Khởi nghiệp từ một phân xưởng sản xuất nhỏ chỉ với vài chục nhân viên, lăn lộn qua ngành bia, rồi nước giải khát, Tân Hiệp Phát giờ đây đã trở thành ông lớn trong ngành đồ uống không cồn tại Việt Nam. Sư kiện khánh thành nhà máy Number One Hậu Giang có tổng vốn đầu tư 4.000 tỷ đồng là hành động cụ thể hóa cho mục tiêu đưa thương hiệu Việt ra thế giới.
Đồng bằng sông Cửu Long Việt Nam nằm ở cuối dòng Mekong. Với số dân 18 triệu người, chiếm khoảng 18% tổng dân số tại Việt Nam, đây là thị trường quan trọng tại Việt Nam đối với các doanh nghiệp sản xuất lương thực thực phẩm nói chung và với các doanh nghiệp trong ngành đồ uống nói riêng.
Nhận thấy tiềm năng lớn về giao thông (Hậu Giang là trung tâm của vùng sông Hậu, dễ dàng cho việc phân phối các sản phẩm trên khắp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và xuất khẩu sang Campuchia, Thái Lan và đi các nước trên thế giới qua đường biển) cũng như tiềm năng tăng trưởng kinh tế xã hội, Tân Hiệp Phát đã quyết định đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng để xây dựng nhà máy sản xuất nước uống đóng chai Number One Hậu Giang.
Khi hoàn thiện, nhà máy Number One Hậu Giang có tổng công suất lên tới 1 tỷ lít/năm và giữ vị thế nhà máy nước giải khát có hiệu năng sản xuất lớn bậc nhất Việt Nam. Ngày 14/3, Number One Hậu Giang sẽ chính thức vận hành sản xuất giai đoạn 1, thông qua hệ thống công nghệ sản xuất khép kín vô trùng do tập đoàn GEA của Đức cung cấp.
Với công nghệ khép kín vô trùng Aseptic, nhà máy Number One Hậu Giang sẽ sản xuất các sản phẩm nước giải khát có nguồn gốc tự nhiên, tốt cho sức khỏe như Trà Thanh nhiệt Dr Thanh, Trà xanh Không độ, Nước tăng lực Number 1, Trà sữa Macchiato Không Độ và sắp tới là những sản phẩm mới như Sữa Dừa, Nước Dừa tươi,…
Nhà máy này sẽ tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu tự nhiên vô cùng phong phú tại Đồng bằng sông Cửu Long như các loại trái cây để phát triển và sản xuất các thức uống giải khát hoàn toàn mới để phục vụ người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Những trái cây đặc sản đã vang danh thế giới như dừa Bến Tre sẽ trở thành nguyên liệu đầu vào cho quy trình sản xuất các loại thức uống mới có lợi cho sức khỏe như (sữa Dừa, nước Dừa tươi…) để phục vụ người tiêu dùng trong nước và quốc tế.
Là dự án được lãnh đạo tập đoàn GEA nhận định là “một kết quả phi thường được tạo nên từ kiến thức và kinh nghiệm của đội ngũ Tân Hiệp Phát và GEA bởi sự phức tạp và chi tiết dành cho một khối lượng công việc khổng lồ trong nhiều năm”, nhà máy Number One Hậu Giang được CEO Trần Quí Thanh coi “là sân chơi mới theo tiêu chuẩn toàn cầu” của tập đoàn.
“Những thành viên trong gia đình Tân Hiệp Phát luôn thể hiện tinh thần qua giá trị cốt lõi ‘không gì là không thể’ quyết tâm tạo nên sự khác biệt lớn cho đất nước thông qua mục tiêu đưa thương hiệu Việt, sản phẩm Việt vươn tầm thế giới. Việc nhà máy Number One Hậu Giang chính thức đi vào hoạt động là bằng chứng cho lời cam kết: Hôm nay phải hơn hôm qua nhưng không bằng ngày mai”.
Kể từ lúc bắt đầu làm “nghề nước giải khát”, Tân Hiệp Phát đã là một trường hợp bất thường. Đầu những năm 2000, khi mặt bằng công nghệ Việt Nam còn ở mức lạc hậu, Tân Hiệp Phát đã sở hữu nhà máy nước tăng lực đóng chai thủy tinh duy nhất tại Việt Nam. Đồng thời, công ty này là một trong số ít doanh nghiệp trên thế giới có khả năng tự cung cấp bao bì khép kín.
Thời điểm những năm đầu thế kỷ 21, thị trường nước giải khát phần lớn nằm trong tay các công ty sản xuất nước có gas, nước khoáng, trong khi dòng sản phẩm nước uống có lợi cho sức khoẻ lại không thu hút nhiều anh tài. Tân Hiệp Phát – một kẻ mới chập chững bước vào ngành sản xuất đồ uống giải khát lại bất ngờ chọn lối đi ngách đầy chông gai: dựng thương hiệu bằng nước tăng lực, trở thành ông lớn bằng trà xanh.
Thậm chí, 80% số người được hỏi cho biết họ sẵn sàng trả thêm tiền cho đồ uống không chứa các thành phần như chất bảo quản, hương vị, màu sắc nhân tạo. Xu hướng mới nhất trên thế giới là người tiêu dùng chuyển dịch chi tiêu một cách rất nhanh chóng và tích cực sang các sản phẩm có lợi cho sức khoẻ, tốt cho bản thân, đẩy thị phần các sản phẩm trà đóng chai cao gấp 2 lần nước có gas và 5 lần nước hoa quả.
Với tỷ lệ dân số trẻ ngày một cao (ước tính khoảng trên 50% dân số Việt Nam dưới 30 tuổi), mức thu nhập được cải thiện và nhận thức về y tế ngày càng phổ biến, người tiêu dùng Việt Nam đang chuyển sang tiêu thụ đồ uống có giá trị cao hơn. Điều này tạo ra những khoảng trống để thâm nhập vào các phân khúc đồ uống cao cấp, có lợi cho sức khỏe, trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng hàng năm của thị trường thức uống được dự báo là 6% đến năm 2020, chạm mốc 109 tỷ lít.