Nếu xây dựng thương hiệu doanh nghiệp yêu cầu sự nỗ lực của một tập thể lao động, thì xây dựng thương hiệu quốc gia đòi hỏi sự chung tay lâu dài và bền bỉ của cả một dân tộc.
Tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2019 của Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) có có nhiều vấn đề nóng đang được dư luận, cơ đông quan tâm như chương trình Sữa học đường.
Theo đó, liên quan thông tin về chương trình Sữa học đường Hà Nội được báo chí phản ánh, bà Mai Kiều Liên, Tổng Giám đốc Vinamilk, nói công ty luôn hành xử theo hướng công khai và công bằng. Ai cạnh tranh không công bằng, người đó sẽ lãnh hậu quả. Đây là vấn đề thuộc về pháp lý.
“Chúng tôi không khơi cuộc chiến nhưng ai đả động đến thương hiệu Vinamilk, người đó phải chịu trách nhiệm. Thương hiệu của chúng tôi không phải là cái bị bông để ai muốn nói gì thì nói. Chúng tôi có bộ phận pháp lý kiểm soát mọi thứ tuân thủ quy định của pháp luật. Vinamilk sẽ có các biện pháp phù hợp để phản ánh đến từng cơ quan thích hợp xử lý vụ việc. Hiện những gì có dấu hiệu dân sự, chúng tôi đưa ra tòa. Còn cái gì có biểu hiện vi phạm pháp luật hình sự thì chúng tôi đưa qua cơ quan chức năng đề nghị xử lý”, bà Liên phát biểu.
Bà Liên cũng nhấn mạnh thương hiệu Vinamilk không phải là của cán bộ, công nhân viên Vinamilk mà là thương hiệu quốc gia. Để đạt được thương hiệu này không dễ dàng vì phải thực hiện nhiều tiêu chí cần tuân thủ, do đó đụng đến Vinamilk là đụng đến thương hiệu quốc gia.
“Ai động đến thương hiệu Vinamilk, bôi nhọ thương hiệu Việt là không thể chấp nhận được”, bà Liên nói.
Lãnh đạo Vinamilk cũng cam kết với cổ đông rằng không làm gì trái luật, tuân thủ pháp luật là nguyên tắc đầu tiên của Vinamilk. “Cạnh tranh không lành mạnh là không có cửa. Chúng tôi làm gì cũng theo luật và các cổ đông hoàn toàn yên tâm về điều này”, lãnh đạo Vinamilk khẳng định.
Trước đó tại diễn đàn Thương hiệu quốc gia, tham dự với vai trò khách mời tham gia tọa đàm với chủ đề “Cơ chế quản lý, phối hợp thực hiện Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam”. Bà Trần Uyên Phương – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát chia sẻ khó khăn trong việc xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp Việt.
Để có thương hiệu nhiều người biết đến như Dr Thanh, Number One, Trà Xanh Không Độ… như hiện nay, Tân Hiệp Phát đã tốn 18 năm.
Để thương hiệu được biết đến, đầu tiên người tiêu dùng phải biết sự tồn tại của nó, sau đó người tiêu dùng nhắc đến thương hiệu khi họ mua sản phẩm. Cuối cùng mới là thương hiệu hiệu được khách hàng yêu thương.
Theo bà Trần Uyên Phương rất nhiều doanh nghiệp bỏ rất nhiều tiền để doanh nghiệp được yêu thích, đó là một số tiền khổng lồ. Theo xác suất và một số thống kê của các tập đoàn lớn trên thế giới thì chỉ có 20% các thương hiệu ra thị trường sẽ thành công. Nếu như vậy nếu có 10 sản phẩm doanh nghiệp xác định sẽ “chết” 8 còn 2. Đây là bài toán rất đắt tiền. Để có được thương hiệu sản phẩm là cả một quá trình, với thời gian dài.
Xây dựng thương hiệu đã khó nhưng bảo vệ thương hiệu đó càng khó hơn. Đại diện các doanh nghiệp cũng chia sẻ câu chuyện nhiều thương hiệu thế giới đã mất trắng chỉ sau một thời gian rất ngắn vì khủng hoảng.
Vì thế doanh nghiệp mong muốn làm sao có kênh tiếp cận để khi có khủng hoảng, ngay lập tức được cơ quan quản lý nhà nước can thiệp. Việc có cách tiếp cận nhanh hơn khi mà có khủng hoảng xảy ra là điều rất cần thiết với doanh nghiệp ngành hàng tiêu dùng, nước giải khát trong bối cảnh thị trường cạnh tranh lớn.
Những chia sẻ của nữ doanh nhân Mai Kiều Liên, Trần Uyên Phương đặt ra câu hỏi với cơ quan quản lý nhà nước: Thương hiệu quốc gia doanh nghiệp xây dựng nhưng ai sẽ bảo vệ?
Hẳn nhiều người trả lời ngay chính là doanh nghiệp. Điều đó không sai nhưng chưa đủ nếu nhìn góc độ thương hiệu quốc gia.
Trong phát biểu tại diễn đàn Thương hiệu Quốc gia diễn ra sáng ngày 17/4, ông Nguyễn Hữu Nghĩa – Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, xây dựng thương hiệu quốc gia nhằm mục đích thu hút nguồn lực toàn cầu cho tăng trưởng và phát triển để người dân của quốc gia đó có được cuộc sống với thu nhập cao, phúc lợi xã hội tốt. Một thương hiệu quốc gia càng thu hút sẽ hấp dẫn được các nguồn lực càng tích cực và giá trị về quốc gia đó.
“Nếu xây dựng thương hiệu doanh nghiệp yêu cầu sự nỗ lực của một tập thể lao động, thì xây dựng thương hiệu quốc gia đòi hỏi sự chung tay lâu dài và bền bỉ của cả một dân tộc”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Còn theo PGS. TS Nguyễn Văn Thạo, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, trong nền kinh tế thị trường, thương hiệu là biểu tượng của chất lượng, uy tín, là giá trị, tài sản vô hình của một sản phẩm, của doanh nghiệp và của quốc gia đã tạo ra nó. Trong thời đại toàn cầu hóa, hàng hóa, dịch vụ và các nguồn lực đầu tư đều luân chuyển trên quy mô toàn cầu; người tiêu dùng có mức sống cao, có yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm, về xuất xứ hàng hóa, kể cả quy trình và những yêu cầu nghiêm ngặt trong quá trình sản xuất, thì thương hiệu là một căn cứ quan trọng để lựa chọn.
“Có thể nói, thương hiệu là yếu tố quan trọng tạo nên sự thành công của một sản phẩm, của doanh nghiệp, của một đất nước. Không phải ngẫu nhiên mà các thương hiệu lớn trên thế giới đều gắn với các doanh nghiệp lớn, tập đoàn kinh tế lớn, với nền kinh tế một quốc gia”, PGS.TS Nguyễn Văn Thạo nói.
PGS.TS Nguyễn Văn Thạo cho biết, nước ta phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế đã rất sâu, rộng. Kim ngạch xuất khẩu của nước ta đã xấp xỉ GDP của đất nước, có hàng chục mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu 20-30 tỷ USD/năm, có những mặt hàng đứng hàng đầu thế giới về kim ngạch xuất khẩu, nhưng lại chưa có những thương hiệu có uy tín tương xứng, nên giá trị thu được thấp, nhưng buộc phải chấp nhận. Điều này đã kéo dài nhiều năm.
Đến nay, Việt Nam vẫn chỉ được xem là nước sản xuất nguyên liệu thô, gia công, lắp ráp, cung cấp đầu vào cho các tập đoàn lớn, thương hiệu lớn. Xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu Quốc gia Việt Nam ngày càng trở thành yêu cầu cấp bách.