Cái khó nhất của tái cấu trúc chính là con người

Trần Quí Thanh

Nguồn hình: Báo DNSG

—–

Chào anh Trần Quí Thanh

Tôi vốn là môt giám đốc DNNN nay đã về hưu. Nói thật thời trước chúng tôi kinh doanh rất tơ lơ mơ, lãi giả lỗ thật, chẳng sinh lợi cho đất nước đồng nào đâu. Nghĩ mà xấu hổ. Vì thế tôi rất cảm phục anh.

Tôi viết thư này cho anh vì có con cháu là một CEO muốn tái cấu trúc công ty của nó. Nó hỏi tôi: Những bước đi thích hợp để tái cấu trúc công ty thành công? Tất nhiên tôi không trả lời được mới cậy nhờ đến anh. Mong anh giúp đỡ.

Chúc anh mạnh giỏi.

Ngô Hoài Hiệp (Bến Tre): ngo_hoai_hiep@gmail.com

—–

Chào anh Ngô Hoài Hiệp!

Rất vui khi anh theo dõi và trao đổi với tui, làm bờ lóc bờ leo mà không có ai chia sẻ cũng buồn, có chi mà giúp đỡ vậy anh.

Về đề tài tái cấu trúc doanh nghiệp, tui đã có trao đổi với bạn bè doanh nhân nhiều lần, đây là việc hệ trọng, cho nên rất được các doanh nghiệp quan tâm. Sách vở viết về tái cấu trúc cũng nhiều, tui thì vô sư vô sách, chỉ nói theo chính kinh nghiệm của mình thôi.

Trước hết, tái cấu trúc không phải là sắp xếp lại một vài bộ phận, phòng ban, nhân sự theo kiểu cơ học, mà là một sự thay đổi toàn diện, đây là một cuộc cách mạng, một sự lột xác thật sự.

Thứ hai, tái cấu trúc doanh nghiệp xuất phát từ đòi hỏi tự bên trong, có nghĩa là về bản chất, thực lực công nghệ và mô hình quản trị doanh nghiệp không phù hợp với xu thế phát triển và cạnh tranh thị trường.

Khi nắm chắc hai điều cốt yếu trên, mới đi đến quyết định tái cấu trúc và mới tính đến tái cấu trúc như thế nào.

Cái khó nhất của tái cấu trúc chính là con người, lực cản cũng là đây và thành công cũng là đây, cho nên hãy lấy con người làm yếu tố trung tâm.

Thuyết phục tất cả mọi người vào cuộc, “thay đổi hay là chết”, các key person của doanh nghiệp là những người tiên phong, hiểu rõ bản chất của tái cấu trúc và có sứ mệnh khơi nguồn cảm hứng để tất cả cùng xông vào cuộc, tạo ra sức mạnh tập thể, tập trung mọi nguồn lực.

Tân Hiệp Phát cũng đã nhiều lần tái cấu trúc, và slogan tui đề ra là “không phải tôi thì là ai, không phải bây giờ thì bao giờ”. Đề cao vai trò và trách nhiệm cá nhân của từng thành viên trong công ty.

Khi tất cả cùng tham gia hoạt động tái cấu trúc, ngay từ giai đoạn chuẩn bị, chúng ta sẽ nhận được nhiều sáng kiến, hỗ trợ đắc lực cho Hội đồng quản trị, ban điều hành, để triển khai thực hiện tái cấu trúc hiệu quả hơn.

Chính vì con người là yếu tố trung tâm, cho nên có kế hoạch tổ chức đào tạo, huấn luyện nhân sự từng bộ phận, đáp ứng yêu cầu của công việc trong hệ thống vận hành của mô hình doanh nghiệp mới.

Sau con người là công nghệ, dám mạnh dạn thay đổi công nghệ thì mới có được sự đột phá. Vấn đề là biết lựa chọn, tính toán, dự báo được thị trường để đầu tư dây chuyền công nghệ nào phù hợp.

Năm 2006, Tân Hiệp Phát  bỏ ra 300 triệu USD đầu tư hệ thống dây chuyền công nghệ Aseptic đầu tiên là một thử thách gay go về trí tuệ. Nhưng cuối cùng, chúng tôi quyết định, cho đến nay thì khẳng định thành công hơn cả mong đợi. Công nghệ chiết lạnh vô trùng Aseptic với tiêu chuẩn 5 vô (chai tiệt trùng, nắp tiệt trùng, nước tiệt trùng, sản phẩm tiệt trùng, môi trường chiết vô trùng) đã cho ra sản phẩm thuyết phục được người tiêu dùng.

Sau công nghệ là lập kế hoạch để tái cấu trúc. Đây là khâu quan trọng, sắp xếp khoa học, bước từng bước chắc chắn, hoàn thành từng giai đoạn, có kiểm tra giám sát chặt chẽ.

Chúc cháu của anh tái cấu trúc thành công

Trần Quí Thanh

(Hãy viết thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *