Trần Quí Thanh
—–
Kính gửi chú Dr Thanh
Cháu năm nay 40 tuổi mới bắt đầu khởi nghiệp nhờ được thừa kế của ba mẹ. Cháu muốn lập một nghề mới mà cháu ưa thích chứ không theo nghề cũ của gia đình. Do đó cháu viết thư này hỏi chú:
Cháu muốn mua lại một doanh nghiêp, để khỏi trãi qua thời kỳ quá độ. Theo chú có nên không. Nếu nên, xin chú cho cháu một ít nguyên tắc (hoặc kinh nghiệm) về cách thức mua lại doanh nghiệp.
Rất mong chú trả lời
Kính chúc chú vạn an
Lý Đức Tri (Hải Phòng): trilyduc_haiphong14@gmail.com
—–
Lý Đức Tri thân mến,
Mua lại doanh nghiệp là một hoạt động khá phổ biến trên thị trường. Thông thường có hai trường hợp mua lại doanh nghiệp, một là chưa có gì trong tay, nhắm một doanh nghiệp nào đó, bỏ tiền ra mua lại để kinh doanh. Trường hợp thứ hai là có sẵn doanh nghiệp, mua thêm doanh nghiệp khác để phát triển.
Về mua thêm doanh nghiệp để phát triển, có trường hợp mua đứt cả doanh nghiệp, nhưng cũng có trường hợp chỉ mua từng phần.
Ví dụ, Thaco mua đứt Đại Quang Minh và phát triển ngành nghề bất động sản, xây dựng khu đô thị Sala ở Thủ Thiêm. Nhưng mới đây, chỉ mua lại một phần của Hoàng Anh Gai Lai.
Trường hợp của cháu, muốn mua một doanh nghiệp khác để bắt đầu sự nghiệp của mình là đối diện với rủi ro thất bại cao, tuy nhiên không có nghĩa là không làm được. Thành hay bại tùy theo bản lĩnh, trí tuệ và tài năng kinh doanh của cháu, chú chỉ chia sẻ vài nguyên tắc có tính chìa khóa mà thôi.
Trước hết là tìm doanh nghiệp đang sản xuất kinh doanh ngành nghề phù hợp với nguyện vọng, sở thích và tương thích với các điều kiện ắt có và đủ của cháu. Cháu có chuyên môn về sản xuất kinh doanh đồ gỗ, thì không thể liều lĩnh đi làm ngành cơ khí. Trừ phi, cháu có nguồn vốn dồi dào, có nhiều năm quản trị, có bộ máy giúp việc giỏi, có khả năng mời chuyên gia hàng đầu về trợ giúp, khi đó mới kinh doanh ngành nghề mới mà mình không có chuyên môn.
Chú là dân cơ khí bách khoa, nhưng sản xuất nước uống là một ví dụ. Ông Trần Bá Dương là dân cơ khí ô tô, lại nhảy vào bất động sản thành công.
Một doanh nghiệp bán lại cho người khác dứt khoát là họ đang gặp thất bại hoặc rất khó khăn, nếu họ kinh doanh thành công thì không bao giờ bán phải không cháu. Cho nên, trước khi mua lại, cháu phải tìm hiểu kỹ lưỡng nguyên nhân mà doanh nghiệp đó gặp khó khăn, về việc này, cháu phải mời những chuyên gia thứ thiệt, có chuyên môn và kinh nghiệm tham gia để có được đánh giá chính xác.
Khi tìm ra nguyên nhân, cháu phân tích, đánh giá năng lực chuyên môn, quản trị, nhân sự và tài chính của mình xem có đủ sức tháo gỡ các khó khăn đó.
Ví dụ, doanh nghiệp đó hỏng về phát triển thị trường vậy thì cháu có đủ nguồn nhân lực để giải quyết khâu này không. Hoặc doanh nghiệp đó thiếu một nhóm thiết kế mẫu mã, vậy thì cháu có thể tìm ra những nhà thiết kế xuất sắc để thay đổi hay không.
Cũng có trường hợp, doanh nghiệp đó không phát triển được vì không có nguồn vốn, gặp khó khăn về tài chính. Vậy thì liệu cháu có đủ sức để lấp vào khoảng trống tài chính đó không.
Khi có nguồn nhân lực và nguồn tài chính đảm bảo giải quyết được những khó khăn của doanh nghiệp mà cháu mua, định ra được chiến lược kinh doanh có triển vọng thì mới nên mua.
Chúc cháu thành công.
Trần Quí Thanh
(Hãy viết thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)