5 nguyên tắc ngầm đánh giá nhân viên mà sếp không bao giờ nói với bạn

Anh Vũ – Hà Mi, theo Heolino/ Báo Kênh 14

Công sở cũng khốc liệt như chiến trường vậy. Chỉ có những cá nhân hiểu rõ các nguyên tắc công việc này mới có thể tiếp tục bước tiếp trên nấc thang sự nghiệp của họ.

Trong 3 năm gần đây, khi tôi bắt đầu bước chân lên một nấc thang mới trong sự nghiệp: quản lý một dự án với một nhóm nhỏ nhân viên, tôi nhận ra có những nguyên tắc mà sếp sẽ không nói với bạn, hay như đó là một sự thỏa thuận ngầm với nhau để sếp sàng lọc ra những nhân viên thực sự có tố chất phát triển tiếp. Nếu bạn đang là một nhân viên, hãy nhận ra những điểm này sớm hơn để có thể cải thiện chính bản thân bạn tốt hơn.

1. Sợi chỉ niềm tin

Luôn luôn sẽ có một sợi chỉ vô hình mang tên: “Niềm tin” giữa bạn và sếp. Niềm tin là cách sếp của bạn cảm nhận và tin tưởng bạn bất cứ một điều gì trong công việc.

“Tháng vừa rồi bạn có đi muộn lần nào không?”. Thực tế đi làm đúng giờ lại là nguyên tắc cơ bản đầu tiên để có được lòng tin của cấp trên (và cả sự tôn trọng của đồng nghiệp dành cho bạn). Nếu một công việc đơn giản như vậy mà bạn còn chưa nghiêm túc thực hiện được thì liệu sếp của bạn có tin tưởng để giao cho bạn những việc lớn hơn không?

Sợi chỉ này còn rất mong manh qua những lần bạn cam kết công việc với sếp và không thể nộp lại đúng hạn, hay những thiếu sót bạn mắc phải trong quá trình làm việc. Nếu sợi chỉ này bị đứt, bạn phải mất rất nhiều thời gian sau đó để chứng minh – nối lại niềm tin với cấp trên. Do đó, nguyên tắc đầu tiên là hãy đảm bảo bản thân bạn đang làm tròn trách nhiệm và nghĩa vụ với công việc và công ty của bạn.

2. Đừng quăng khỉ sang vai sếp

Khi đi làm, bạn sẽ bắt đầu gặp những thử thách lớn dần trong công việc. Đừng phàn nàn với sếp về việc bạn không biết giải quyết vấn đề này thế nào, hay bạn chỉ đang đơn giản nghĩ rằng sếp sẽ luôn có cách vì họ có quyền quyết định mọi thứ? Nếu vậy thì bạn đang nhầm to và bạn đang quăng “con khỉ” của mình sang vai sếp, trong khi lẽ ra đó là trách nhiệm của bạn.

Hãy tập cho mình thói quen trước khi đến với sếp, bạn đã chuẩn bị ít nhất ba phương án giải quyết vấn đề đó, và chọn ra một hướng giải quyết rằng bạn nghĩ là hợp lí nhất. Trong đa số thực tế, sếp rất cần kiến thức và sự hiểu biết của các nhân viên tiền tuyến hoặc các nhân viên đang trực tiếp phải nhúng tay vào xử lý vấn đề. Sau đó, họ sẽ ra quyết định dựa trên các dữ kiện bạn cung cấp, để tìm ra giải pháp tốt nhất dựa trên góc nhìn và kinh nghiệm của họ.

Với nguyên tắc này, bạn đang không chỉ giúp sếp mình tiết kiệm thêm thời gian mà bạn còn đang tập cho chính mình tư duy để giải quyết công việc độc lập.

3. Tự trau dồi bản thân mỗi tuần

Trong một tuần làm việc, bạn sẽ có quá nhiều thứ phải làm và guồng quay công việc cứ lặp đi lặp lại ngày này qua ngày khác. Hãy dành ra thời gian một/hai ngày ở lại công ty sau giờ làm hoặc ngày cuối tuần của bạn để rèn luyện kĩ năng mới hoặc nhìn lại các công việc bạn đang làm.

Rèn luyện kĩ năng mới bao gồm cả các kĩ năng mềm hoặc các kiến thức chuyên sâu giúp bạn nâng cao chuyên môn của mình hơn. Bạn có thể bắt đầu bằng việc đọc sách liên quan đến lĩnh vực của mình, hay xem các video, khóa đào tạo, các diễn đàn chia sẻ kiến thức… có rất nhiều cách trong thời đại 4.0 hiện nay để bạn cải thiện bản thân.

Hoặc ngay cả chính bản thân mình hiện tại, cứ hai tuần một lần, mình sẽ dành ra nửa ngày để xem xét lại các công việc đang làm hiện tại. Có những gì có thể cải thiện hoặc thay đổi để tốt hơn không? Việc làm này còn có ích cho công ty của bạn không? Bỏ nó đi liệu có giúp bạn tập trung đúng vào những việc cần làm cho mục tiêu của công ty không? Hãy tập đặt ra cho mình những câu hỏi trước giờ bạn chưa bao giờ từng nghĩ đến.

Sếp có thể giúp bạn định hướng phát triển sự nghiệp ở công ty nhưng bạn mới là người quyết định bản thân và sự nghiệp của bạn phát triển như thế nào. Hãy ghi nhớ nguyên tắc này và dành thời gian ra trau dồi nó. Học là việc cả đời mà!

4. Sẵn sàng đón nhận thử thách mới

Đi làm cũng như đi học vậy. Sau một khoảng thời gian nhất định, bạn sẽ được sếp giao những trọng trách lớn hơn như là dự án mới, công việc mới hay những buổi chia sẻ kiến thức với đồng nghiệp. Đối với những nhân viên có tầm nhìn ngắn hạn, họ thường có xu hướng né tránh hoặc xem nhẹ việc này. Trên thực tế trong mắt sếp, đây là những bài kiểm tra để đo đạc trình độ kĩ năng, cũng như mức độ trưởng thành của bạn trong công việc.

 

Đương nhiên, ban đầu bạn sẽ có thể có tâm lí lo sợ hoặc cảm thấy rất áp lực đối với những điều mà mình chưa từng làm bao giờ. Tuy nhiên, hãy bình tĩnh xem xét mục tiêu của vấn đề bạn đang được giao là gì? Bạn có thể xử lý nó như thế nào, bao gồm cả việc bạn có thể nhờ sự trợ giúp tư vấn từ mạng lưới bạn bè, đồng nghiệp của mình. Vì tin tôi đi, chắc chắn sếp của bạn có những lí do và góc nhìn của mình để giao cho bạn thử thách này; chứ thực sự chả đời nào, một người sếp đi giao cho nhân viên một công việc họ không thể làm, như thế chỉ tốn thời gian của cả đôi bên.

Mấu chốt của nguyên tắc này là nếu bạn vượt qua được, bạn sẽ ghi một số điểm cực bự trong mắt sếp và sự nghiệp của bạn sẽ được thăng tiến lên những nấc thang mới.

5. Không ai là không thể thay thế

Sau nhiềm năm đi làm, đây là nguyên tắc cuối cùng mà tôi nghĩ nên chia sẻ cho các bạn. Ngay cả khi bạn có là công thần của công ty từ những ngày đầu thành lập hay bạn tự tin rằng vị trí của mình là rất an toàn, quan trọng với công ty, vậy thì tôi xin kéo bạn trở lại với mặt đất bằng một câu nói cay đắng: “Hãy tỉnh lại đi! Không ai là không thể thay thế”.

Trong xã hội ngày nay, người giỏi thực sự nhiều! Do đó, hãy đừng bẫy bản thân bạn trong giấc ngủ của kẻ chiến thắng, để rồi lơ đễnh đi bao công sức, tâm huyết bạn đã bỏ ra bấy lâu nay cho sự nghiệp của bạn trong công ty. Tôi đã từng chứng kiến rất nhiều nhân viên làm lâu năm cảm thấy bất mãn với công ty khi họ cảm thấy bị đối xử không công bằng vì cảm thấy người mới vào thì lại có mức lương cao hơn họ. Trong khi đó, họ lại không thực sự nhìn lại bản thân mình có tiến bộ gì hơn trong những năm vừa qua hay không? Hay họ chỉ đang làm đi làm lại môt công việc qua từng năm, và cảm thấy thỏa mãn với chính mình.

 

Và nếu điều này có thực sự xảy ra với bạn, hãy đón nhận nó với một tâm lý tích cực: Liệu bạn còn những điều gì để hoàn thiện bản thân mình hơn không? Hãy trao đổi thẳng thắn với sếp của bạn để nhận ra những vấn đề còn thiếu sót của bản thân. Đây là cơ hội để bạn sửa sai và cải thiện hơn trước khi bước qua một trang sự nghiệp mới.

Lời cuối cùng, tôi đã từng chứng kiến rất nhiều câu chuyện về việc nhân viên than vãn hay trách sếp của tôi rằng: “Sao anh không chỉ cho em sớm hơn?”. Nhưng thực tế ở địa vị của cấp trên, sếp sẽ có những nguyên tắc và những luật ngầm không thể nói ra trực tiếp với bạn được. Công sở cũng khốc liệt như chiến trường vậy. Chỉ có những cá nhân hiểu rõ các nguyên tắc công việc này mới có thể tiếp tục bước tiếp trên nấc thang sự nghiệp của họ.

 

NGUỒN:  Theo Báo Kênh 14

Link  bài:  5 nguyên tắc ngầm…

(http://kenh14.vn/5-nguyen-tac-ngam-danh-gia-nhan-vien-ma-sep-khong-bao-gio-noi-voi-ban-20190805002204.chn)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *