7 điều đặc biệt về cố thủ tướng Phan Văn Khải

Phương Anh/ Báo Cafef.vn
 

Những người làm doanh nghiệp, sản xuất kinh doanh thấy rõ nhất hiệu quả của những chính sách do Chính phủ tạo ra và ngược lại, bởi vì doanh nghiệp là đối tượng tiếp nhận, thụ hưởng chính sách. Một chính sách đúng đắn, doanh nghiệp được giải phóng mọi nguồn lực để phát triển, một chính sách sai lầm, doanh nghiệp bị mất sức, không còn khả năng tích luỹ. Và trong hai nhiệm kỳ làm Thủ tướng (1997-2007) , ông Phan Văn Khải đã thiết kế nhiều chính sách có tính căn bản để xây dụng một nền kinh tế thị trường, trong đó xem vai trò quan trọng của  doanh nghiệp tư nhân. Cụ thể là Luật Doanh nghiệp năm 1999, đã thực sự giải phóng sức dân, đặc biệt quan trọng là trả lại quyền tự do kinh doanh cho doanh nghiệp. Ngoài ra, còn sửa đổi Luật đầu tư nước ngoài, đó là đợt dẹp bỏ những rào cản, lành mạnh hoá môi trường đầu tư để thu hút. đầu tư nước ngoài.

Với tui, đây là những di sản của một nhà kỹ trị.

 
Trần Quí Thanh
 
—–
 

Ông Phan Văn Khải sinh ngày 25/12/1933, quê Củ Chi,

Ông là Thủ tướng thứ 5 nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam,

nhiệm kỳ: 25/9/1997 – 27/6/2006

Ông Phan Văn Khải là người được đào tạo bài bản tại trường Đại học  Kinh tế Quốc dân Plekhanov của Liên Xô. Sau tốt nghiệp, ông về làm tại Vụ Tổng hợp Kinh tế quốc dân (thuộc Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, nay là Bộ Kế hoạch và Đầu tư) giữ chức Trưởng phòng đến năm 1971. 

Từ năm 1972 đến năm 1975, ông Khải là cán bộ nghiên cứu kinh tế miền Nam, đi chiến trường B2, Vụ phó Uỷ ban Thống nhất Chính phủ.

Sau khi Việt Nam thống nhất, ông chuyển công tác về miền Nam, làm Phó Chủ nhiệm, Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, Thành ủy viên (1979), Thường vụ Thành ủy TP.HCM đến năm 1984.

Năm 1985 đến tháng 3/1989, ông được bầu làm Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM, Ủy viên Trung ương Đảng khóa VI (1986) trong những năm đầu thời kỳ đổi mới.

Tháng 4/1989, ông chuyển ra Hà Nội tham gia Chính phủ, làm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước thay ông Đậu Ngọc Xuân. Ông được giao trách nhiệm đứng đầu nhóm soạn thảo Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế – xã hội đến năm 2000.

 

Cuối năm 1991, ông được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ. Tháng 9/1997, ông là Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị khóa VIII, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Trả lời trên báo chí, TS. Lê Đăng Doanh cho biết khi ông Khải đảm nhiệm vị trí người đứng đầu Chính phủ, nhiều thử thách đã đặt ra cho ông. Tháng 9/1997, khủng hoảng tài chính châu Á lan rộng khiến nhiều nước trong khu vực tổn thất nặng nề. Chính phủ của ông Khải lúc đó đã có công chèo chống và đưa ra các giải pháp xử lý khủng hoảng khiến nó không lan rộng như khống chế lạm phát, chính sách tài khoá, tín dụng rất hợp lý.

Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch SSI đánh giá ông Phan Văn Khải là vị Thủ tướng kỹ trị, luôn xác định xây dựng hệ thống pháp luật để nền kinh tế phát triển theo thị trường. Trong hai nhiệm kỳ của Thủ tướng Khải, Luật doanh nghiệp đã ra đời năm 1999, sau đó sửa đổi năm 2005, thị trường chứng khoán ra đời năm 2000 là những minh chứng cho quan điểm nhất quán và tầm nhìn của ông.

 

Hai nhiệm kỳ của Thủ tướng Phan Văn Khải, kéo dài từ ngày 25/9/1997 – 27/6/2006 được xem là thời kỳ tăng trưởng tốt nhất của đất nước. Theo đó, nền kinh tế vừa giữ được tốc độ tăng trưởng cao, vừa đảm bảo được ổn định vĩ mô, vừa có được nhiều nhân tố mới cho tăng trưởng. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định đây là việc không phải Thủ tướng nào cũng làm được. Trong 9 năm, bình quân tốc độ tăng trưởng của Việt Nam là 7% và ổn định liên tục.

Điều đáng ghi nhận là Thủ tướng Khải bắt đầu nhiệm kỳ điều hành đất nước cùng thời điểm với cuộc khủng hoảng tài chính châu Á. Trước những bất ổn của thế giới, Thủ tướng đã làm tốt vai trò của mình, giữ được ổn định vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, bội chi ngân sách thấp và tỷ lệ nợ công luôn dưới ngưỡng 50%.

 

Buổi gặp hôm ấy theo trí nhớ của bà Phạm Chi Lan rất đặc biệt. Thủ tướng Khải ngồi giữa gian phòng nhỏ, tồi tàn, xung quanh là những người trẻ vô danh mới bắt đầu khởi sự. Đó là ông Vũ “Trung Nguyên”, ông Thắng “Đồng Tâm”, ông Nguyên “Kinh Đô”, ông Gia Thọ “Bút bi Thiên Long”… Giữa người đứng đầu Chính phủ và những người trẻ đó không có chút gì khoảng cách, họ nói chuyện rất tự nhiên về việc kinh doanh, cái gì cần, cái gì thiếu. Bà Lan cho biết cuộc gặp đơn giản không có báo chí, chỉ có bà khi đó còn làm ở VCCI và bà Kim Hạnh ở Ban tổ chức hội chợ tháp tùng Thủ tướng.

Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải là người rất quan tâm đến hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp. Từ khi mới nhậm chức, ông đã nói với Ban tư vấn Thủ tướng có ba nhóm đối tượng mà ông cần gặp, trong đó có doanh nghiệp.

Để rồi ngay sau đó, cuộc đối thoại giữa Thủ tướng và doanh nghiệp (có sự tham dự của một số Bộ ngành) đã diễn ra tại số 11 Lê Hồng Phong, Hà Nội. Đây là cuộc đối thoại đầu tiên, về sau được tổ chức thường niên. Nhiều doanh nghiệp hôm đó đã vừa nói vừa bật khóc trước mặt Thủ tướng vì những bức xúc, khổ sở khi kinh doanh. Thủ tướng đã lắng nghe chân thành và ngay lập tức có những xử lý kịp thời, giúp doanh nghiệp được cởi trói.

“Tôi còn nhớ mãi hình ảnh của Thủ tướng Khải khi ông đến dự Lễ khai mạc Hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao, trong năm đầu khởi xướng. Là lãnh đạo cao cấp nhất hiện diện tại buổi lễ, nhưng ông đến thăm hội chợ không phải như tác phong của nhiều quan chức. Không phải là đọc một bài diễn văn thật hay, hoan hô cho đủ thủ tục rồi ra về. Sau lễ khai mạc rất ngắn, ông Khải đi thăm các gian hàng, quan sát kỹ các sản phẩm, hỏi han các doanh nghiệp, rồi ông kéo các doanh nhân vào một gian phòng ở triển lãm Giảng Võ. Gian phòng cũ, nhỏ, bàn ghế tồi tàn lắm” – Chuyên gia Phạm Chi Lan.

 

Ông Phạm Sanh Châu đã có những chia sẻ với báo giới về những kỷ niệm của ông khi còn là phiên dịch cho ông Phan Văn Khải từ khi ông Khải còn là Phó Thủ tướng đến lúc trở thành Thủ tướng. Một trong những ký ức sâu sắc nhất của ông Châu là ngày 12/9/1999 khi tháp tùng ông Khải tham dự Tuần lễ cấp cao APEC.

Theo trí nhớ của ông Châu, Thủ tướng Khải lúc bấy giờ không vui. Ông Châu kể lại rằng trong lãnh đạo vẫn chưa thống nhất về việc ký Hiệp định Thương mại Việt – Mỹ (BTA). Lúc này văn kiện đã đàm phán xong và chỉ chờ chỉ thị của Bộ Chính trị để ký nhân dịp hai nhà lãnh đạo Việt Nam – Hoa Kỳ gặp nhau lần đầu tiên trong lịch sử tại Hội nghị Các nhà Lãnh đạo các nền kinh tế APEC, tổ chức tại Auckland, NewZealand.

Khi hỏi Thủ tướng, ông Châu được biết Thủ tướng đã gặp các thành viên chủ chốt của Bộ Chính trị để thuyết phục và giờ ông chỉ trông chờ vào sự phù hộ của Bác Hồ. Đây là lần đầu tiên ông Châu thấy Thủ tướng Khải “tâm linh”.

Khi chuyên cơ đến Auckland, đoàn nhận được chỉ đạo từ Việt Nam cần thương lượng lại một số điểm. Như vậy lễ ký Hiệp định BTA sẽ không diễn ra và hai lãnh đạo sẽ không gặp chính thức như dự kiến. Dù vậy, Thủ tướng Khải không nản lòng mà tận dụng cơ hội ngồi cạnh Tổng thống Mỹ Bill Clinton trong Dạ tiệc chiêu đãi để thúc đẩy quan hệ hai nước.

Theo nhà ngoại giao Phạm Sanh Châu, chính sự chân thành và thân thiện của Thủ tướng Khải đã khiến Tổng thống Clinton mở lòng và chia sẻ bức thư người bạn rất thân của ông gửi 2 tuần trước khi chết tại chiến trường Việt Nam năm 1968. Sự ấm áp của Thủ tướng Khải đã khiến Tổng thống Clinton sống lại cảm xúc 30 năm trước trong nước mắt.

“Tôi thật bất ngờ vì lần đầu tiên thấy được giọt nước mắt của một vị Tổng thống Hoa Kỳ”, ông Châu nói trên báo chí.

Cuộc tiếp xúc đó cũng tạo cơ hội cho Thủ tướng Khải mời Tổng thống Clinton sang thăm Việt Nam. Ông Clinton đã nhận lời mời và 1 năm sau, ngày 13/11/2000, một sự kiện lịch sử đã diễn ra khi người đứng đầu Hợp chúng quốc Hoa Kỳ chính thức sang thăm nước Việt Nam thống nhất.

Đến ngày 14/7/2000, Hiệp định BTA được ký kết, giúp Việt Nam không chỉ bình thường hoá quan hệ với Mỹ trên phương diện ngoại giao mà còn cả thương mại. Hiệp định này về sau còn là cơ sở giúp Việt Nam tăng tốc đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO.

Năm 2005, nhân kỷ niệm 10 năm bình thường hoá quan hệ, Thủ tướng Phan Văn Khải đã thăm chính thức Hoa Kỳ. Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của người đứng đầu Chính phủ nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam sau 30 năm chiến tranh.

Trả lời trên tờ tờ Washington Post ngày 16/6 trước khi lên đường sang Mỹ, Thủ tướng Khải bày tỏ 5 đề nghị cụ thể với Tổng thống George W.Bush.

“Thứ nhất là đặt ra khuôn khổ cho mối quan hệ lâu dài trong thế kỷ 21. Thứ hai, tôi mong muốn Tổng thống Bush tuyên bố ủng hộ Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Thứ ba là thiết lập quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn (điều kiện tiên quyết để gia nhập WTO). Thứ tư là công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường với việc dỡ bỏ đạo luật bổ sung Jackson-Vanick (bác bỏ quy chế tối huệ quốc với những nước không cho phép di cư tự do). Thứ năm là giải quyết những vấn đề còn tồn tại từ chiến tranh. Chúng tôi muốn Mỹ có những hình thức trợ giúp thích hợp để xóa bom mìn và giúp các nạn nhân chất 
độc da cam. Đó là những vấn đề nhân đạo với Việt Nam”, ông Khải cho biết.

Trong cuộc hội đàm với Tổng thống Mỹ George W.Bush tại Nhà Trắng, hai nhà lãnh đạo đã vượt qua những trở ngại về khác biệt văn hoá, vấn đề hậu quả chiến tranh cũng như cách tiếp cận một số vấn đề nhạy cảm.

Thượng Nghị sỹ John McCain nhận xét: “Sự hiện diện của ngài Thủ tướng tại Washington chứng tỏ những nước từng ở hai chiến tuyến cũng có thể trở thành đối tác, bạn bè”.Thủ tướng Phan Văn Khải chuyến đi đó đã gửi thông điệp quan trọng đến Chính phủ Mỹ và cộng đồng người Việt đang sinh sống ở đây là: Quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ đang không ngừng phát triển theo tinh thần hướng về tương lai.

Về chuyến đi của Thủ tướng năm 2005, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết kết quả có thể thấy được là vào tháng 3/2006, Hoa Kỳ đã ký hiệp định ủng hộ Việt Nam gia nhập vào Tổ chức Thương mại Thế giới – WTO. Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng đã thúc đẩy, khiến cho nhiều công ty lớn của Hoa Kỳ quan tâm, sẵn lòng đầu tư vào Việt Nam mà trong đó phải kể đến Tập đoàn Intel.

Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá 11, khi trả lời chất vấn Quốc hội lần cuối, Thủ tướng Phan Văn Khải đã nhìn nhận lại về các vụ việc tham nhũng tiêu cực trong các năm. Thủ tướng cho rằng người đứng đầu các cơ quan chưa làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra. Chính phủ, các Bộ ngành nặng về kiểm tra thực thi pháp luật của dân chứ chưa tập trung thanh tra công vụ cán bộ, việc thưởng phạt thiếu nghiêm minh. Thực tế, trong năm 2005, khi tiến hành 17.000 cuộc thanh tra đã phát hiện sai phạm 8.700 tỷ đồng, kiến nghị xử lý hơn 1.000 cán bộ.
“Tôi hết sức day dứt trước tệ quan liêu, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực, đục khoét của công. Về những vụ đục khoét của công đã phát hiện thời gian gần đây, cùng với trách nhiệm trực tiếp của chủ đầu tư, còn có khuyết điểm và trách nhiệm của Chính phủ và của cá nhân tôi là người đứng đầu. Với chức trách được giao mà không ngăn chặn, phát hiện sớm những vụ nghiêm trọng, kéo dài, tôi xin nhận lỗi, nhận trách nhiệm trước nhân dân, trước Đảng và Quốc hội”.

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá 11 cũng chính là lần cuối cùng ông Phan Văn Khải xuất hiện với tư cách là người đứng đầu Chính phủ. Lời phát biểu của ông dài 40 phút điểm lại 15 năm tham gia điều hành Chính phủ, trong đó, 6 năm làm Phó Thủ tướng và 9 năm là Thủ tướng.Trong bài phát biểu, ông Khải đã chỉ ra con người là yếu tố quan trọng để phát triển đất nước. Ông nhấn mạnh: “Cần chú trọng bồi dưỡng và phát huy nhân tố con người cả về thể chất, trí tuệ, tâm hồn, tạo điều kiện cho con người vươn lên phát huy tiềm lực to lớn, đó là nguồn lực không bao giờ cạn của đất nước”.

Ông cho rằng công tác cán bộ chậm đổi mới là nguyên nhân của mọi nguyên nhân trong công tác lãnh đạo dù đất nước không thiếu người tài năng, tâm huyết. Thủ tướng Khải cũng thẳng thắn nhận trách nhiệm và xin lỗi nhân dân vì những tồn tại, khuyết điểm mà trong những năm nắm quyền ông không thể giải quyết hết.

Thủ tướng Khải bày tỏ: “Tôi mong đồng chí kế nhiệm sẽ rút ra được bài học từ những cái được và những cái yếu kém của tôi. Tôi cũng xin phép Quốc hội cho tôi được nghỉ trong thời gian sắp tới”. Như vậy, Thủ tướng Khải đã xin từ nhiệm trước nhiệm kỳ công tác 1 năm. 

Nhớ lại, ông Lê Văn Cuông, đại biểu Quốc hội khoá 11, 12 tỉnh Thanh Hoá cho biết Thủ tướng xin nghỉ sớm là vì thấy tình hình phải chuyển giao cho thế hệ tiếp và sức khoẻ không đảm bảo. “Việc làm lúc đó của Thủ tướng thể hiện nét đẹp văn hoá, tính nhân văn của người cán bộ cách mạng khi thấy việc nghỉ có lợi cho nước, cho dân thì phải làm ngay”, ông Cuông nói.

 

Nguồn: Theo Báo Cafef.vn
Link bài: 7 điều đặc biệt…..
(http://cafef.vn/7-dieu-dac-biet-ve-co-thu-tuong-phan-van-khai-
20180321090437376.chn)
Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *