi trên quốc lộ – con đường dân vẫn nộp phí bảo trì hàng năm.

Trong khi chủ đầu tư cương quyết không lùi vì đã được cơ quan quản lý cấp phép cả về vị trí và mức phí, sự đấu tranh của người dân chỉ đạt được kết quả nhỏ lẻ như giảm phí, xả trạm nhất thời.

Còn cuộc đấu tranh ở Cai Lậy chưa ngã ngũ. Trạm dừng thu phí một đến hai tháng chờ quyết định cuối cùng của Thủ tướng. Cuộc đấu tranh khởi nguồn từ phản ứng của một số tài xế đường dài đặt ra đòi hỏi bức thiết về tính minh bạch của hệ thống.

5. Chiến dịch giành vỉa hè cho người đi bộ

Từ tuyên bố “Đưa Sài Gòn trở lại vị trí hòn ngọc Viễn Đông” của Bí thư thành ủy Đinh La Thăng, đầu năm 2017, Phó chủ tịch quận 1 Đoàn Ngọc Hải dẫn đầu đoàn liên ngành xuống đường lập lại trật tự đô thị với đầy đủ phương tiện hỗ trợ. Tất cả hạng mục lấn chiếm lối đi bộ đều bị đập phá hoặc xử phạt, thậm chí của cả cơ quan nhà nước.

“Chiến dịch giành lại vỉa hè” thành tâm điểm suốt 3 tháng mỗi khi có đoàn liên ngành xuống đường và lan rộng nhiều địa phương. Nhiều lãnh đạo tuyên bố sẽ xử lý người đứng đầu nếu không dẹp được vi phạm trật tự vỉa hè.

Trong chín tháng hành động quyết liệt gây nhiều xung đột giữa nhà chức trách và người dân chiếm giữ vỉa hè, hàng trăm tuyến đường của thành phố đã thông thoáng. Tuy vậy, Chủ tịch TP HCM Nguyễn Thành Phong cũng nhìn nhận “đẩy đuổi hàng rong là không nhân văn” bởi hàng thập niên qua, bao người đã sống nhờ vỉa hè, nuôi cả gia đình bằng những gánh hàng rong.

Lãnh đạo các địa bàn dừng xuống đường, vỉa hè nhiều nơi bị tái chiếm. “Cuộc chiến” đến nay chưa có hồi kết.

6. TP HCM có cơ chế đặc thù

Một góc TP HCM ngày nay. Ảnh: Như Quỳnh.

Nghị quyết về cơ chế đặc thù cho TP HCM được Quốc hội thông qua ngày 24/11 sau thời gian dài bàn cãi. TP HCM được trao quyền trong một số lĩnh vực như chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10 ha trở lên; tự quyết một số loại thuế, phí; tăng lương cán bộ gấp 1,8 lần quy định…

Mong muốn được trao quyền nhiều hơn để phát triển đã được các thế hệ lãnh đạo TP HCM ấp ủ từ 12 năm trước – khi hàng loạt bất cập bộc lộ song song với sự phát triển.

“Siêu đô thị” có lượng dân số chiếm hơn 9% nhưng đóng góp gần 22% GDP, 28% ngân sách cả nước. Tăng trưởng kinh tế trong 30 năm đổi mới bình quân 10,7% – gấp 1,6 lần cả nước.

Những năm gần đây, thành phố bắt đầu suy giảm, thậm chí tụt hậu trên một số lĩnh vực như: thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, xuất khẩu, tính hấp dẫn của môi trường cạnh tranh. Yếu kém về giao thông, ngập nước, chất lượng môi trường sống có xu hướng gia tăng. Thành phố cũng là điểm trũng của tội phạm, là nơi có nhiều người nghiện ma túy nhất nước.

Tân Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đánh giá Nghị quyết là “quyết sách quốc gia đột phá, đồng bộ, kịp thời”, còn Chủ tịch HĐND thành phố cho rằng có cơ chế, thành phố như có cờ trong tay để phát triển, song cũng đặt ra nhiều thách thức khi sự đồng bộ trong hệ thống luật pháp vẫn là bài toán nan giải.

7. GDP tăng cao nhất trong vòng 6 năm

Số liệu tới cuối tháng 12/2017 vừa được Tổng cục Thống kê công bố, GDP cả năm 2017 ước tính tăng 6,81% so với năm 2016. Trong đó quý I tăng 5,15%, quý II là 6,28%; quý III 7,46% và quý IV tăng 7,65%. Như vậy mức tăng trưởng năm nay vượt mục tiêu đề ra là 6,7% và cao hơn mức tăng trưởng của các năm từ 2011 đến 2016.

Khác với mọi năm, mức tăng GDP năm nay đã thoát khỏi nỗi ám ảnh phụ thuộc vào ngành khai khoáng, dầu thô, tín dụng. Thay vào đó, động lực tăng trưởng đến từ xuất khẩu khi lần đầu tiên đạt mức 213,77 tỷ USD, khu vực công nghiệp phục hồi rõ nét; số doanh nghiệp thành lập mới lập kỷ lục mới trên 120.000; thu hút vốn FDI đạt gần 36 tỷ USD trong đó giải ngân kỷ lục 17,5 tỷ USD, cao nhất 10 năm qua. Riêng lĩnh vực chứng khoán, dù chưa kết thúc năm, VN-Index đã tăng gần 300 điểm, tương đương hơn 40%, đưa Việt Nam trở thành một trong những thị trường chứng khoán có mức tăng lớn nhất thế giới. Tuy GDP năm 2017 đạt cao nhưng kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định.

Trước kết quả kinh tế khả quan của Việt Nam, đồng loạt các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam hay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ghi nhận và nâng dự báo tăng trưởng GDP lên mức 6,7%, cao hơn so với mức 6,3 – 6,5% mà các tổ chức này dự báo trước đó. Còn theo Bloomberg, Việt Nam sẽ tăng trưởng GDP nhanh nhất Đông Nam Á trong 2018 với mức 6,6%.

8. Khủng hoảng Đồng Tâm

Những cảnh sát cơ động cuối cùng trong số 38 người được thả sau một tuần bị nhốt giữ ở thôn Hoành. Ảnh: Bá Đô.

38 người thi hành công vụ bất ngờ bị nhốt giữ tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, ngoại thành Hà Nội trong một vụ tranh chấp với chính quyền liên quan đến đất đai.

Người dân cho rằng khu Miếu Môn là đất nông nghiệp cha ông để lại. Còn chính quyền khẳng định đó là đất quốc phòng và bắt bốn người dân ngăn cản thực thi công vụ. Trước đó, 14 cán bộ địa phương đã vướng lao lý vì “hợp thức hóa việc lấn chiếm đất trái phép”.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung hai lần về Mỹ Đức đối thoại, đưa ra các cam kết. Sau lời hứa làm rõ khu Miếu Môn là đất nông nghiệp hay đất quốc phòng, điều tra đúng sai việc bắt bốn người dân, toàn bộ 38 cán bộ, cảnh sát được thả – chấm dứt một tuần khủng hoảng biến Đồng Tâm thành điểm nóng của cả nước những ngày cuối tháng tư.

Sự việc chưa dừng lại khi 3 tháng sau Thanh tra Hà Nội kết luận khu Miếu Môn là đất quốc phòng, một số dân không đồng tình tiếp tục khiếu kiện. Công an Hà Nội khởi tố vụ án “bắt giữ 38 người thi hành công vụ”.

Không đơn thuần là vụ án hình sự, chuyện ở Đồng Tâm còn là dấu hiệu khủng hoảng niềm tin khi bức xúc của dân tích tụ lâu ngày và luật pháp bị thách thức. 

9. Tai biến y khoa hiếm gặp

Một bệnh nhân tai biến chạy thận ở Hòa Bình trong giờ phút nguy kịch, chị ra đi rạng sáng 4/6. Ảnh: Phạm Dự.

Ca chạy thận nhân tạo ngày 29/5 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình đã trở thành thảm họa khi 18 bệnh nhân bị sốc phản vệ. 8 người sau đó lần lượt tử vong. Tai biến được Bộ Y tế đánh giá là sự cố y khoa nghiêm trọng chưa từng có.

Nguyên nhân được nhà chức trách xác định do nguồn nước lọc thận không kiểm định đúng quy trình. Ba người bị bắt trong đó có một bác sĩ. Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình bị cách chức. Vụ án đang trong quá trình điều tra, chưa xét xử. Sau vụ tai biến, toàn bộ cơ sở y tế có dịch vụ chạy thận nhân tạo phải rà soát quy trình chạy thận.

Sáu tháng sau tai biến trên, tình trạng nhiễm khuẩn tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Bắc Ninh cũng lấy đi sinh mạng 4 em bé và làm gần 20 bé khác nguy kịch.

Những sự cố chưa từng có tiền lệ đặt ra câu hỏi bức thiết hơn bao giờ hết về vấn đề chống nhiễm khuẩn bệnh viện – vấn nạn không chỉ ở Việt Nam mà còn là thực trạng toàn cầu.

10. Khách quốc tế tăng kỷ lục

Tăng 30%, tương đương 13 triệu lượt khách nước ngoài trong năm 2017 – ngành du lịch Việt Nam không chỉ vượt kế hoạch, mà còn có bước nhảy vọt trên trường quốc tế. Tổng thu từ khách du lịch đạt 500.000 tỷ đồng (23 tỷ USD), đóng góp khoảng 7% vào GDP. Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) xếp Việt Nam vào vị trí 6/10 điểm đến phát triển nhanh nhất năm. Việt Nam cũng tăng 8 bậc (67/136) về năng lực cạnh tranh Lữ hành và Du lịch, theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới.

Kết quả này có được sau gần một năm Chính phủ ra nghị quyết đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; sau hai năm miễn thị thực cho công dân 5 nước và cấp thị thực điện tử từ đầu năm nay. Kỷ lục mới đồng thời đặt ra bài toán về hạ tầng, môi trường và bảo tồn văn hóa.

Xem việc “quảng bá, xúc tiến” là trọng tâm song song với “quản trị điểm đến, đảm bảo an ninh”, Tổng cục trưởng Du lịch Nguyễn Văn Tuấn kỳ vọng, Việt Nam sẽ thu hút 20 triệu lượt khách quốc tế, 82 triệu lượt khách nội địa vào năm 2020, đưa tổng thu đạt 35 tỷ USD, đóng góp trên 10% GDP. 

 

NguồnTheo Báo VnExpress

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *