Hoài Thu/ ZingNews
Thành công của chiến lược vaccine là yếu tố quyết định để Việt Nam kiểm soát dịch bệnh, mở cửa nền kinh tế, phát triển và hội nhập trong giai đoạn “bình thường mới”.
Kể từ mũi vaccine Covid-19 đầu tiên tiêm cho cán bộ y tế ở Hải Dương, đến nay, Việt Nam đã tiêm được hơn 200 triệu liều và nằm trong top quốc gia có tỷ lệ bao phủ vaccine cao.
Ngày 8/3/2021, mũi vaccine phòng Covid-19 tại Việt Nam được tiêm cho chị Phạm Thị Tuyết Nhung (40 tuổi, nhân viên y tế thuộc Trung tâm y tế Thành phố Hải Dương, thuộc tổ lấy mẫu Covid-19 tại cộng đồng).
Là nhân viên y tế, chị Nhung hiểu khi tiêm bất kỳ vaccine nào vào cơ thể cũng có thể có phản ứng xảy ra, nhưng chị khẳng định vaccine có vai trò quan trọng trong chống dịch nên sẵn sàng là người đầu tiên ở Việt Nam tiêm vaccine Covid-19.
Mũi tiêm đầu tiên ấy đã mở màn cho một chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử sau khi đại dịch Covid-19 hoành hành tại Việt Nam. Sau dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 năm 2021, cùng với làn sóng du lịch nội địa, đợt dịch Covid-19 thứ 4 nhanh chóng bùng phát ở Việt Nam. Lúc này, “lá chắn vaccine” càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Tại thời điểm đó, nguồn cung vaccine phòng Covid-19 trên toàn cầu còn rất hạn chế. Để có vaccine sớm nhất, tiêm diện rộng cho người dân, Việt Nam đã tích cực thúc đẩy đàm phán, trao đổi để nhập khẩu từ các nguồn khác nhau; đẩy mạnh công tác ngoại giao vaccine qua nhiều kênh.
Những con số biết nói
Nhớ lại ngày đầu tiên triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 tại Việt Nam, 377 cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19 và những nhân viên làm nhiệm vụ lấy mẫu xét nghiệm, truy vết thuộc các tổ Covid-19 cộng đồng, đã được ưu tiên tiêm trước.
Tiến độ tiêm chủng dần được đẩy mạnh khi vaccine về nhiều hơn và đến 10/7/2021, Việt Nam chính thức triển khai chiến dịch tiêm chủng trên phạm vi toàn quốc.
Chị Phạm Thị Tuyết Nhung (40 tuổi, nhân viên y tế thuộc Trung tâm y tế Thành phố Hải Dương, thuộc tổ lấy mẫu Covid-19 tại cộng đồng) là người tiêm mũi vaccine Covid-19 đầu tiên tại Việt Nam. Ảnh: Bộ Y tế. |
Đây là chiến dịch có quy mô lớn nhất trong lịch sử tiêm chủng tại nước ta, huy động tổng lực với hàng chục nghìn cơ sở y tế, hàng vạn cán bộ y tế và các lực lượng khác trong cả nước cùng tham gia.
Vào thời điểm đó, mục tiêu của Việt Nam là hết năm 2021 bao phủ vaccine trên 70% dân số trưởng thành. Nhưng kết quả đạt được đã vượt xa kỳ vọng khi có tới hơn 150 triệu liều vaccine được tiêm cho đến hết tháng 12/2021.
Kết quả đạt được đã vượt xa kỳ vọng khi có tới hơn 150 triệu liều vaccine được tiêm cho đến hết tháng 12/2021
Nhờ đó, đã có 100% người từ 18 tuổi trở lên tiêm ít nhất 1 liều vaccine và 90% người tiêm đủ 2 mũi. Tỷ lệ này cũng vượt mục tiêu mà Tổ chức Y tế Thế giới đề ra đến hết năm 2021 (79% dân số được tiêm 1 liều vaccine; 66% dân số tiêm đủ liều cơ bản).
Hơn một năm sau mũi tiêm vaccine Covid-19 đầu tiên, đến nay (tính đến 20/3), Việt Nam đã tiêm được 201.838.128 liều. Trong đó, 184.762.975 liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên; 17.065.263 liều tiêm cho trẻ 12-17 tuổi.
Tính theo tỷ lệ, 100% người từ 18 tuổi đã tiêm mũi 1; 99,1% đã tiêm mũi 2 và 43,5% đã tiêm mũi 3 (mũi nhắc lại). Trẻ 12-17 tuổi đã tiêm mũi 1 đạt tỷ lệ 99% và tiêm mũi 2 đạt tỷ lệ 94%.
Đến nay, tất cả tỉnh, thành phố đã có tỷ lệ tiêm vaccine 2 mũi đạt trên 90% với nhóm người từ 18 tuổi.
Riêng Hà Nội đã tiêm được hơn 17,8 triệu liều và 100% dân số từ 18 tuổi tại đây đã tiêm đủ 2 mũi; 73,4% đã tiêm mũi 3. Tỷ lệ này ở nhóm trẻ 12-17 tuổi là 100% với mũi 1 và 99,8% với mũi 2. Trong khi đó, TP.HCM cũng triển khai tiêm hơn 20,38 triệu liều.
Tính đến 21/3, Bộ Y tế đã tiếp nhận đủ số vaccine mua từ nguồn Ngân sách Nhà nước. Trong tổng số 227,8 triệu liều tiếp nhận, Bộ Y tế đã phân bổ 204,8 triệu liều và viện trợ cho Lào 500.000 liều vaccine AstraZeneca.
Với khoảng 22,5 triệu liều chưa phân bổ, phần lớn do mới được tiếp nhận, Việt Nam cần tiến hành các thủ tục để kiểm định chất lượng, xuất xưởng vaccine. Ngoài ra, một lượng vaccine Pfizer đang chờ được cung ứng nước muối sinh lý pha tiêm mới có thể phân bổ.
Vượt xa kỳ vọng
Đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 khiến Việt Nam đối mặt nhiều thách thức: Chống dịch trong bối cảnh bị quá tải cục bộ hệ thống y tế, khan hiếm vaccine và chưa có thuốc đặc trị. Tuy nhiên, theo lời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Việt Nam đã thực hiện thành công chiến lược vaccine “đi sau về trước” với đợt tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử.
Sau một năm triển khai, Việt Nam chính thức trở thành một trong sáu nước có tỷ lệ bao phủ vaccine cao nhất trên thế giới và đến nay vẫn tiếp tục nằm trong top những nước dẫn đầu về kết quả tiêm vaccine Covid-19.
“Chiến dịch tiêm vaccine đã thành công, đạt tỷ lệ rất cao so với thế giới” là điều được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhiều lần khẳng định. Riêng chiến dịch tiêm chủng thần tốc mùa xuân được phát động từ cuối tháng 1, Thủ tướng thông báo kết quả tiêm được hơn 14 triệu liều và đang tiến tới nghiên cứu việc tiêm mũi 4.Người dân chờ tiêm vaccine Covid-19 ở nhà thi đấu Phú Thọ khi TP.HCM phát động chiến dịch tiêm chủng lớn nhất hồi cuối tháng 6/2021. Ảnh: Quỳnh Danh.
Người dân chờ tiêm vaccine Covid-19 ở nhà thi đấu Phú Thọ khi TP.HCM phát động chiến dịch tiêm chủng lớn nhất hồi cuối tháng 6/2021. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Người đứng đầu Chính phủ đánh giá chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử của Việt Nam đã thu về những con số vượt mức đề ra, góp phần bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân và đưa đất nước dần trở lại cuộc sống bình thường mới.
Với quan điểm vaccine là “lá chắn” an toàn nhất trong phòng, chống dịch, Thủ tướng đốc thúc việc tiếp tục tiêm mũi tăng cường để giúp người dân an toàn hơn trong đại dịch.
Việt Nam chính thức trở thành một trong sáu nước có tỷ lệ bao phủ vaccine cao nhất trên thế giới.
Bà Rana Flowers, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam, cho biết UNICEF công nhận việc tiêm chủng kết hợp với thực hành phòng dịch đã chứng minh thành công trong việc giảm đáng kể số ca tử vong cũng như số ca bệnh nặng ở Việt Nam.
Trong khi đó, chỉ đạo “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” để tiêm vaccine Covid-19 mà Thủ tướng Phạm Minh Chính nhiều lần quán triệt là điều để lại ấn tượng đặc biệt cho ông Takeshi Kasai, Giám đốc khu vực Tây Thái Bình Dương của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Ghi nhận tỷ lệ tiêm chủng của Việt Nam rất cao, ông Takeshi Kasai ủng hộ tầm nhìn, quan điểm trong chương trình tổng thể phòng, chống dịch đang được Chính phủ xây dựng để có thể ứng phó linh hoạt với các biến chủng mới, trong đó nhấn mạnh vai trò của vaccine.
Ông Jacques Morisset, chuyên gia Kinh tế trưởng và Quản lý Chương trình kinh tế vĩ mô, thương mại và đầu tư của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho rằng Việt Nam đã và đang làm rất tốt với tỷ lệ tiêm vaccine tăng nhanh trong những tháng vừa qua. Thậm chí, có những giai đoạn Việt Nam đạt tốc độ tiêm vaccine lên tới hơn 1 triệu liều mỗi ngày – có thể coi là kỷ lục thế giới về tốc độ tiêm chủng.
Ở góc độ chuyên môn, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nêu thực tế biến thể Omicron có xu hướng gia tăng lây nhiễm nhanh trong thời gian gần đây, nhất là tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM. Biến thể phụ của chủng Omicron được phát hiện phổ biến lây lan nhanh hơn 1,5 lần biến thể gốc và có khả năng tránh tác động miễn dịch của các loại vaccine hiện tại khoảng 30%.Nhờ thành công của chiến lược vaccine, Việt Nam dần kiểm soát dịch bệnh, mở cửa nền kinh tế và đưa cuộc sống bước vào trạng thái “bình thường mới”.
Nhờ thành công của chiến lược vaccine, Việt Nam dần kiểm soát dịch bệnh, mở cửa nền kinh tế và đưa cuộc sống bước vào trạng thái “bình thường mới”. |
Song theo ông Long, vaccine hiện nay vẫn đặc biệt hiệu quả trong giảm mức độ nặng, ca tử vong và nhập viện, kể cả với biến chủng Omicron. Do tỷ lệ bao phủ vaccine cao trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt là đã có sự chăm sóc đối tượng nguy cơ cao nên tỷ lệ chết/mắc trên phạm vi toàn quốc giảm sâu. Vì vậy việc tiêm chủng phải tiếp tục được coi là ưu tiên hàng đầu.
Nhờ kết quả tích cực từ chiến dịch vaccine, Bộ Y tế có thể tiến hành từng bước, hướng tới điều trị người mắc Covid-19 như điều trị bệnh nhân thông thường.
Đồng thời, nhờ độ bao phủ vaccine cao, Việt Nam đã kịp thời chuyển phương châm chống dịch sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh; đi cùng đó là việc tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện khôi phục, phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.
Hay nói cách khác, thành công của chiến lược vaccine là yếu tố quyết định để Việt Nam kiểm soát dịch bệnh, mở cửa nền kinh tế, phát triển và hội nhập trong giai đoạn “bình thường mới”.