Trong cải cách hành chính, một trong những cải cách gây ấn tượng tích cực ở người dân là việc cấp đổi hộ chiếu, chuyển từ làm thủ công sang ứng dụng công nghệ thông tin, tự động hóa nhiều khâu thủ tục. Bên cạnh sự hài lòng của người dân, bộ máy những người thực thi thủ tục này cũng giảm bớt rất nhiều so với trước đây. Những ví dụ như thế là không thiếu.
Một con đường tinh gọn bộ máy hành chính khác mà nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đang áp dụng là sắp xếp, hợp nhất một số sở, ngành. Ví dụ Bạc Liêu nhận thấy để Sở Ngoại vụ tồn tại như một cơ quan chuyên môn là không cần thiết bèn chuyển các chức năng của sở này cho Văn phòng UBND. Những sở, ngành khác Bạc Liêu muốn sắp xếp bao gồm: hợp nhất Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch với Sở Thông tin và Truyền thông để thành lập mới Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch; hợp nhất Sở Giáo dục và Đào tạo với Sở Khoa học và Công nghệ để thành lập mới Sở Giáo dục, Khoa học và Công nghệ.
Ngoài Bạc Liêu, một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác cũng đã sắp xếp các sở cho hợp lý hơn như Lào Cai, Hà Giang, Hải Phòng, Hà Tĩnh. Đây là những nỗ lực đáng hoan nghênh vì việc sắp xếp như thế sẽ làm bộ máy tinh gọn hơn, giảm được một số biên chế, tránh tình trạng một số cơ quan chuyên môn “sếp nhiều hơn nhân viên” và cảnh “sáng cắp ô đi, tối cắp về”.
Điều đáng tiếc do Bộ Nội vụ làm chưa xong các nghị định liên quan để tạo cơ sở pháp lý cho việc sáp nhập một số sở ngành tại địa phương nên phải tạm gác lại để chờ.
Thế nhưng con đường tinh gọn bộ máy hành chính căn cơ nhất vẫn là xác định công việc gì nền hành chính phải làm, những phần việc nào nên chuyển giao cho dân sự. Lấy ví dụ, hiện nay một trong những việc các bộ, ngành phải làm là đánh giá tác động của chính sách do mình vạch ra. Bộ Nội vụ muốn hoàn thiện các nghị định nói trên phải tổ chức đánh giá những tác động của việc sắp xếp lên nhiều mặt của xã hội. Đây là một quy trình quan trọng, mất thời gian và nhân lực nhưng lại không thường xuyên. Nếu để Bộ Nội vụ làm thì biên chế cần thiết để triển khai là khá lớn, nhưng công việc mang tính thời vụ, nghị định làm xong coi như không có việc gì khác cho bộ phận này.
Tại sao không mạnh dạn gọi thầu cho các viện nghiên cứu chính sách, có thể là các đơn vị sự nghiệp của cơ quan chính phủ, cũng có thể là hoàn toàn do tư nhân thành lập miễn sao đáp ứng các tiêu chí mà một nghiên cứu như thế đòi hỏi. Với đầu bài do Bộ Nội vụ đặt ra, viện nghiên cứu dựa vào đó để tiến hành phần việc khảo sát mang tính chuyên môn của mình. Ở đây nhiều mục tiêu đạt được: bộ máy hành chính tinh gọn, tạo được việc làm để đem lại tự chủ tài chính cho các đơn vị sự nghiệp, thúc đẩy việc chuyển đổi các đơn vị như thế thành doanh nghiệp…
Nhìn lại chức năng nhiệm vụ của các cơ quan hành chính để xác định phần việc cốt lõi, tìm cách giao các phần việc khác cho các thành phần khác trong xã hội là con đường cải cách có tiềm năng nhất, cần ráo riết nghiên cứu và triển khai.