Trần Quí Thanh
—–
Một trận mưa lớn đổ xuống TPHCM, cả thành phố bị ngập lụt, có nơi hai ngày sau nước vẫn chưa rút hết. Khỏi phải nói đến sự cơ cực của người dân, xem những clip và hình ảnh trên các kênh truyền thông thấy buồn và giận.
Nếu đổ cho mưa lớn do ảnh hưởng bão nên thành phố bị ngập thì quá đơn giản, cũng giống như bao con đường hàng ngàn tỉ đồng, khi bị hư hỏng lại đổ cho trời mưa vậy.
Phải khẳng định rằng, mưa lớn có thể gây ra ngập, nhưng ngập như TPHCM thì không phải chỉ do mưa, mà do hệ thống thoát nước, công trình chống ngập quá kém. Các chuyên gia về quy hoạch đô thị đều lên tiếng rằng: “Đừng đổ lỗi cho ông trời”.
Tui cũng thấy vậy, ngập lụt ở TPHCM chủ yếu là do con người gây ra.
Trước hết, con người đã phá hoại hệ thống ao hồ, kênh rạch, đó là những túi chứa nước và thoát nước hiệu quả mà trời đất sinh ra để cân bằng tự nhiên.
Khi hệ thống ao hồ, kênh rạch đó còn nguyên vẹn, mưa dù lớn, nước sẽ chảy vào các ao hồ, theo kênh rạch, dẫn ra vùng đầm rộng hơn. Bây giờ các vùng đầm lớn cũng trở thành những khu đô thị, vậy thì nước chảy đi đâu?
Còn các vùng đầm và kênh rạch, nếu mưa cực lớn do ảnh hưởng bão, thì nước có thể tạm thời ngập cục bộ do thoát chưa kịp, nhưng nó sẽ rút nhanh, không gây ra lụt lội như hiện nay.
Nhưng, gần như hệ thống ao hồ, kênh rạch tự nhiên đó đã bị con người san lấp, phục vụ cho các dự án bất động sản, khu đô thị, khu công nghiệp. Chưa kể, rất nhiều trường hợp người dân xây nhà, cũng lấp ao hồ, không lấp to thì lấp nhỏ. Dần dần, các ao hồ đó bị xóa sổ.
Các nhà quản lý chạy theo dự án, bất chấp hậu quả. Không phải họ không thấy trước việc san lấp ao hồ sẽ dẫn đến ngập lụt, nhưng vì lợi ích cá nhân và lợi ích nhóm, họ vẫn cứ làm.
Thứ hai là hệ thống cây xanh, thảm cỏ bị hạ sát do quá trình đô thị hóa. Cây xanh và thảm cỏ giúp giữ nước, rút nước, thì nay bị bớt đi, thay vào đó là bê tông, nhà cửa, vậy thì nước không còn chỗ để cư trú, để thoát, không ngập sao được.
Cuối cùng, đó là sự thất bại thảm hại của các dự án chống ngập. Tiến sĩ Ngô Viết Nam Sơn – chuyên gia quy hoạch đô thị khẳng định hiện nay đô thị mới mọc lên nhiều, loạn cốt nền, dự án chống ngập nhiều nhưng đứng riêng lẻ, cũng là yếu tố tác động gây ngập nặng.
TS Ngô Viết Nam Sơn nói: “Mạnh ai nấy nâng đường khiến nước chảy lung tung. Những dự án chống ngập đứng riêng lẻ, không bao giờ giải quyết triệt để ngập úng tại thành phố”.
Có nhiều dự án chống ngập đã triển khai nhưng không hiệu quả, có những dự án đang triển khai thì bị đình đốn. Cụ thể như dự án chống ngập do triều cường trị giá 10.000 tỉ đồng khởi công từ năm 2016 nhưng đến nay bị dừng lại vì ngân hàng ngưng giải vốn.
Hệ thống thoát nước tự nhiên bị phá, hệ thống chống ngập làm không xong là hai nguyên nhân “nhân tai”, không phải thiên tai.
Còn nguyên nhân “nhân tai” nữa, đó là rất nhiều người xả rác vô tội vạ. Rác bị đổ xuống cống, làm tắc nghẽn hệ thống cống, nước không thoát được.
Cho nên, tui cũng khẳng định, không bao giờ giải quyết được nạn ngập lụt tại TPHCM.
Sài Gòn Ngày 29/11/2018
TQT
Bài đọc thêm, Link: Từ trận mưa kỷ lục nhìn về đầu tư cho chống ngập của TPHCM
(https://www.thesaigontimes.vn/td/282224/tu-tran-mua-ky-luc-nhin-ve-dau-tu-cho-chong-ngap-cua-tphcm.html)