Con người ta luôn bị ràng buộc bởi mọi thứ khế ước, dẫu nhiều lúc biết nó vô hiệu. Nhưng có khế ước nào về lòng trắc ẩn không, với đứa bé lớp 1 không có tiền ăn bán trú phải đứng treo chân giữa nắng nóng trước cổng trường như ở Hải Phòng? Đứa bé nghèo ấy đứng ngoài bản khế ước về bữa ăn/giấc ngủ trưa giữa mẹ nó với nhà trường. Nhưng còn những người lớn liên quan, họ có nhìn thấy không? Cảnh tượng mà chắc chắn không phải là đơn lẻ và chỉ đến bây giờ mới trông thấy.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh vừa kiêm nhận luôn chức danh Hiệu trưởng trường đại học của tỉnh. Một thứ khế ước rất “lạ”, ra ngoài quy chuẩn lẫn sự mường tượng của số đông. Có thể nhằm “bảo hiểm” cho sự ổn định và phát triển của một đại học còn non trẻ thuộc tỉnh. Nhưng liệu khế ước “lạ” ấy có giúp xây dựng thành công một môi trường đào tạo, nghiên cứu khoa học thực sự đẳng cấp, hay chỉ nhằm giải quyết cơ sở vật chất, kinh phí, biên chế cùng những chính sách mang tính “đặc thù” trong một thời đoạn ngắn ngủi. Chưa kể việc dân bầu ông lên để gánh trọng trách phát triển kinh tế xã hội của cả một tỉnh, nay lại chia sẻ thời gian công sức cho một đơn vị sự nghiệp công lập cấp dưới, bên nặng bên nhẹ thế nào? Thanh tra kiểm tra, thưởng phạt nhau ra sao?

Cuộc đời thiên tài ngắn ngủi của văn hào Franz Kafka chỉ có 41 năm trên đời thì đã dành hầu hết thời gian cho nghề bán bảo hiểm. Cho một công ty bảo hiểm tai nạn lao động ở thủ đô Prague, dù ông có bằng tiến sĩ Luật. Kafka có truyện “Trước cửa pháp luật”, kể một anh từ quê lên nhẫn nại ngồi suốt cuộc đời chờ được vào bên trong cánh cửa Pháp luật. Trước lúc chết, lời nói sau cùng mà ông lão ấy nghe được từ gã gác cổng, đó là “cánh cửa này được làm ra chỉ để dành cho mày. Bây giờ tao sẽ đóng lại”. Đó là câu chuyện cuộc đời và tác phẩm của ông tổ văn chương phi lý. 

Tôi vừa nghe một người đặt vấn đề khá thú vị, rằng lâu nay vẫn nói quyền và nghĩa vụ đi đôi với nhau. Đương nhiên, đâu cũng vậy. Nhưng tại sao nói “quyền con người”, còn khi đề cập nghĩa vụ thì lại là “nghĩa vụ công dân”? Mà không phải “nghĩa vụ con người”?

Tất nhiên không khó để trả lời thắc mắc ấy. Rằng công dân là con người được đặt dưới lăng kính pháp luật, có quyền và nghĩa vụ tuân thủ các quy định pháp luật của một quốc gia.

Thế nhưng, vẫn phải hỏi, như trường hợp cháu bé phơi nắng trước cổng trường ở Hải Phòng, thì ngoài pháp luật hay bản giao kèo cụ thể về ăn nghỉ bán trú, thì “nghĩa vụ con người” trong trường hợp này là đâu? Có ai thấy không?!

Quốc hội hôm qua có đại biểu đề xuất ra luật “bảo vệ người tốt”. Nghe ra khá ngậm ngùi. Bởi với toàn bộ hệ thống luật pháp của ta hiện nay, nếu thực hiện một cách nghiêm túc, bài bản, thì đã thừa sức bảo vệ những gì tốt đẹp nhất của con người.

Nhưng đời thực lại thường tồn tại những phi lý…