Nghề viết nhận xét giả

Nguyên Vũ/ Báo Tuổi trẻ cuối tuần
Nguồn ảnh: Internet

—–

Người mua hàng từ các trang thương mại điện tử như Amazon thường đọc kỹ các nhận xét bên dưới sản phẩm để xem thử người đã mua về xài có ý kiến gì không. Do không sờ tận tay, nhìn tận mắt nên phần đánh giá của người dùng có tác động rất lớn đến người muốn mua, thấy nhiều người chê thì bỏ đi qua sản phẩm khác, có nhiều người khen nên yên tâm bấm nút mua.

Thế là nảy sinh một nghề rất mới: nghề viết nhận xét giả, khen các sản phẩm bày bán ngút trời, cho điểm thật cao để câu khách mua. Lần đầu tiên vào tháng 2 vừa rồi, Ủy ban Thương mại liên bang Mỹ mới xử phạt một nơi đi mua nhận xét giả kiểu này và để khỏi bị truy tố ra tòa, nơi này đồng ý nộp phạt đến 12,8 triệu đôla.

Thủ phạm, theo tin từ Vox, là Công ty Cure Encapsulations, có trụ sở ở Brooklyn; sản phẩm liên quan là một loại thực phẩm chức năng được quảng bá giúp giảm cân làm từ cây nụ (còn gọi là quả bứa – tên khoa học là garcinia cambogia), thấy cũng có quảng cáo bán ở Việt Nam.

Sản phẩm được cho là có chứa 600mg hydroxycitric acid (HCA) mỗi viên chiết xuất từ cây này. Không có bằng chứng khoa học nào cho thấy chất này giúp giảm cân như sản phẩm quảng cáo. Vấn đề là Cure Encapsulations mua dịch vụ viết thuê nhận xét tốt cho sản phẩm này khi bán trên Amazon từ tháng 10-2014.

Ủy ban trưng bằng cớ là email của chủ công ty đặt mua 30 lời nhận xét tốt với giá 1.000 đôla, sau đó thư từ qua lại duy trì mối quan hệ sao cho sản phẩm luôn duy trì được trên 4,3 sao.

Vấn nạn nhận xét dỏm trên Amazon đã có từ lâu, làm đau đầu trang thương mại điện tử này. Amazon từng kiện hơn 1.000 người chuyên viết nhận xét thuê, chào hàng dịch vụ trên các trang làm việc tự do. Họ cấm người có sản phẩm bày bán trên Amazon tặng sản phẩm để đổi lại lời khen gửi lên Amazon.

Nhiều cửa hàng tuy thế vẫn dùng Facebook để kêu gọi nhiều người vào khen sản phẩm rồi hứa tặng tiền qua PayPal, danh nghĩa là hoàn lại tiền mua sản phẩm.

Tuy nhiên khi Amazon siết chuyện nhận xét giả thì các đối thủ cạnh tranh nhau lại dùng chiêu này để triệt hạ lẫn nhau. Ví dụ trường hợp của Zac Plansky, chuyên bán ống ngắm gắn trên súng trường trên Amazon.

Một hôm Plansky thức dậy thấy bỗng có đến 16 bài nhận xét cho điểm 5 sao đối với sản phẩm ông đang bán. Tuy đã cẩn thận báo ngay cho Amazon tình hình này, chỉ hai tuần sau, ông ta nhận thông báo từ Amazon vì ông thuê người viết nhận xét dỏm nên vi phạm chính sách bán hàng của công ty. Amazon thẳng thừng thông báo ông bị cấm bán hàng vĩnh viễn trên Amazon, mọi thông tin bị xóa sạch. Thế là doanh nghiệp nhỏ của Plansky đang tuyển dụng 6 nhân viên, có doanh số vài triệu đôla mỗi năm bị phá sản.

Tờ Vox cũng từng đưa tin Sunday Riley, một thương hiệu chuyên bán sản phẩm chăm sóc da trên mạng, bị bắt gặp yêu cầu nhân viên viết nhận xét giả, rồi dùng địa chỉ IP giả, tên giả để gửi lên đăng tải ở phần nhận xét sản phẩm. Hàng loạt doanh nghiệp mỹ phẩm dùng một bên thứ ba tổ chức tặng sản phẩm của mình để nhờ người được tặng viết lời khen lên mạng.

Tờ báo dùng một ứng dụng miễn phí tên là Fakespot để thử xem sau khi Amazon siết lại nội quy liên quan đến việc thuê hay mua nhận xét giả tình hình có cải thiện chút nào không.

Chọn một sản phẩm làm đẹp, có hơn 7.000 lời nhận xét, điểm trung bình lên đến 4,5 sao, được lọt vào top 20 sản phẩm làm đẹp bán chạy nhất Amazon, tờ báo chỉ ra các điểm làm họ nghi ngờ, phải thử: sản phẩm này có trang web rất sơ sài, ít thông tin, trên Instagram chỉ có 218 người theo dõi.

Fakespot quét một lượt và đưa ra kết luận: các nhận xét được điểm C, tức là họ xem 60% các nhận xét về sản phẩm này là “không đáng tin cậy”.

Theo một phóng sự khác trên tờ New York Times, Amazon cũng tổ chức cho mình một đội ngũ chuyên nhận viết nhận xét về sản phẩm – các sản phẩm này do Amazon gửi miễn phí đến cho họ. Do sản phẩm không phải của Amazon bán nên có thể kỳ vọng đội ngũ viết nhận xét này viết trung thực.

Mục đích của Amazon khi tổ chức việc này là giúp các cửa hàng bày bán trên không gian Amazon có thể quảng bá sản phẩm, tạo ra sự tò mò ở những người muốn tìm hiểu thêm về sản phẩm. Amazon có yêu cầu những người này không được bán hay tặng sản phẩm trong vòng sáu tháng, sau đó muốn làm gì thì làm.

Hiện nay Amazon cũng đã bắt đầu tính tiền quảng cáo cho những cửa hàng muốn sản phẩm của mình xuất hiện đầu tiên khi khách mua tìm kiếm. Kèm với sản phẩm, có thể là nhận xét của người mua dùng thật, cũng có thể là nhận xét giả bỏ tiền ra thuê viết.

Thế cho nên thế giới thương mại trực tuyến cũng đầy trò ma mãnh, đôi lúc còn phức tạp hơn chợ trời ngoài đời thật.

 
NGUỒN: Theo Báo Tuổi trẻ cuối tuần
Link bài: Nghề viết nhận xét giả
(https://cuoituan.tuoitre.vn/tin/cuoc-song-muon-mau/the-gioi-khong-phang/20190326/nghe-viet-nhan-xet-gia/1490925.html)
Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *