Trần Quí Thanh
—–
Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước một thách thức ghê gớm, đó là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, công nghệ 4.0 “như cơn bão đi qua địa cầu”. Trong xu thế cách mạng này, đa số doanh nghiệp Việt Nam chưa trang bị được gì nhiều để tham gia vào sân chơi toàn cầu hóa, nói cụ thể hơn là chúng ta đang ở con số đảo ngược 0.4.
Tại diễn đàn cấp cao “Tầm nhìn và chiến lược phát triển đột phá trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4″ tổ chức vào trung tuần tháng 7.2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nói: “Việt Nam sẽ không nằm ngoài cuộc chơi của CMCN 4.0. Việt Nam sẽ vượt qua thách thức, nắm cơ hội để sớm bước lên con tàu này. Đây là cơ hội để dân tộc Việt Nam thực hiện khát vọng phồn vinh. Chúng ta hãy cùng nỗ lực, biến khát vọng thịnh vượng của quốc gia, dân tộc thành việc làm, hành động và kết quả cụ thể trên từng lĩnh vực”.
Quyết tâm là rõ rồi, nhưng thực lực khoa học công nghệ của doanh nghiệp Việt còn khoảng cách quá xa so với thế giới. Khoa học công nghệ mà doanh nghiệp tiếp cận trước hết chính là sản phẩm khoa học trong nước, nhưng các trường đại học, viện nghiên cứu trong nước không tạo ra được nhiều sản phẩm công nghệ cạnh tranh. Cái lý thuyết kết hợp giữa nhà khoa học và nhà doanh nghiệp không thể thiếu một bên đối tác.
Vậy thì chúng ta phải tiếp cận với khoa học công nghệ từ các nước, và rõ ràng khi mua lại công nghệ của Mỹ, các nước châu Âu, thì chúng ta đi sau doanh nghiệp của các nước đó ít nhất là một nhịp. Và ai cũng biết, chỉ cần lạc hậu một thế hệ máy, coi như thua đứt. Thực tiễn thế giới cho thấy, “giá” không phải là lợi thế cạnh tranh đối với một sản phẩm, mà là “công nghệ”.
Nói như vậy không phải là bi quan, mà để tỉnh táo nhận ra chúng ta đang đứng ở đâu trên thế giới này. Ai cũng có thể nói 4.0 nhưng thực lực lại là chuyện khác, bởi vì còn có những người làm khoa học trọng danh hão hơn thực chất, cho nên doanh nghiệp không có công nghệ áp dụng vào sản xuất và ứng dụng là chuyện không có gì ngạc nhiên.
Không ngạc nhiên nên phải chủ động tìm con đường cho mình, như Vingroup đã làm, đó là thành lập Viện nghiên cứu Big Data, trí tuệ nhân tạo, để Việt Nam có thể bứt phá bằng khoa học công nghệ. Nhiều người Việt Nam thông minh và tài năng, như tiến sĩ Lê Viết Quốc, một quái kiệt AI được ví có người là bộ não của Google (Google Brain). Doanh nghiệp Việt Nam phải kết hợp với những bộ óc thông minh đó để nhảy lên (tàu 4.0), không thì coi chừng rơi xuống tàu.
Tui tin rằng, cùng với Vingroup, sẽ có nhiều doanh nghiệp đầu tư theo hướng tạo ra sản phẩm công nghệ, tiếp cận với khoa học kỹ thuật đỉnh cao của thế giới, ví dụ như Vietjet đã đầu tư và sắp khánh thành Học viện hàng không, trong đó chủ động được rất nhiều về đào tạo mà trước đây chúng ta phải gửi học viên sang các nước.
Không tạo ra sản phẩm công nghệ, chúng ta sẽ tụt hậu kinh khủng hơn cả hiện tại.
Sài Gòn mồng 3 tết Kỷ Hợi
TQT
Đọc thêm bài, link: Doanh nghiệp Việt chuẩn bị gì cho Toàn cầu hoá 4.0?
(https://theleader.vn/doanh-nghiep-viet-chuan-bi-gi-cho-toan-cau-hoa-40-1548315060240.htm)