Tác giả cuốn sách Competing With Giants coi cha mình – ông Trần Quí Thanh – là người khổng lồ đầu tiên mà cô phải đối đầu trong sự nghiệp tại Tân Hiệp Phát.
6 năm trước, vào một ngày đẹp trời, Trần Uyên Phương và cha, ông Trần Quí Thanh, có mặt tại phòng họp nằm trong trụ sở Coca-Cola, ở thành phố Orlando, Lake Buena Vista, Florida, Mỹ. Hai đại diện của tập đoàn Tân Hiệp Phát tới gặp các lãnh đạo Coca-Cola để cùng thương thảo một lời đề nghị hấp dẫn từ ông lớn nước giải khát thế giới.
Lúc đó, Coca-Cola mang trong mình tham vọng cho ra mắt tới 180 dòng sản phẩm mới, nhưng vẫn lo lắng về sự phát triển hùng mạnh của một doanh nghiệp Việt đang sở hữu 16 thị trường xuất khẩu, 40 sản phẩm đồ uống, trong đó có 2 nhãn trà chiếm trên 50% thị phần tại Việt Nam. Thậm chí, sự thành công của Tân Hiệp Phát từng hấp dẫn loạt đối thủ của Coca-Cola là Pepsico, Robina Corp của Philippines, và Ito En của Nhật đặt mối quan hệ hợp tác.
Trong trí nhớ của Trần Phương Uyên, ban đầu, cha cô xem xét thỏa thuận này một cách rất tích cực, bởi ông cho rằng việc bắt tay với Coca-Cola có thể giúp THP học hỏi được rất nhiều từ những hiểu biết của một công ty toàn cầu như Coca-Cola, ngay trong quá trình đàm phán. Hơn nữa, mức giá mà Coca-Cola đề nghị khi ấy cao bất thường: 2,5 tỷ USD.
Lời từ chối với Coca-Cola mang tới cho Trần Uyên Phương những hiểu biết vô giá về cách thức giao dịch và ứng xử với các công ty đa quốc gia trong những thời điểm quan trọng.
“Chứng kiến cảnh bố mình từ chối một khoản tiền mà mọi người hầu như sẽ không bao giờ nhìn thấy trong đời, tôi học được điều mà một nhà lãnh đạo thực thụ cần phải có cho mình: giữ đúng giá trị cốt lõi và trung thành với sứ mệnh.
Tôi không hề cảm thấy hối hận với quyết định khi đó, và càng tự hào hơn về những gì mình cùng THP đã làm kể từ thời điểm rời khỏi trụ sở Coca-Cola năm 2012”, Trần Phương Uyên lặp lại điều này một lần nữa trong cuốn sách của chính mình, Competing With Giants – Vượt lên người khổng lồ – vừa được Forbes Books phát hành.
Competing With Giants là cuốn sách thứ 2 của Trần Uyên Phương, sau cuốn tự truyện viết về gia đình ra mắt trước đó chỉ một năm. Cuốn sách được ấp ủ và lên ý tưởng ngay từ năm 2012, do Uyên Phương và hai đồng tác giả John Kador (chuyên viết sách kinh tế) và Jackie Horne (chuyên về báo tài chính) viết, chỉnh sửa nhiều lần cho phù hợp với thị trường Mỹ và ra mắt vào tháng 8/2018.
Trong cuốn sách này, Uyên Phương nói nhiều hơn về những lời khuyên kinh doanh, lịch sử nền kinh tế Việt Nam và kinh nghiệm cá nhân với kỳ vọng sẽ cho độc giả hiểu rằng quy mô doanh nghiệp không có nhiều ý nghĩa trong thời đại quốc tế hóa, nơi mà sự tiên phong của một công ty gia đình tại một quốc gia nhỏ bé cũng có thể kéo theo sự thay đổi trong chiến lược và tầm nhìn của những cái tên đứng đầu.
“Rất nhiều công ty địa phương nhận định sai lầm rằng các doanh nghiệp đa quốc gia có sức mạnh vượt trội, gần như hoàn toàn, và họ chẳng có lợi thế nào nếu cạnh tranh trong cùng một thị trường. Họ gần như quên mất rằng một công ty đa quốc gia cũng chỉ có xuất phát điểm là một doanh nghiệp địa phương nhỏ bé.
Sự thật là một công ty địa phương hiểu khách hàng nội địa, hiểu văn hóa thị trường sẽ có lợi thế hơn hẳn những gã khổng lồ ngơ ngác vừa bước chân vào lãnh địa riêng của họ.
Lý do Tân Hiệp Phát có thể cạnh tranh được là chúng tôi nhìn thấy những điểm khác biệt của doanh nghiệp địa phương mà các tập đoàn đa quốc gia không mạnh bằng. Chính nhờ khai thác được những điều đó nên Tân Hiệp Phát mới vượt lên.
Tôi hy vọng, những thành công, thất bại và con đường dẫn tới chiến thắng của THP được chia sẻ trong cuốn sách này sẽ là lời khuyên hữu dụng cho các start-up, công ty gia đình cũng như với cả các tổ chức kinh doanh lớn mạnh. Đó là cũng là cơ hội để tôi giới thiệu Việt Nam ra thế giới”.
THP là một trong số ít những công ty FMCG còn lại ở Việt Nam chưa bị các doanh nghiệp đa quốc gia mua lại hoặc tự mở rộng để trở thành một doanh nghiệp toàn cầu. Trần Uyên Phương nói rằng, cô tự hào vì THP sau 30 năm vẫn còn là một công ty gia đình, dù rất nhiều cơ chế vận hành ở đây luôn rạch ròi giữa “việc công” và “việc tư”.
Thực tế, sự cứng rắn của Uyên Phương khi đối mặt với các đối thủ cạnh tranh có thể được tôi luyện chính những tháng ngày mà cô đã trải qua suốt 15 năm ở THP.
Cột mốc đầu tiên là việc Uyên Phương tự đề nghị và thương thảo mức lương với cha mình, khi cô bắt đầu sự nghiệp tại THP ở vị trí trợ lý. “Tôi muốn tạo ra ranh giới rõ ràng giữa công ty và gia đình, và một mức lương công bằng sẽ giúp ông nhìn nhận tôi như một nhân viên thuộc THP, đồng thời nhắc nhở tôi về trách nhiệm với công việc”.
Bất đồng quan điểm giữa cha và con gái diễn ra gần như mỗi ngày, nhưng Phương biết cách để giữ vững lập trường của bản thân.
“Có một lần, tôi dự định tổ chức buổi hội thảo về doanh nghiệp gia đình đầu tiên của Việt Nam, nhưng khi ngỏ lời với bố mình về chuyện tính phí, ông tỏ ra rất tức giận. Ông nói dự án đó sẽ không thành, rằng tôi cầm chắc thất bại thôi, và nếu tôi không thể mời được khoảng 500 người đến dự thì đừng nghĩ tới việc ông sẽ tới xem.
Thừa nhận việc phân chia rạch ròi giữa gia đình và công việc sẽ tốn “rất nhiều thời gian và công sức”, nhưng các lãnh đạo của THP vẫn đầu tư tài chính và chất xám, nhằm đảm bảo công ty của họ tồn tại bền vững và độc lập với từng cá nhân sáng lập.
“Những người kế nhiệm ở THP sẽ không bị giới hạn trong danh sách các thành viên gia đình. Chúng tôi sẵn sàng trao quyền điều hành cho người xứng đáng, dù họ không có chung dòng máu với mình, bởi đó là chìa khóa để THP phát triển và trở thành một doanh nghiệp thế kỷ (tồn tại 100 năm)”.
NGUỒN: Báo Soha.vn dẫn theo Báo Nhịp sống kinh tế.