Mua điện, vừa trả tiền vừa… tức!

Đặng Quỳnh Giang/ Báo TBKTSG
Nguồn hình: theo http://redvn.info

Ngày cuối cùng của tháng 3-2019, lúc đang đi công tác ở nước ngoài, tổng giám đốc công ty chúng tôi gửi e-mail về cho các cấp quản lý ở nhà báo tin giá điện sẽ tăng và yêu cầu tính toán sự ảnh hưởng của nó đến công ty. Ông có được thông tin này từ hiệp hội các công ty Mỹ ở Việt Nam. Cùng hôm đó, chúng tôi nhận được công văn chính thức của cơ quan điện lực, thông báo giá điện sẽ tăng từ ngày 20-3-2019, mức tăng gần 8% so với giá hiện tại.

Rất nhanh sau đó, tôi lấy dữ liệu tiêu thụ điện trung bình của công ty sáu tháng gần nhất nhân với giá điện hiện tại và giá điện mới. Với chi phí tiền điện của công ty tôi là 7 tỉ đồng/tháng, mức chênh lệch giữa giá cũ và giá mới là 500 triệu đồng/tháng. Như vậy, trong 12 tháng tới, chỉ riêng chi phí về điện, công ty sẽ phải chi thêm 6 tỉ đồng – một con số rất lớn so với doanh thu trung bình của các doanh nghiệp tại Việt Nam.

Ngày hôm sau, khi tổng giám đốc trở về, ban giám đốc đã có một cuộc họp đột xuất để bàn bạc các phương án nhằm đối phó với chi phí điện phát sinh ngoài dự kiến. Công ty phải tính lại P/L (profit/loss – lãi, lỗ), điều chỉnh ngân sách, xem xét lại các dự án, kế hoạch đầu tư để thích nghi với giá điện mới, thậm chí phải tính toán lại các khoản phúc lợi của công nhân viên đã được dự trù…, và tất nhiên, phải giải trình với công ty mẹ về sự thay đổi lớn đầy bất ngờ và bị động này.

Trước đó không lâu, các doanh nghiệp cùng khu vực với công ty chúng tôi đều được yêu cầu thay thế thiết bị điện từ trạm cao thế xuống trung thế với chi phí hàng trăm triệu đồng mỗi công ty nhằm nâng cấp công suất điện năng từ 15 kV lên 22 kV để đảm bảo nguồn điện ổn định hơn, giá điện thấp hơn (theo giải thích của ngành điện). Thiết bị thay thế được họ yêu cầu phải mua tại một nhà sản xuất do họ chỉ định độc quyền, chi phí thay thế cũng được liệt kê sẵn và buộc các doanh nghiệp ký vào như một cam kết tự nguyện. Nhưng nếu không làm, chúng tôi sẽ không được kết nối với nguồn điện của nhà nước.

Giá điện liên tục tăng và người sử dụng được yêu cầu đầu tư, cải thiện hạ tầng điện với chi phí lớn như vậy nhưng chất lượng điện đang thật sự là nỗi ám ảnh của chúng tôi. Dù khu công nghiệp này nằm ở trung tâm của một trong những thành phố lớn nhất nước, nhưng ít nhất mỗi tháng một lần, tình trạng mất điện (có kế hoạch và đột xuất), nháy điện, sụt áp vẫn xảy ra. Có lần chưa đầy một tháng đã có ba sự cố về điện khiến tổng thiệt hại mà công ty chúng tôi phải gánh chịu cho ba lần đó lên đến gần 1,6 tỉ đồng.

Cách đây chưa lâu, vụ mất điện trong năm giờ đồng hồ khiến chúng tôi mất hàng chục ngàn đô la Mỹ do hai chiếc máy đa năng tự động của Nhật bị hỏng và hàng loạt nguyên vật liệu bị rỉ sét do không được bảo quản trong nhiệt độ tiêu chuẩn, cùng rất nhiều sản phẩm đang gia công trên chuyền bị hư hỏng, phải đổ bỏ. Tuy chúng tôi có trang bị máy phát điện cho nhà máy nhưng chỉ đủ cung cấp điện chiếu sáng và một vài khu vực tối quan trọng của công ty.

Sau mỗi lần phát sinh sự cố về điện, công ty điện lực đều gửi công văn cho chúng tôi giải thích lý do rồi mong nhận được sự thông cảm. Từ các công văn họ gửi, chúng tôi liệt kê được trục trặc điện do những nguyên nhân phổ biến như sự cố phóng điện thiết bị đo đếm điện năng trung thế, phóng điện sứ treo trên lưới điện, phóng điện biến áp nguồn điện… Và họ chỉ dừng lại ở đó. Còn nội dung chúng tôi cần được nghe nhất là đối sách để khắc chế sự cố, trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho khách hàng do mất điện cũng như cam kết của ngành điện để trong thời gian tới không xảy ra tình trạng tương tự thì tuyệt nhiên không có. Các ông chủ nước ngoài khi nghe báo cáo luôn yêu cầu chúng tôi cho họ biết những điều như vừa nêu và chúng tôi chỉ biết trả lời rằng tình trạng, năng lực cung cấp điện của ngành điện là như vậy.

Mỗi năm công ty chúng tôi bỏ ra nhiều tỉ đồng mua bảo hiểm cho các rủi ro mà công ty có thể gặp phải như cháy nổ, thiên tai, nhưng không thể mua bảo hiểm cho những rủi ro bắt nguồn từ điện. Bởi không một nhà bảo hiểm nào dám đánh cược để bảo hiểm cho một lĩnh vực liên tục xảy ra sự cố với thiệt hại nhiều như vậy, hoặc nếu có, chi phí sẽ rất cao.

Mua bán điện thực chất là một thỏa thuận dân sự nhưng không tuân theo những nguyên tắc cơ bản của giao dịch dân sự, trong đó có nguyên tắc bình đẳng giữa hai chủ thể và trách nhiệm bồi thường cho bên kia nếu gây thiệt hại do lỗi của bên này. Bởi điện vẫn còn là dịch vụ độc quyền, được cung cấp bởi doanh nghiệp độc quyền.

Khi đánh giá các cơ hội, rủi ro để mở rộng đầu tư hoặc thực hiện các dự án mới, nhiều nhà đầu tư xem các sự cố, thiệt hại về điện là một rủi ro đáng kể. Nghĩa là, điện thực chất là một thành tố quan trọng cấu thành môi trường đầu tư, ảnh hưởng lớn đến quyết định của nhà đầu tư. Vì vậy, cải thiện chất lượng điện, có cam kết và sẵn sàng bồi thường cho khách hàng khi có sự cố là điều mà ngành điện và các cơ quan quản lý nên thực hiện. Điều này không chỉ thể hiện sự bình đẳng trong giao dịch mua bán mà còn để cải thiện môi trường đầu tư.

NGUỒN:  Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn
Link bài:  Mua điện, vừa trả tiền vừa… tức!
(https://www.thesaigontimes.vn/289082/mua-dien-vua-tra-tien-vua-tuc.html)
Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *