Sao lại đòi chặn dòng chảy thông tin?

Báo TBKTSG
 
Thời gian qua có ba sự việc liên quan đến cách các cơ quan nhà nước chỉ đạo thông tin đến báo chí và công luận rất đáng quan tâm.

Đầu tiên là Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo “không đưa thông tin trái chiều về giá điện”, cũng như “xử lý những cá nhân cố tình xuyên tạc, đưa thông tin không đầy đủ, khách quan về đợt điều chỉnh giá điện vừa qua”. Sau đó lãnh đạo bộ này thừa nhận nội dung diễn đạt như trên gây hiểu lầm rằng bộ đánh đồng những phản biện tích cực với thông tin có ý bịa đặt.

Kế đến là kiến nghị của Hà Nội với các cơ quan có thẩm quyền “chỉ đạo thông tin chính xác theo cơ quan điều tra Bộ Công an, tránh suy diễn để dư luận hiểu sai về các dự án công nghệ thông tin của thành phố”. Thông tin này được đưa ra tại buổi họp báo của thành phố Hà Nội về vụ Công ty Nhật Cường có Tổng giám đốc bị khởi tố về tội buôn lậu. Gần đây nhất là việc Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam đề nghị các cơ quan thông tấn báo chí không “thông tin sâu” về hai lô đất mà người đứng tên mua là vợ một cựu quan chức đầu tỉnh.

Đứng ở góc độ các cơ quan đưa ra kiến nghị hoặc đề nghị, hoàn toàn có thể hiểu được tâm lý không muốn thấy thông tin nhiễu, thông tin chưa chính xác, thông tin gây hiểu nhầm xuất hiện trong công luận. Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên là các cơ quan này không hiểu một nguyên tắc cơ bản của truyền thông: khi không có thông tin chính thức, khoảng trống này sẽ được lấp đầy bằng thông tin không chính thức.

Thay vì cấm đoán, tại sao các cơ quan này không nghĩ ngay đến việc cung cấp thông tin mà họ cho là đúng đắn, chính xác, chính thức để người dân hiểu được cặn kẽ vấn đề.

Ở đây mọi thông tin đều có thể phân thành hai loại: loại nói lên ý kiến và loại cung cấp dữ kiện khách quan. Người dân hoàn toàn có quyền than giá điện tăng cao gây khó khăn cho họ và những phát biểu mang tính cung cấp dữ kiện như thế, nếu sai so với thông tin do cơ quan quản lý nhà nước nắm, thì nhiệm vụ của cơ quan này là tuyên truyền giải thích làm sao cho dân hiểu.

Bài học lớn nhất từ các vụ “đại án” vừa qua, theo chúng tôi, là sự nghẽn dòng thông tin trong một thời gian dài làm xã hội, người dân và cụ thể là báo chí không thể giám sát để nhiều cán bộ tự tung tự tác. Sự nghẽn dòng thông tin đó đôi lúc đến ngay từ người đứng đầu cơ quan nhà nước có trách nhiệm quản lý báo chí. Bởi thế điều xã hội mong mỏi là không có bất kỳ cơ quan nhà nước nào có thể kiến nghị để Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo báo chí đăng hoặc không đăng một thông tin nào đó.

Giả thử Bộ Thông tin và Truyền thông nói rõ cho các cơ quan nhà nước và các địa phương hiểu vai trò của bộ là quản lý nhà nước để báo chí tuân thủ luật pháp chứ hoàn toàn không có chuyện “cầm tay chỉ việc” cho báo chí, điều đó sẽ giúp minh bạch hóa dòng chảy thông tin một cách cơ bản.

Người lãnh đạo ở bất kỳ cấp độ nào cũng cần thông tin khách quan về bộ máy của mình để có thể quản lý bộ máy này ở mức hiệu quả nhất. Đó chính là cơ sở cho những phát ngôn mang tính khẳng định của nhiều vị lãnh đạo rằng không có vùng cấm cho báo chí bởi chính họ hiểu rõ thông tin và sự minh bạch giúp họ có những quyết định sáng suốt và đúng đắn nhất.

NGUỒN:  Theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn
Link bài: Sao lại đòi chặn dòng chảy thông tin?
(https://www.thesaigontimes.vn/289411/sao-lai-doi-chan-dong-chay-thong-tin.html)
Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *