Trần Quí Thanh
—–
Một số bạn gửi thư hỏi tui làm cách nào để phục hồi doanh nghiệp sau đại dịch. Về nội dung này, tui có trao đổi ở một số bài viết trong quá trình xảy ra dịch COVID-19.
Đến nay, đã gần 40 ngày không có ca lây nhiễm dịch mới ngoài cộng đồng, thì có thể yên tâm để trở lại với “trạng thái bình thường mới”, một thuật ngữ chỉ cho hoạt động của xã hội sau đại dịch.
Tui quan sát, suy nghĩ 4 việc căn bản giúp doanh nghiệp trở lại trạng thái bình thường mới, xin được chia sẻ với các bạn như sau:
Sắp xếp lại bộ máy nhân sự của doanh nghiệp: Tối ưu hóa về nguồn nhân lực là việc đầu tiên, quan trọng nhất. Đặt người đúng chỗ, đúng việc. Không để những nhân sự dư thừa, không làm được việc, thậm chí cản trở người khác, ảnh hưởng đến việc chung.
Công nghệ hóa tối đa các hoạt động của doanh nghiệp: Ai cũng biết, cũng nói đến công nghệ, nhưng khai thác công nghệ để đưa vào hoạt động của doanh nghiệp. Tùy theo mô hình sản xuất kinh doanh, dịch vụ của từng đơn vị để áp dụng. Ví dụ nhiều công ty không còn thuê văn phòng là những căn nhà to lớn, hay nhiều gian phòng của một building, mà bỏ hẳn, hoặc cắt giảm bớt chỉ còn một phòng nhỏ. Nhân viên làm việc tại nhà, kiểm soát qua các ứng dụng công nghệ. Cách làm này tiết kiệm được rất nhiều chi phí thường xuyên và cũng là cơ hội để cắt giảm được nhân sự, nâng cao hiệu quả quản lý.
Đưa ra các chương trình khuyến mãi kịp thời, phù hợp để lôi kéo khách hàng sớm quay trở lại với các sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp. Sẽ có bạn hỏi tui lấy nguồn ở đâu ra để thực hiện các chương trình khuyến mãi, câu trả lời là hãy thực hiện thật tốt hai điều vừa nêu trên. Cũng xin nói thêm vào thời điểm quan trọng để phục hồi, thì không nên đặt nặng vào lợi nhuận, mà tập trung vào tăng lượng hàng hóa tiêu thụ, thu hút khách hàng trở lại với thói quen tiêu xài, mua sắm, thụ hưởng các dịch vụ. Hiện nay, hầu hết các khách sạn, công ty du lịch lữ hành hạ giá tour rất thấp là vì mục đích này.
Cuối cùng là khai thác thị trường mới, tìm kiếm đối tác mới: Cuộc thương chiến Mỹ – Trung vẫn tiếp tục diễn ra, và đã có làm sóng chuyển dịch doanh nghiệp Mỹ từ Trung Quốc sang các nước Ấn Độ, Malaysia Indonesia và Việt Nam. Đây là cơ hội rất lớn để các doanh nghiệp tìm kiếm đối tác phục vụ cho cả hai việc từ mua bán nguồn nguyên liệu cho đến hàng hóa thành phẩm. Việc khai thác thị trường mới không chỉ ở các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa, mà còn đối với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ.
Trần Quí Thanh