Cặp bò số 40 của ông Ngô Văn Cước ở xã Núi Voi, huyện Tịnh Biên, An Giang đoạt giải Nhì với số tiền thưởng 20 triệu đồng. Hai cặp bò số 24 và 50 của ông Chan Chanh Ra và ông Chou Sóc Sanh đều ngụ huyện Tịnh Biên lần lượt được trao giải Ba, Tư với số tiền thưởng lần lượt là 15 triệu đồng và 10 triệu đồng.
Năm nay, Hội Đua bò Bảy Núi tranh Cúp Truyền hình An Giang lần thứ 25 có 64 cặp bò tham gia thi đấu, trong đó có 4 cặp đến từ 2 huyện Giang Thành và Hòn Đất, Kiên Giang và 60 cặp bò còn lại đều ở tỉnh An Giang.
Theo đại diện Ban tổ chức, hội đua bò năm nay thi đấu loại trực tiếp với một vòng đua vừa hô (đi chậm, biểu diễn), vừa thả (chạy nước rút tăng tốc về đích) để chọn đôi bò chiến thắng vào vòng tiếp theo.
Để chuẩn bị cho lễ hội này, ban tổ chức chọn một khoảnh ruộng bằng phẳng có nước xăm xắp, được cày xới nhiều lần cho có độ trơn của bùn, bốn bên có bờ bao và điểm đích có đoạn đường trống để làm độ dừng an toàn cho bò. Nơi xuất phát và tại điểm đích được cắm 2 cây cờ màu xanh, đỏ mỗi cây cách nhau 5m. Cặp bò nào đứng ở vị trí cây cờ màu gì thì điểm đích cũng theo màu của cây cờ đó.
Từng cặp bò được ách vào một chiếc bừa đặc biệt, gọng bừa là bàn đạp gồm một tấm gỗ rộng bên dưới là răng bừa. Người điều khiển bò cầm roi mây hoặc khúc gỗ tròn vừa tay độ 3 cm, đầu có tra cây đinh nhọn gọi là cây xà-lul.
Mỗi trận đấu diễn ra giữa hai cặp bò, sau khi bốc thăm cặp đi trước cặp đi sau tương ứng với mốc về đích lệch nhau. Khi bắt đầu có lệnh xuất phát của trọng tài, người điều khiển chích mạnh cây xà-lul vào mông, bò bị đau sẽ phóng nhanh về phía trước.
Trong quá trình đua, cặp bò nào chạy tạt ra khỏi đường đua sẽ bị loại, cặp còn lại vẫn phải chạy về đích không phạm luật mới được công nhận thắng. Cặp bò sau giẫm lên giàn bừa của cặp bò trước là đôi thắng cuộc, và người điều khiển phải đứng vững bởi nếu ngã hoặc bị rơi khỏi giàn bừa xem như thua cuộc.
Kỹ thuật quan trọng là người điều khiển bò phải chích cho đều cả hai con thì vận tốc của cặp bò mới nhanh, nương nhau kịp, quyết liệt và hấp dẫn – khác với đua ngựa là mỗi người cưỡi một con, ai về đích trước sẽ thắng.
Lễ hội đua bò được tổ chức cùng lễ hội Sene Dolta (lễ cúng ông bà), từ 29/8 đến mùng 1/9 âm lịch. Năm nay, ngay từ sáng sớm, bà con đã có mặt đông đảo tại địa điểm đua bò. Từ lúc cuộc đua bắt đầu cho đến kết thúc không khí lúc nào cũng tưng bừng, hào hứng tiếng vỗ tay, reo hò sôi nổi cổ động dành cho những người điều khiển các cặp bò giỏi hoặc những pha về đích gay go, quyết liệt.
Hội đua bò Bảy Núi là một nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer, thu hút không chỉ cư dân vùng Bảy Núi, An Giang, mà còn lan tỏa đến các tỉnh thành khác.
Đồng hành cùng hội đua bò truyền thống này suốt nhiều năm liền, ông Lê Nguyễn Đức Khôi, Trưởng phòng Quan hệ Công chúng, Tập đoàn Tân Hiệp Phát, cho rằng Tập đoàn Tân Hiệp Phát và nhãn hàng Nước tăng lực Number 1 mong muốn góp phần bảo tồn văn hóa đặc sắc của đồng bào Khmer, góp phần mang đến cho người dân một lễ hội vui tươi, ý nghĩa và cổ vũ tinh thần thể thao, khát khao chiến thắng mãnh liệt.